Cương quyết giữ môi trường sinh thái cho hồ Xuân Hương

FAO-XÍCH 06:35, 24/05/2024

Hồ Xuân Hương được ví là “trái tim” của TP Đà Lạt, nhưng đang bị xâm hại kéo dài bởi tình trạng khai thác thủy sản trái phép.

Hi vọng những cảnh đánh bắt thủy sản vi phạm và rất phản cảm như thế này 
sớm chấm dứt tại Di tích quốc gia hồ Xuân Hương
Hi vọng những cảnh đánh bắt thủy sản vi phạm và rất phản cảm như thế này sớm chấm dứt tại Di tích quốc gia hồ Xuân Hương

HỒ XUÂN HƯƠNG CÓ NHIỀU CHỨC NĂNG GIÁ TRỊ

Theo các kiến trúc sư, chỉ có Đà Lạt và Hà Nội là 2 thành phố ở Việt Nam có mặt nước hồ rộng ngay giữa trung tâm. Là hạ lưu của dòng suối bắt nguồn từ dãy núi Lang Biang, hồ Xuân Hương với chu vi 5 km, rộng 25 ha có nước quanh năm. Hồ Xuân Hương là Di tích thắng cảnh Quốc gia. Nhìn từ trên cao phố núi, hình dáng của hồ tựa như mặt trăng lưỡi liềm kéo dài hơn 2 km; bao quanh là những quần thể thông xanh, Đồi Cù, Vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, quảng trường Lâm Viên… Hồ Xuân Hương vừa là hồ cảnh quan vừa là hồ sinh thái, hồ thủy lợi.

Với những lợi thế như vậy nên hồ Xuân Hương luôn là điểm lãng mạn và quý giá của khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như người dân địa phương. Mỗi người đến với con hồ với những nhu cầu khác nhau: tham quan, thưởng lãm vẻ đẹp của thành phố; chụp ảnh, quay phim lưu lại những kỉ niệm; bơi thuyền trên mặt nước; rèn luyện thể thao quanh bờ hồ; trải nghiệm, thư giản, lắng lòng mình sau những giờ lao động mệt mỏi; gặp gỡ tâm giao giữa những bạn hữu hay tâm tình của các cặp uyên ương… Hồ Xuân Hương còn gắn với những sự kiện văn hóa - thể thao của địa phương, như đua thuyền, nhạc nước, khúc xạ ánh sáng nghệ thuật, thả hoa đăng…

KHAI THÁC THỦY SẢN TRÁI PHÉP KÉO DÀI 

Thế nhưng, đáng buồn là tình trạng đánh bắt cá quanh hồ Xuân Hương diễn ra từ lâu với nhiều hình thức khác nhau: câu mồi, câu chùm, thả lưới, vợt. Có những thời điểm đông tới hơn 30 người khai thác thủy sản trái phép. Trung bình mỗi ngày hàng chục kg cá bị khai thác. Đối tượng khai thác đa số là thanh niên, trung niên, một số người cao tuổi, thậm chí có trẻ em do người nhà dẫn đi. Chúng tôi còn từng thấy cả mấy người nước ngoài ngồi thả câu cá cùng những người Việt Nam.

Đối tượng câu cá thường tập trung vào buổi chiều, một số mang theo đèn pin câu cả lúc màn đêm đã buông xuống. Rất phản cảm khi người thả cá phóng sinh, thắp hương nguyện cầu cuộc sống an lành, gieo duyên từ bi, thì gần đó có mấy người ung dung câu cá! Nhiều con cá to đã chết lềnh bềnh dạt vào bờ hồ do trước đó cá bị mắc lưỡi câu và vùng thoát ra. Môi trường sống của các loài thủy sản tại hồ Xuân Hương ảnh hưởng. Không gian Di tích thắng cảnh trở nên xấu xí qua cảm nhận của du khách đang bơi trên thuyền hay đi qua, đứng lại bên hồ nhìn!

Tuy giữa hồ cơ quan quản lý có cắm một số biển “Cấm câu cá” nhưng nó trở nên hình thức. Chúng tôi có dịp một lần thấy lực lượng chức năng đi ô tô quanh hồ và dừng lại thu cần câu. Nhưng hầu như không thu giữ được phương tiện vi phạm vì người câu phát hiện ô tô từ xa, họ đã cao chạy xa bay. Đâu lại vào đấy, cần câu vẫn dăng đầy quanh hồ. Để chấm dứt tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép tại hồ Xuân Hương chỉ có cách lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, bất ngờ và cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

XỬ LÝ NGHIÊM ĐỂ TRẢ LẠI BÌNH YÊN CHO HỒ 

Ngày 9/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nội dung “tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực ở vùng nội địa” (điểm a khoản 1 mục III Điều 1). Tại Điều 1 Quyết định còn quy định các nội dung về xác định khu vực cấm khai thác thủy sản; bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sản; kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường trên các thủy vực vùng nội địa; huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong hoạt động bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước cũng nêu vấn đề này. Cụ thể, “Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước” (điểm c, khoản 1 Điều 4), và điểm d Điều 4: “Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước”. Tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cũng nêu rõ về hình thức xử phạt, bao gồm: phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng, buộc thả thủy sản vào môi trường sống của chúng…

Rất mong chính quyền TP Đà Lạt cương quyết thực thi các biện pháp để chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản trái phép tại hồ Xuân Hương. Không chỉ trả lại bình yên cho hồ mà tiếp tục khẳng định TP Đà Lạt là địa danh du lịch hiền hòa và thân thiện.