Dự án Trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui đang được đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời, đơn vị cũng đang điều chỉnh một số hạng mục dự án. Đây được xem là một trong những động tác nhằm gỡ vướng cho doanh nghiệp, qua đó để dự án đủ điều kiện sớm đi vào hoạt động.
Toàn cảnh Dự án Trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui |
• KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN ĐỀN BÙ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hồng Lam - Madagui cho biết, Dự án Trung tâm Nuôi - huấn luyện ngựa đua và Du lịch Đạ Huoai được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 1/6/2007 với tổng diện tích 335,86 ha.
Để thực hiện dự án, Công ty đã bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng được tổng cộng khoảng 290 ha. Trong đó, 222,1 ha đất đã hết thời hạn sử dụng và đã được UBND tỉnh thu hồi và cho Công ty thực hiện dự án; 68,3 ha đất có sổ, còn hạn sử dụng và có 10.500 m² đất ở (gồm 7.552 m² đã được UBND huyện Đạ Huoai thu hồi và cho thuê tại Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 và 2.948 m² Công ty thương lượng bồi thường sau năm 2008).
Đến ngày 18/8/2010, tại Văn bản số 5099/UBND-TH, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cho Công ty điều chỉnh quy hoạch, lập lại dự án đầu tư theo quy hoạch mới; trong đó, đầu tư Trường đua ngựa, Sân golf và một Trung tâm nuôi, huấn luyện ngựa. Năm 2011, Trường đua Phú Thọ - TP Hồ Chí Minh hết thời hạn đầu tư, chủ trương Ban lãnh đạo Công ty muốn di dời toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị lên Madagui để tiếp tục đầu tư nên đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng tách Dự án Trường đua ngựa. Ngày 18/10/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương thành lập Công ty Cổ phần đua ngựa Thiên Mã - Madagui để thực hiện Dự án đầu tư “Trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui, CLB Polo và ngựa biểu diễn”.
Khi đó, dự án được tách thành 3 dự án thành phần gồm Sân golf Hồng Lam - Madagui; Dự án Trung tâm nuôi - Huấn luyện ngựa đua và Du lịch Đạ Huoai và Dự án Trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn. Sau khi chia tách ranh giới, dự án Sân golf được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất tại Quyết định số 2351/QĐ-UBND ngày 19/10/2020; Quyết định 956/QĐ-UBND ngày 30/5/2022 và đã ký hợp đồng thuê đất số 101/HĐ-TĐ ngày 18/8/2022 với diện tích 55,9 ha. Mặt khác, dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng tại Văn bản số 2203/UBND, Văn bản số 3792/UBND-XD2 về điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/2000 Dự án Sân golf Hồng Lam - Madagui; đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng thỏa thuận quy hoạch chi tiết 1/500 tại Văn bản số 1462/UBND-XD2 ngày 15/3/2017.
Bên cạnh đó, thực hiện Dự án Trung tâm Nuôi, huấn luyện ngựa đua và Du lịch Đạ Huoai, tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007, mặc dù địa điểm thực hiện dự án tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai là khu vực III nông thôn - khu vực đặc biệt khó khăn nhưng chủ đầu tư đã rất tích cực, khẩn trương trong việc thoả thuận với người dân để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến tháng 9/2008, chủ đầu tư đã thực hiện giải phóng mặt bằng và được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất thực hiện dự án với diện tích hơn 222 ha.
Đồng thời, sau khi chia tách thành 3 dự án, Công ty tiếp tục nỗ lực, cùng với sự hỗ trợ của UBND huyện Đạ Huoai và chính quyền địa phương, đến nay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Trung tâm nuôi - huấn luyện ngựa đua được 164 ha trên tổng diện tích 170 ha, còn lại 6 ha chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng.
• GẤP RÚT THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHI TIẾT 1/500
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết, theo quy hoạch cũ được phê duyệt, quy mô dự án chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu 1 tuần đua ngựa 1 lần với lượng khách khoảng 1.500 người. Sau khi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 của Chính phủ ra đời, số trận đua tăng lên 3 trận đối với đua chó, 3 trận đối với đua ngựa, khi đó số lượng khách du lịch tăng lên 9.000 người/tuần. Bên cạnh đó, Dự án Trường đua ngựa được điều chỉnh bổ sung thêm thi đấu Polo, cưỡi ngựa biểu diễn, cưỡi ngựa băng đồng, dẫn đến số lượng, sự đa dạng về khách du lịch, vận động viên thi đấu... sẽ tăng lên, dự kiến khoảng 10.500 người/tuần.
Ngoài ra, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự kiến sẽ cần lượng nhân sự làm việc tại 3 dự án rất lớn; trong đó, Dự án Sân golf thu hút 420 lao động, Dự án Trung tâm nuôi - huấn luyện ngựa thu hút 660 lao động và Dự án Trường đua ngựa thu hút khoảng 3.000 lao động (bao gồm cả làm việc trong và ngoài trường đua). Do đó, dự án rất cấp thiết phải điều chỉnh, bổ sung thêm quy mô, chất lượng các dịch vụ về lưu trú, nghỉ ngơi, giải trí 5 sao, 4 sao, 3 sao, biệt thự, bungalows...
Hiện, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty Baumschlager Eberle Architekten (BEA) của Thụy Sỹ để tư vấn, điều chỉnh quy hoạch và đang đàm phán với các đối tác danh tiếng quốc tế như Hyatt Group; InterContinental Hotels Group; Marriott International để quản lý, vận hành và cung cấp các dịch vụ tương ứng đối với từng đối tượng khách hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, địa bàn thực hiện dự án đầu tư thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay, người dân chủ yếu đi nương rẫy, trồng cà phê, điều, nay một số ít chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sầu riêng, phần lớn vẫn chủ yếu làm nông nghiệp một năm một vụ. Với nhu cầu về lực lượng lao động lớn, dự án khi hoàn thành sẽ thu hút lao động địa phương và các vùng phụ cận, góp phần tạo công ăn việc làm rất lớn cho địa phương. Mặt khác, dự án đi vào hoạt động sẽ đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin