Nhiều dự án điện gió chậm tiến độ

THỤY TRANG 04:48, 27/05/2024

Toàn tỉnh có 4 dự án điện gió được cấp chủ trương, chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay mới chỉ 1 dự án hoàn thành, đấu nối điện thành công.

Dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất đã hoàn tất các hạng mục đầu tư, đấu nối điện thành công
Dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất đã hoàn tất các hạng mục đầu tư, đấu nối điện thành công

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 dự án nhà máy điện gió đã được cấp chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Nhà máy Điện gió Cầu Đất, Nhà máy Điện gió Đức Trọng, Nhà máy Điện gió Xuân Trường I và Nhà máy Điện gió Xuân Trường II.

Dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư, quy mô công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 68,9 MW, giai đoạn 2 là từ 100 - 300 MW, thời gian thực hiện 50 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2,5 ngàn tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 27,5 ha tại xã Trạm Hành (TP Đà Lạt). Sau 8 lần thay đổi đăng ký đầu tư (lần thứ 8 là vào ngày 2/6/2023) và triển khai xây dựng, tháng 12/2023, dự án được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương có thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và được Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương cấp Giấy phép hoạt động điện lực. 

Như vậy, ngoài Dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất đã hoàn tất các hạng mục đầu tư, hoà lưới điện thành công, các dự án còn lại chưa triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục theo tiến độ đầu tư đã cam kết, chậm tiến độ theo quy định. 

Trong số này, Dự án Nhà máy Điện gió Xuân Trường I của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Xuân Trường được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022. Công trình dự án có công suất 50 MW, điện lượng bình quân 180 GWh/năm, với tổng vốn đầu tư trên 2,2 ngàn tỷ đồng, dự kiến xây dựng trên diện tích khoảng 32,5 ha tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Thời gian thực hiện dự án 50 năm, bao gồm nhiều hạng mục xây dựng, gồm: Các trụ móng tuabin gió loại 3 cánh, đường dây 110 kV mạch đơn, trạm biến áp 22/110 kV; nhà điều hành, hệ thống giám sát, điều khiển; hệ thống thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy, giao thông nội bộ…   

Theo cơ quan chức năng của tỉnh, dù Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện thủ tục ký quỹ hoặc bảo lãnh thực hiện dự án theo quy định. Còn theo báo cáo của Công ty, dự án đang trong quá trình chuẩn bị, điều chỉnh quy hoạch, sau khi dự án được phê duyệt đầy đủ nội dung điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, doanh nghiệp sẽ thực hiện đầy đủ theo chủ trương đầu tư. Hiện tại dự án đang gặp khó khăn, vướng mắt về ranh giới khảo sát của dự án có hiện trạng chồng lấn, địa hình rất phức tạp và các thỏa thuận chuyên ngành như thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, thỏa thuận giá bán điện cũng chưa có cơ sở để thực hiện. Bên cạnh đó, Công ty cũng chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục theo tiến độ đầu tư đã cam kết, chấp thuận tại quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp; dự án chậm tiến độ theo quy định.

Tương tự, Dự án Nhà máy Điện gió Xuân Trường II của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Cao Nguyên, được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022. Nhà máy có tổng diện tích dự kiến sử dụng trên 31 ha tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt). Quy mô công suất 48 MW, tổng vốn đầu tư trên 2,186 ngàn tỷ đồng. 

Đến nay, Công ty cũng chưa thực hiện thủ tục ký quỹ hoặc bảo lãnh thực hiện dự án theo quy định. Về đầu tư xây dựng, cơ quan chức năng tỉnh xác định doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục theo tiến độ đầu tư đã cam kết, dự án chậm tiến độ theo quy định. 

Riêng Dự án Nhà máy Điện gió Đức Trọng do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng ADN Đức Trọng làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư vào 3/2020, cấp điều chỉnh lần đầu vào tháng 6/2023. Dự án có công suất 50 MW, xây dựng trên diện tích gần 23 ha trên địa bàn 2 xã Đà Loan và Tà Hine (huyện Đức Trọng), với tổng vốn đầu tư trên 1,8 ngàn tỷ đồng.

Sau khi được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Đức Trọng đã lập thủ tục bảo lãnh thực hiện dự án theo quy định. Năm 2022, doanh nghiệp được Bộ Công thương chấp thuận điều chỉnh vị trí xây dựng từ xã Đà Loan, Tà Hine sang thị trấn D’ran và xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương). Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng ADN Đức Trọng chưa thực hiện điều chỉnh vị trí thực hiện dự án để làm căn cứ thực hiện các thủ tục có liên quan đến kiểm đếm, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, môi trường, chuyển mục đích sử dụng rừng (nếu có), chuyển mục đích sử dụng đất.

Về đầu tư xây dựng, Công ty chưa tổ chức triển khai thực hiện đầu tư các hạng mục công trình theo đúng tiến độ đã cam kết, ghi trong quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp. Đến nay, dự án chậm tiến độ đầu tư so với tiến độ cam kết. 

Từ thực tế trên, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Công thương tổ chức rà soát đối với các Dự án Nhà máy Điện gió Đức Trọng, Xuân Trường I và Xuân Trường II theo Kế hoạch triển khai quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt để đề xuất hướng xử lý theo quy định.