Rừng Đà Lạt, với những cánh rừng thông xanh ngút ngàn, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu và phát triển du lịch. Tuy nhiên, rừng thông với thảm thực vật dày cũng tiềm ẩn trong vẻ đẹp ấy là nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt vào mùa khô hanh.
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, chữa cháy rừng |
Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được chính quyền và người dân Đà Lạt đặt lên hàng đầu, nhằm bảo vệ màu xanh của núi rừng và môi trường sống.
Qua đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của PCCCR, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cùng các đơn vị chủ rừng, UBND các phường, xã và các đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Cụ thể, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, các đơn vị chủ rừng, UBND các phường, xã và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn PCCCR trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các giải pháp như niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, phát tờ rơi cảnh báo về cháy rừng, tổ chức tốt lực lượng PCCCR. Các đơn vị cũng được trang bị vật tư, trang thiết bị PCCCR, tập huấn thường xuyên cho lực lượng chữa cháy, xây dựng các phương án đảm bảo đủ khả năng dập tắt các đám cháy xảy ra.
Đối với công tác PCCCR, TP Đà Lạt cũng chú trọng thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong PCCCR; đồng thời, có các phương án về bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần để kịp thời phát hiện, xử lý, dập tắt ngay các đám/điểm cháy rừng từ khi mới phát sinh, không để bùng phát, cháy lan, cháy lớn.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm, UBND phường, xã, đơn vị chủ rừng tuần tra, kiểm soát tại các khu dân cư, khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị phương tiện tham gia chữa cháy kịp thời.
Nhờ sự nỗ lực đó của các cơ quan chức năng và ý thức trách nhiệm của người dân, công tác PCCCR tại Đà Lạt đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận và ngày càng đạt hiệu quả cao. Thống kê của Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt, trong mùa khô 2021 - 2022, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 8 đám cháy nhỏ, cháy thảm thực bì dưới tán rừng với diện tích khoảng 4,3 ha, lực lượng tại chỗ đã dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Còn mùa khô 2022 - 2023, qua công tác tuần tra, kiểm tra và hỗ trợ từ Trung tâm Điều hành thành phố thông minh (Trung tâm IOC) đã phát hiện và xử lý kịp thời 136 đám cháy thảm thực bì, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Từ đầu mùa khô 2023 - 2024, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 283 điểm cảnh báo có nguy cơ cháy rừng qua vệ tinh; tất cả các điểm đã được các địa phương, đơn vị kiểm tra xác minh. Trong đó, toàn tỉnh có 132 điểm phát lửa trong rừng, các đơn vị đã kịp thời dập tắt, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; các điểm còn lại là người dân đốt nương làm rẫy cạnh rừng, diện tích cháy thuộc đất nông nghiệp, bãi rác…
Thống kê của TP Đà Lạt, mùa khô 2023 - 2024 (tính đến hết tháng 3/2024), cũng cho thấy trên địa bàn thành phố đã xảy ra 34 đám cháy thảm thực bì nhưng hầu hết đều đã được phát hiện, xử lý kịp thời không ảnh hưởng, thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Để tiếp tục bảo vệ rừng Đà Lạt, không để xảy ra các vụ cháy rừng lớn gây thiệt hai về tài nguyên rừng, các cơ quan chức năng hiện được chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác PCCCR, tập trung vào việc nâng cao ý thức người dân bằng cách tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng, đặc biệt vào mùa khô; hoàn thiện hệ thống PCCCR và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng và người dân trong công tác PCCCR.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin