Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Những vấn đề đặt ra

NGUYỆT THU 06:12, 15/05/2024

Liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của tổ chức, cá nhân - đó chính là vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vậy việc thực hiện chính sách, pháp luật về vấn đề này ra sao? Nội dung này đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng quan tâm và thực hiện giám sát, kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Từ đây, Đoàn đã kiến nghị Trung ương, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương khẩn trương phối hợp, xử lý bất cập. Hướng đến chuẩn bị cho lộ trình đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông khi hình thành các tuyến cao tốc mới nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Bài 1: Xử lý dứt điểm “điểm, mối” cắt ngang cao tốc

Chúng tôi cùng Đoàn ĐBQH tỉnh đi khảo sát thực tế tại một số địa điểm có liên quan đến quá trình nâng cấp, cải tạo như QL20, QL27, QL28B, Cảng hàng không Liên Khương, Ga Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm… Qua quá trình khảo sát thực tế và giám sát thông qua báo cáo của các đơn vị cho thấy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan đã chủ động thực hiện công tác tham mưu, ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ thị, kết luận của Trung ương và ban hành các văn bản, kế hoạch để kịp thời triển khai các quy định pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh và các huyện, thành phố. Tuy nhiên, tại một số khu vực, tuyến quốc lộ, bến bãi cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Người đi xe gắn máy trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Người đi xe gắn máy trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Qua giám sát đoạn 19 km cao tốc Liên Khương - Prenn, cho thấy hiện nay về hạ tầng không đồng bộ, vẫn còn hơn 100 điểm giao cắt ngang cao tốc, mức độ vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn xảy ra. Vấn đề này đã được các chuyên gia, ĐBQH quan tâm nhiều, đó là liệu đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn có cho phép chạy 90 km/h khi được đấu nối liên thông với các đoạn cao tốc lớn dự kiến sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng trong thời gian tới? Độ an toàn ra sao và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Ai cho phép mở lối đi cắt ngang cao tốc, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng chịu trách nhiệm như thế nào về việc khu dân cư tự phát, việc tự mở đường, mở lối đi cắt ngang cao tốc Liên Khương - Prenn? Đó là những vấn đề được Đoàn giám sát lưu ý và tìm nguyên nhân để có đề xuất về giải pháp xử lý dứt điểm. 

Chúng tôi phỏng vấn tài xế Nguyễn Văn Nam (Đồng Nai) vừa đi qua đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn để đến TP Đà Lạt nghỉ dưỡng, anh cho biết: Đà Lạt rất mát mẻ và thanh bình, là điều tôi và gia đình luôn thích thú và chọn là điểm đến mỗi khi các con có dịp nghỉ hè, nghỉ lễ. Tuy nhiên, khi lên tới đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn này thực sự thấy chưa an tâm lắm, và không dám chạy với vận tốc 90 km/h, vì nhiều lần đi tôi thấy cứ có vài người đi xe máy đứng lấp ló sau hàng cây chờ qua đường. Lúc đó, tôi phải căng mắt quan sát và giảm tốc tối đa vì “thót tim”, thấy rất nguy hiểm. Tôi nghĩ về vấn đề này, chính quyền và ngành chức năng Lâm Đồng nên sớm xử lý tồn tại, hạn chế trên cao tốc để đảm bảo đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi lưu thông trên tuyến đường này.

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Công ty TNHH Hùng Phát - đơn vị đang thu phí tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn cho rằng: Lịch sử để lại có nhiều khu dân cư, khu canh tác sản xuất đã có trước khi hình thành đoạn cao tốc. Về những tồn tại như Đoàn ĐBQH nêu, phía đơn vị chúng tôi năm nào cũng phối hợp với huyện Đức Trọng và cơ quan chức năng cùng kiểm tra, rà soát và nhận thấy hạn chế như đoàn nêu, còn nhiều điểm cắt ngang do dân tự mở để đi lại vào khu canh tác sản xuất tại các khu vực gần cao tốc. Ngay sau khi kiểm tra phát hiện điểm cắt ngang, tự phát phá vỡ con lươn, đơn vị đã khắc phục, xây hoàn chỉnh lại, nhưng ngay sau khi rào chắn, người dân lại tiếp tục phá vỡ để mở lối đi. Ngoài ra, còn xảy ra việc trộm cắp đèn chiếu sáng trên cao tốc đã xảy ra nhưng chưa được xử lý triệt để, gây thất thoát tài sản lớn… Đại diện Công ty Hùng Phát cũng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm xử lý triệt để tình trạng trộm cắp này, mặt khác cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật để đảm bảo chất lượng hành lang an toàn đường bộ.

Thượng tá Cù Tuấn Nghĩa - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Công an tỉnh tham dự và báo cáo với Đoàn ĐBQH tại buổi khảo sát ở Đức Trọng cho biết: Theo thống kê của CSGT, năm 2023, xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, xử lý 37 trường hợp xe mô tô đi vào cao tốc (chủ yếu là du khách); một số hộ dân tại 2 bên khu dân cư xử lý rất khó, họ không có lối đi, tuy nhiên, cũng đã xử lý 792 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), điều này cho thấy tỷ lệ vi phạm TTATGT rất cao trên tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn. Nhằm đảm bảo an toàn để người dân lưu thông với vận tốc 90 km/h như Đoàn ĐBQH nêu là vẫn chưa đảm bảo, còn tiềm ẩn yếu tố rất nguy hiểm. Đối với điểm giao cắt ngang cao tốc còn xảy ra, đề nghị cần có phương án sớm xây dựng đường gom dân sinh dọc 2 bên cao tốc, có tuyến đường đi riêng, phục vụ đi lại thuận tiện cho Nhân dân. Về vạch phân giới trên cao tốc hiện bị phá dỡ con lươn rất nhiều điểm, cần phối hợp điều tra xử lý, công an địa phương cần xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn. Mặt khác, Công ty Hùng Phát khi phát hiện trộm cắp phải báo ngay Công an huyện Đức Trọng và có hình thức xử phạt nghiêm, tránh việc cứ xây, rào rồi dân lại phá, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc.

Ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng trao đổi tại buổi khảo sát: dưới góc độ quản lý trật tự xây dựng và quy hoạch, nhận thấy có nhiều tồn tại, việc hình thành một số điểm dân cư, gắn với việc sản xuất nông nghiệp, hình thành các hộ dân, đường đi, đường bê tông xi măng mới…, kiến nghị xử lý vi phạm nếu có, hiện chưa quản lý tốt vấn đề này. Về quy hoạch, bên phải vùng Núi Voi vẫn là rừng, tỉnh giao cho các dự án chủ yếu là quản lý rừng, đề nghị rà soát đánh giá lại xem có đúng với mục đích sử dụng hay không. Từ thực trạng cho thấy quá trình lịch sử để lại về xây dựng các tuyến đường, cần đánh giá lại gắn với quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp, quản lý quy hoạch về rừng, công tác quản lý chưa nghiêm, để hình thành nhà ở, công trình trên đất… ở các khu vực 2 bên cao tốc. Cần xử nghiêm khi phát hiện tình trạng xâm phạm hành lang an toàn đường bộ.

Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan chức năng phải phối hợp xử lý dứt điểm việc tháo dỡ lưới B40, con lươn, đèn chiếu sáng trên cao tốc, hiện nay hệ thống đèn led rất mờ, độ sáng rất thấp, cần nâng lên, một số tỉnh khác hệ thống đèn rất sáng cần học tập. Đề nghị Công ty Hùng Phát cần có tính toán lại về việc thu phí sau 15 năm đi vào hoạt động, cần tái đầu tư hạ tầng những hạng mục gì, cần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư những yếu tố cần thiết phục vụ lưu thông an toàn. Cần bố trí thêm đèn chiếu sáng trên cao tốc vì rất nhiều đèn bị trộm và thiếu ánh sáng để lưu thông an toàn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với huyện Đức Trọng, các xã lân cận, với công an địa phương để xử lý dứt điểm tồn tại trên tuyến cao tốc.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi tiếp nhận được từ phía Nhân dân đó là: Bà con đề nghị mở đường gom ở khu dân cư để đi lại sinh sống, sản xuất vì khu dân cư đi kinh tế mới từ năm 1990, còn Khu dân cư Núi Voi đã có trước khi triển khai cao tốc. Thế nên bà con muốn trở về nhà, muốn đến vườn sản xuất phải đi cắt ngang qua đoạn cao tốc này. 

ĐBQH K’Nhiễu đề xuất: khắc phục các điểm cắt ngang cao tốc cần mở đường gom dân sinh, điều này đã được đặt ra nhiều năm trước đây khi Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát, tuy nhiên, vẫn chưa được thực hiện. Công tác giải toả hướng đến hạn chế tối đa việc cưỡng chế đối với hộ dân, vì vậy, đề nghị cần mở đường gom dân sinh phục vụ Nhân dân được thuận lợi hơn, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc.

Tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn được xây dựng năm 2004, đưa vào sử dụng năm 2006. Đây được coi là công trình lớn có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, qua 15 năm sử dụng cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế qua phản ánh của cử tri, Nhân dân và du khách.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất giải pháp: Về tiêu chuẩn, quy chuẩn và có biện pháp, giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên toàn tỉnh. Đặc biệt là tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn để tính toán phương án về tính đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông trong tương lai khi hình thành các tuyến cao tốc mới nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất ATGT và đảm bảo an toàn trong giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các nội dung như: quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư đối với cao tốc Liên Khương - Prenn, quy hoạch khu dân cư, đường gom, việc giao đất, giao rừng cho người dân dọc tuyến cao tốc, vì trên thực tế dọc tuyến cao tốc này đã và đang phát sinh rất nhiều việc người dân canh tác, sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

(CÒN NỮA)