Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Những vấn đề đặt ra (Bài 2)

NGUYỆT THU 04:29, 17/05/2024

Bài 2: Thực trạng đường sắt, thủy nội địa và hàng không

Dự án Khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm theo phương thức PPP với mức đầu tư dự kiến hơn 27 ngàn tỷ đồng đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan, vấn đề đặt ra tại địa phương đó là cần quan tâm, đôn đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan, tăng cường công tác phối hợp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt và phòng ngừa tai nạn đường sắt theo quy định. Ngoài ra, việc hướng đến xây dựng lộ trình nâng cấp sân bay quốc tế Liên Khương, tiến tới đồng bộ quy hoạch chung vùng tỉnh, đầu tư công PPP đường sắt, sân bay… là vấn đề đặt ra để chuẩn bị trong thời gian tới.

Đoàn ĐBQH giám sát khu vực bến du thuyền hồ Tuyền Lâm nhằm đảm bảo an toàn đường thuỷ nội địa
Đoàn ĐBQH giám sát khu vực bến du thuyền hồ Tuyền Lâm nhằm đảm bảo an toàn đường thuỷ nội địa

Cụ thể, đối với lĩnh vực đường sắt, Đoàn khảo sát nhận thấy: Tuy tuyến đường sắt từ Ga Đà Lạt đến Trại Mát chỉ dài khoảng 7 km và đang phục vụ vận chuyển khách tham quan, nhưng thống kê từ 2019 đến hết 2023, địa phương vẫn để xảy ra 12 vụ va chạm giao thông, tuy không có thương vong về người, nhưng từ đó cho thấy công tác phối hợp trong quản lý của các đơn vị liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn đường sắt còn chồng chéo và hạn chế. Bên cạnh đó, Dự án Khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm theo phương thức PPP với mức đầu tư dự kiến hơn 27 ngàn tỷ đồng đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. “Trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan, tăng cường công tác phối hợp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt và phòng ngừa tai nạn đường sắt theo quy định”, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh. 

Liên quan đến giải pháp khắc phục tồn tại, UBND tỉnh cũng cho rằng việc triển khai Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 6388/KH-UBND ngày 24/7/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng là cần thiết và cấp bách nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở và lập phương án xây dựng đường ngang, hàng rào phân cách với đường sắt, phương án thu hồi đất và giải tỏa công trình trong hành lang an toàn giao thông đường sắt trong giai đoạn 2024 - 2025 trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm. Do đó, Lâm Đồng kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, bố trí kinh phí tổ chức cắm mốc giới đất hành lang an toàn đường sắt và kinh phí để lập phương án triển khai rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ, di dời công trình, kiến trúc, cây cối; thực hiện các thủ tục để đầu tư xây dựng đường ngang, hàng rào bảo vệ đường sắt và xóa bỏ các lối đi tự mở. Phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan nâng cấp, cải tạo mặt đường giao cắt với đường ngang cho thuận lợi, đặc biệt, tại tuyến đường ngang khu cầu chui tại Phường 9, TP Đà Lạt và khu vực bến Trại Mát.

Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí kinh phí tổ chức cắm mốc giới đất hành lang an toàn đường sắt và kinh phí để lập phương án triển khai rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt, tổ chức vận động các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc, cây cối...; thực hiện các thủ tục để đầu tư xây dựng đường ngang, hàng rào bảo vệ đường sắt và xóa bỏ các lối đi tự mở. Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6388/KH-UBND ngày 24/7/2023 về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Xây dựng lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch của địa phương.

Riêng đối với lĩnh vực đường thủy nội địa - một lĩnh vực đang được rất quan tâm bởi còn nhiều yếu tố hành lang pháp lý bị bỏ ngỏ, nguy cơ xảy ra tai nạn trên hồ, sông, suối là rất dễ xảy ra.

Theo khảo sát của ngành chức năng, chỉ tính riêng trong năm 2016, tiến hành kiểm tra hoạt động khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua kiểm tra chuyên ngành đã đình chỉ hoạt động tại 7 đơn vị: Thung lũng Vàng, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, Thủy Tạ, thác Ankoroet, thác Hang Cọp, thác Prenn vì không trang bị đủ số lượng áo phao, phao cứu hộ, nhân viên hướng dẫn; cơ quan chức năng kiên quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đảm bảo các điều kiện an toàn đường thủy nội địa. 

Kiểm tra theo phản ánh của người dân trên Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm có hiện tượng vi phạm. Qua kiểm tra phát hiện 1 thuyền 16 mã lực đang neo đậu tại bờ hồ Tuyền Lâm không có đăng kiểm, đăng ký, người lái phương tiện không có chứng chỉ lái phương tiện theo quy định. Tổ kiểm tra đã lập biên bản làm việc yêu cầu đình chỉ hoạt động.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, toàn tỉnh cấp đăng ký và quản lý 110 phương tiện gồm 76 phương tiện chở người và 34 phương tiện chở hàng, một số phương tiện đã hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động. Tìm hiểu thực tế cho thấy, hầu hết vì lý do khó khăn trong điều kiện đăng kiểm nên phải phối hợp với Chi cục Đăng kiểm 5 Nha Trang.

Qua khảo sát, các thành viên Đoàn ĐBQH đều nhận thấy hiện địa phương cũng đã ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, chưa có quy hoạch giao thông đường thủy và theo Quyết định 1829 ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050. 

Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát và có cơ chế quản lý sát sao đối với các phương tiện và người lái phương tiện thủy nội địa trên địa bàn nhằm phòng ngừa tối đa sự cố về giao thông thủy nội địa; đồng thời nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp, quản lý về giao thông thủy nội địa chặt chẽ tại các địa điểm du lịch, vận chuyển hành khách, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương, nâng cao công tác phòng ngừa tai nạn giao thông trong lĩnh vực thủy nội địa.

Giám sát đối với lĩnh vực hàng không dân dụng - một nội dung rất mới và còn nhiều yếu tố cần quan tâm thực hiện tốt hơn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không được địa phương hết sức quan tâm. Địa phương và Cảng hàng không Liên Khương đã ban hành nhiều kế hoạch, quy chế phối hợp giữa các lực lượng để đảm bảo thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn giao thông liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng là chưa được thường xuyên, hạn chế trong công tác trao đổi thông tin, ảnh hưởng đến việc điều hành và chỉ huy đảm bảo trật tự an toàn, an ninh hàng không. 

Việc đấu nối trực tuyến giữa Trung tâm Khẩn nguy Cảng và Trung tâm Khẩn nguy tỉnh chưa được triển khai do UBND tỉnh chưa phân bổ được kinh phí và một số quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế…

Việc phối hợp, điều tiết, quản lý giao thông nội cảng chưa được quan tâm. Trên thực tế, các vi phạm chủ yếu tại giao thông nội cảng là dừng, đỗ xe không đúng quy định; điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng thu tiền từng hành khách đi xe; không có hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định, một số nơi còn để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc… Theo như thống kê của cơ quan chức năng, tháng 11/2023 đã có trường hợp Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng xử phạt tài xế taxi vì thu tiền hành khách sai giá niêm yết, để xảy ra tình trạng trên, trong đó có cả trách nhiệm của Cảng hàng không Liên Khương và các cơ quan liên quan trong việc thông tin tuyên truyền cho hành khách để lựa chọn phương tiện di chuyển cho phù hợp.

Trong quá trình hỗ trợ triển khai các thủ tục để nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế, Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan hỗ trợ, hoàn thiện các quy chế để đáp ứng điều kiện công bố nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành cảng quốc tế.

Đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan trong quá trình thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn bay giữa Cảng hàng không Liên Khương và cơ quan chức năng tại địa phương. Nghiên cứu, bố trí phân bổ kinh phí thực hiện công tác đấu nối trực tuyến Trung tâm Khẩn nguy giữa Cảng hàng không Liên Khương và tỉnh.

(CÒN NỮA)