Thời gian qua, với vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cát Tiên luôn quán triệt chặt chẽ các nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ của cấp trên về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; làm tốt công tác huấn luyện, chuẩn bị đầy đủ vật chất, phương tiện, con người, tích cực tiến hành công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Cát Tiên tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn |
Cát Tiên là huyện vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên là 426,71 km2. Địa hình huyện Cát Tiên chủ yếu là dạng địa hình đồi núi thấp chuyển từ vùng cao Nam Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng. Hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện khá dày, mật độ dòng chảy 0,9-1,2 km, tổng chiều dài sông, suối trên địa bàn khoảng 300 km.
Trong đó, sông Đồng Nai chảy quanh và bao bọc huyện từ 3 phía Bắc, Tây và Nam, có chiều dài khoảng 80 km, rộng có nơi lên đến 70 m, sâu trung bình khoảng 10 m ở hạ lưu; hướng chảy từ Bắc, Tây Bắc và về Đông; có lưu vực rộng, lưu lượng dòng chảy cao đều trong cả năm. Bên cạnh đó, toàn huyện có 6 công trình thủy lợi vừa và nhỏ gồm hồ Đạ Sỵ, hồ Đắk Lô, hồ Phước Trung, hồ Bê Đê, hồ Mỹ Trung, hồ Tư Nghĩa; hệ thống cầu, phà, bến vượt, có 3 cầu lớn nối với các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, 11 cầu nhỏ trong huyện trên các trục đường qua các kênh, suối nhỏ; có 3 bến phà ngang ở xã Phước Cát 2, thị trấn Cát Tiên, Phước Cát chủ yếu giao thông qua lại mua, bán hàng hoá với các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai.
Thượng tá Nguyễn Đình Tuyền - Chính trị viên Ban CHQS huyện Cát Tiên, cho biết, phát huy vai trò quân đội trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các đơn vị đã duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn; chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nếu có tình huống xảy ra; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án bảo đảm phù hợp với tình hình. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đã xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả nhiều tình huống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng nghiêm túc, chặt chẽ đúng quy định. Thường xuyên được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, của Huyện ủy, UBND huyện; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các kế hoạch, phương án được rà soát, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với địa bàn và thường xuyên luyện tập sát thực tế bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Theo thống kê, trong 10 năm qua (2014 - 2024), đã có 1.620 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia huấn luyện các nội dung cứu hộ cứu nạn. Công tác tổ chức lực lượng hàng năm được tăng cường, bảo đảm được chất lượng và đáp ứng 100% yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên gồm đại đội bộ binh với quân số 110 đồng chí, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang huyện sẵn sàng lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn gắn với lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, đơn vị, đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.
Đặc biệt trong các năm 2021, 2022, 2023, trên địa bàn huyện xảy ra sự cố đuối nước tại thị trấn Cát Tiên, xã Quảng Ngãi, xã Gia Viễn, xã Đồng Nai Thượng, lực lượng vũ trang huyện đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp tìm kiếm thi thể người bị nạn; trong phòng, chống COVID-19 đã tham mưu Huyện ủy, UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nhiều phương án, giải pháp trong phòng, chống dịch. Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống dịch; bảo đảm tốt về công tác hậu cần, đời sống và bảo đảm an toàn cho trên 1.700 công dân tại các điểm cách ly tập trung của huyện; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch với gần 1.000 ngày công tại 65 chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện. Trong diễn tập khu vực phòng thủ huyện năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự huyện xử lý tình huống thảm họa thiên tai xảy ra sự cố vỡ một phần đập chính của hồ Đắk Lô, gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại khu vực xã Tiên Hoàng, Gia Viễn và thị trấn Cát Tiên. Đây cũng là cơ sở để bổ sung phương án, tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia cùng các địa phương khi có tình huống xảy ra.
Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Cụ thể, công tác chỉ huy điều hành phải thống nhất, khẩn trương, quyết liệt, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo, tinh thần đoàn kết của các lực lượng tham gia cứu hộ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và chỉ huy các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ; duy trì trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, báo cáo kịp thời, chính xác, để được chỉ đạo xử lý kịp thời. Hàng năm phải tổ chức kiểm tra, rà soát chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện; củng cố lực lượng, xây dựng kế hoạch, phương án phân công trách nhiệm theo dõi phụ trách địa bàn cho các thành viên ban chỉ huy. Thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, giao thông thông suốt tại địa bàn xảy ra thiên tai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin