Theo chỉ đạo của UBND tỉnh về đôn đốc việc xử lý chất thải y tế theo quy định, từ tháng 1-3/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh về đôn đốc việc xử lý chất thải y tế theo quy định, từ tháng 1-3/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 6 bệnh viện và 12 trung tâm y tế qua kiểm tra đều tuân thủ các quy định về phân loại, lưu trữ và xử lý chất thải y tế. Nhưng chỉ có Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt đã hoàn thành tất cả các hồ sơ về môi trường cần thiết. Có 2 trung tâm y tế Bảo Lâm và Đạ Tẻh chưa được đầu tư lò đốt rác y tế, chất thải y tế được xử lý bằng cách chôn lấp. Các đơn vị còn lại, chất thải y tế được thu gom xử lý bằng phương pháp đốt. Ngoài ra, một số đơn vị có phát sinh chất thải y tế nhưng số lượng ít như: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm 05-06 và các phòng khám tư nhân.
Việc lập hồ sơ pháp lý về môi trường theo quy định: Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng và Bệnh viện YHCT Bảo Lộc đang tiến hành làm đề án bảo vệ môi trường chi tiết nhưng chưa được phê duyệt; Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng chưa làm hồ sơ này. Các bệnh viện đều hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và đã được cấp số đăng ký có mã số quản lý chất thải nguy hại riêng.
Tuyến huyện có 8/12 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có 2 đơn vị đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác y tế, còn 2 đơn vị không có hệ thống xử lý nước thải là Trung tâm Y tế Đam Rông và Bảo Lộc. Các thủ tục: báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết hiện có 5 đơn vị hoàn thành, 5 đơn vị đang tiến hành và 2 đơn vị chưa làm hồ sơ này. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn; các đội y tế dự phòng, đội chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng khám đa khoa trung tâm, phòng khám khu vực chưa tiến hành xây dựng đề án bảo vệ môi trường đơn giản do khó khăn kinh phí. Chỉ có 4 Trung tâm y tế hoàn thành hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và được cấp số đăng ký có mã số quản lý chất thải nguy hại riêng. Tất cả các bệnh viện huyện có lò đốt rác y tế đều chưa làm hồ sơ đăng ký xử lý chất thải nguy hại.
Theo thống kê, tại 18 cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện hàng ngày xử lý chất thải phát sinh khoảng 2.050 kg rác thải y tế và lượng nước thải 654 m3. Có 3 bệnh viện tỉnh và 8 bệnh viện huyện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ngoài ra có 4 đơn vị (Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt và Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Trung tâm Y tế Đà Lạt, TTYT Lạc Dương) đã có dự án được phê duyệt. Các đơn vị còn lại chưa có hệ thống xử lý, nước thải chỉ được đưa vào bể tự hoại trước khi đưa ra môi trường. Theo thống kê, tỉ lệ nước thải y tế được xử lý trước khi đưa ra môi trường đạt khoảng hơn 90%. Hiện toàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt đã có giấy xác nhận để đưa công trình bảo vệ môi trường vào vận hành chính thức; các đơn vị còn lại chưa hoàn tất hồ sơ, tuy nhiên kết quả phân tích chất lượng nước sau hệ thống xử lý đều đạt quy chuẩn Việt Nam.
Chất thải rắn y tế nguy hại được các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phân loại tại nguồn và có kho lưu trữ đúng quy cách. Lượng chất thải rắn nguy hại được xử lý đạt trên 95%. Hiện 9/18 đơn vị có đầu tư lò đốt rác y tế để xử lý chất thải phát sinh trong đơn vị, 7/18 đơn vị không có lò đốt rác nhưng được các đơn vị có chức năng thu gom xử lý; 2 đơn vị chưa có lò đốt rác là Trung tâm Y tế Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Các cơ sở y tế khác thuộc Trung tâm y tế huyện lượng rác thải y tế chủ yếu được chôn lấp hợp vệ sinh hoặc đốt trong các buồng đốt tự tạo. Đối với kim tiêm, có một số Trung tâm y tế gom về bệnh viện huyện để đốt tiêu huỷ trong các lò đốt y tế.
Hiện nay toàn tỉnh có 2 đơn vị đầu tư lò đốt chất thải y tế tập trung là: Công ty TNHH MTV Dịch vụ Đô thị Đà Lạt và Công ty CP Công trình đô thị Bảo Lộc nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất các hồ sơ cần thiết để xin giấy phép quản lý chất thải nguy hại đúng theo quy định. Sở Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị 2 công ty này cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục hồ sơ để có giấy phép hoạt động quản lý chất thải nguy hại, các bệnh viện cần nhanh chóng hoàn thành hồ sơ môi trường còn thiếu để đưa hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn vào vận hành chính thức; các trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng phải làm đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
AN NHIÊN