Đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, thay vì mức phạt tối đa hiện nay là 100 triệu đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất nâng mức phạt tối đa này lên 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm và 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên (gồm tài nguyên nước và khoáng sản). Theo dự thảo này, hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản có thể bị phạt tiền từ 2 – 100 triệu đồng. Mức phạt đối với hành vi này hiện nay theo quy định tại Nghị định 77/2007/NĐ-CP là từ 10-20 triệu đồng.
Trường hợp khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định thì bị phạt tiền từ 200-300 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với quy định hiện hành tại Nghị định 77/2007/NĐ-CP.
Các mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Nếu tổ chức thực hiện các hành vi trên thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi.
ảnh minh họa |
Cũng theo Dự thảo, hành vi khai thác khi Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn hoặc khai thác khoáng sản trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản; khai thác vượt từ 50 - 100% so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản có thể bị phạt từ 30 - 100 triệu đồng.
Đặc biệt, Dự thảo đề xuất phạt nặng hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định, (trừ các trường hợp nêu trên); khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới được phép khai thác quá 10% trở lên mà chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; hoặc khai thác quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm.
Đáng chú ý, mức phạt tiền cao nhất từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng được áp dụng đối với trường hợp cá nhân khai thác vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại mà không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định,… Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tối đa lên tới 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính. Đồng thời, buộc chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản và thực hiện các giải pháp hoàn phục môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn,…
Cũng trong Dự thảo này, cá nhân có hành vi thăm dò khoáng sản mà không có Giấy phép theo quy định hoặc thăm dò khoáng sản ra ngoài ranh giới vượt quá 10% trở lên so với tổng diện tích khu vực được phép mà chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng.
Các đối tượng vi phạm còn buộc phải chấm dứt hoạt động thăm dò khoáng sản và thực hiện các giải pháp hoàn phục môi trường khu vực đã thi công thăm dò.
PV (Theo Chính phủ)