Tình trạng doanh nghiệp, công ty nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm người lao động trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau hơn một năm Luật BHXH áp dụng chuyển chức năng khởi kiện từ BHXH sang tổ chức công đoàn, việc đòi nợ vẫn gặp không ít trở ngại.
Tình trạng doanh nghiệp, công ty nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm người lao động trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau hơn một năm Luật BHXH áp dụng chuyển chức năng khởi kiện từ BHXH sang tổ chức công đoàn, việc đòi nợ vẫn gặp không ít trở ngại.
|
Doanh nghiệp thực hiện nộp đầy đủ tiền BHXH, người lao động mới yên tâm gắn bó lâu dài. Ảnh: C.THÀNH |
Phòng khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Lâm Đồng cho hay, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và BHXH tính tới hết tháng 4/2017 là gần 142 tỷ đồng, bằng 7,4% kế hoạch thu trong năm. Trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tỉ lệ nợ chiếm phần lớn so với đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước. Cụ thể, nợ BHXH, BHTN là 76.786 tỷ đồng (trong đó nợ BHTN 3.406 triệu đồng). Nợ BHYT là 65.043 tỷ đồng (trong đó số tiền ngân sách địa phương nợ là 57,5 tỷ đồng). Điều đặc biệt là mức độ nợ dai dẳng của nhiều công ty, doanh nghiệp không hề giảm so với một số năm. Nợ BHXH, BHYT và BHTN từ 3 tháng tới trên dưới 10 năm tính tới ngày 31/3/2017 là 489 doanh nghiệp. Theo đánh giá từ BHXH tỉnh, số nợ khó đòi nhất, nhiều khả năng “mất trắng”, không thể thu hồi tập trung vào 92 doanh nghiệp, công ty đã ngưng hoạt động, phá sản, di chuyển trụ sở… với số lao động theo thẩm tra gần như không còn. Các đơn doanh nghiệp điển hình về nợ 3 loại bảo hiểm “chây ì” trong thời gian dài như: Công ty TNHH Bá Thiên Bảo Lộc nợ gần 9 năm (hơn 1,6 tỷ đồng), Công ty TNHH Kimono Japan nợ gần 6 năm (trên 4 tỷ đồng), Công ty TNHH Mekava Việt Nam nợ 5 tháng (hơn 1,3 tỷ đồng), Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương Bảo Lộc nợ 49 tháng (2,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Tâm Châu nợ 17 tháng (3,9 tỷ đồng), Công ty TNHH Sông Thương 2 nợ 51 tháng (trên 1,5 tỷ đồng)… Số doanh nghiệp nợ từ 40 tới 200 triệu đồng chiếm tỉ lệ nhiều nhất.
Chính vì công tác thu hồi nợ còn khó khăn, hàng năm, BHXH tỉnh thường xuyên cử viên chức ngành tại 12 huyện, thành phố đối chiếu, đôn đốc thu nợ bằng nhiều biện pháp tới các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ từ 3 tháng trở lên. Với số nợ xấu khó đòi hơn, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH theo quy định, từ giữa năm 2016 tới cuối tháng 4 năm nay, Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ nợ của 52 doanh nghiệp nợ lớn, khó thu hồi sang Liên đoàn Lao động tỉnh. Tuy nhiên, tới thời điểm này do nhiều bất cập, Liên đoàn Lao động tỉnh và 12 huyện, thành phố trên địa bàn chưa tiến hành khởi kiện chính thức doanh nghiệp nào.
Theo Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng, hiện nay việc khởi kiện doanh nghiệp, công ty đòi quyền lợi cho người lao động gặp nhiều trở ngại. Theo quy định từ Luật BHXH áp dụng đầu năm 2016 và Nghị định Chính phủ năm 2013, công đoàn cơ sở và người lao động là hai đối tượng được phép khởi kiện công ty, doanh nghiệp nợ lương, BHXH… Tuy nhiên, trên cả nước gần như rất hiếm công đoàn cơ sở khởi kiện doanh nghiệp vì nhiều nguyên nhân. Trong đó chính yếu là việc công nhân, nhân viên nhận lương của doanh nghiệp và thường làm kiêm nhiệm trong tổ chức công đoàn nên thực tế việc khởi kiện “chủ” của mình hay ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện được nhìn nhận rất khó thực hiện. Trong khi đó, việc từng người lao động phải làm đơn ủy quyền kiện doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều vướng mắc về thời gian cũng như thủ tục.
Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định, mặc dù khởi kiện ra tòa còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong quá trình khởi kiện thì cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn đã phối hợp đôn đốc, tuyên truyền bằng nhiều cách tới các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH. Đã có nhiều doanh nghiệp khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình nên công tác vận động vẫn được đơn vị chú trọng áp dụng. Qua đó, tới hết tháng 4 BHXH đã thu được 9,6 tỷ đồng tiền nợ (đạt 17,84% trên tổng số tiền nợ là 53,82 tỷ đồng). Trong trường hợp một số doanh nghiệp tiếp tục trốn nợ bằng nhiều cách, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng các huyện, thành phố mới tính tới phương án cuối cùng là khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ.
“Dự kiến trong tháng 5/2017, Tòa án tỉnh Lâm Đồng sẽ xét xử vụ 55 công nhân ủy quyền cho Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện Công ty TNHH Kimono Japan, có trụ sở đóng tại TP Bảo Lộc. Chúng tôi đã bổ sung hồ sơ, chứng cứ, tài liệu đầy đủ cho tòa án với hy vọng xử lý điểm doanh nghiệp trên (trên 4 tỷ đồng) giúp tạo hiệu ứng tốt tới các doanh nghiệp khác trong việc tuân thủ thực hiện trả nợ BHXH” - một cán bộ Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ.
C.THÀNH