Bidoup - Núi Bà cuốn hút các nhà cổ khí hậu thế giới

05:01, 16/01/2020

Trọn một tuần giáp tết cổ truyền Việt Nam, hơn 30 nhà khoa học thế giới có mặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà say mê thực địa và chia sẻ các thành tựu nghiên cứu. Đó là lĩnh vực đặc biệt thú vị: cổ môi trường, cổ khí hậu - những gì đã xảy ra hàng ngàn năm trước. 

Trọn một tuần giáp tết cổ truyền Việt Nam, hơn 30 nhà khoa học thế giới có mặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà say mê thực địa và chia sẻ các thành tựu nghiên cứu. Đó là lĩnh vực đặc biệt thú vị: cổ môi trường, cổ khí hậu - những gì đã xảy ra hàng ngàn năm trước. 
 
 Trao chứng nhận tham gia khóa đào tạo tại VQG. Ảnh: M.Đạo
Trao chứng nhận tham gia khóa đào tạo tại VQG. Ảnh: M.Đạo
 
Tụ hợp đội ngũ khoa học nhiều châu lục 
 
Đây là tập hợp chính thức đầu tiên của Hiệp hội Môi trường Paleo Đông Nam Á, thông qua sự kết hợp giữa GS, TS. Brendan Martin Buckley, Trường Đại học danh tiếng Columbia, Hoa Kỳ cùng Nguyễn Tân Thái Hưng, nghiên cứu sinh tại Singapore và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới thuộc VQG Bidoup - Núi Bà. Tham gia chương trình có GS, TS. Edward R. Cook, Đại học Columbia, nhà khoa học số một thế giới về lĩnh vực “vòng thân cây”; các nhà khoa học 13 quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sỹ, Singapore, Trung Quốc, Úc, Việt Nam, Pháp, Đức, Mexico,… với nhiều lĩnh vực: vòng thân cây, hồ, đồng vị, sáp lá, sinh thái, hang động, thủy văn, khảo cổ, lịch sử… Dưới sự chủ trì của TS. Brendan Buckley, các giáo sư, tiến sỹ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ thảo luận về thành tựu nghiên cứu chuyên sâu, từ dữ liệu đến phân tích mô hình phức tạp của khí hậu cổ xưa được tái hiện… Cùng đó là thực địa lấy các mẫu tại VQG Bidoup - Núi Bà; tập huấn các kỹ năng thực hành, xử lý mẫu...
 
Nhằm nhận diện toàn diện về cổ môi trường, chương trình hội tụ các nhà khoa học của 8 trường đại học và viện nghiên cứu các quốc gia với nhiều cách tiếp cận đối tượng. Ở lĩnh vực tính tuổi thọ cây, có các nhà khoa học: Brendan M. Buckley, Edward R. Cook, Justin T. Maxwell, Grant Harley, Tsun-Fung Au (Tom), Karen Heeter, Paolo Cherubini, Holger Gaertner, Sylvia Passardi, Chenxi Xu, Fan Zexin. Những nghiên cứu cập nhật tại Bidoup - Núi Bà hôm nay tương quan dữ liệu năm 2007 và đặc biệt, cho một thông tin là vào năm 2016 tại VQG này đã xảy ra khô hạn rất nặng… Ở lĩnh vực về trầm tích, san hô và các proxy khác có các nhà khoa học: Simon Brassell, Yvette Eley, Xin Zhou, Bridget Warren, Toby Everard, Alan Ziegler, Kelsey Doiron, Dhrubajyoti Samanta, Khairun Nisha bte Md Ramzan, Anna-Marie Klamt, Nguyễn Văn Hương. Ở lĩnh vực động lực học khí hậu - thủy văn là các nhà khoa học: Shih-Yu Simon Wang, Stefano Galelli, Nguyễn Tân Thái Hưng. Ngoài ra các chuyên ngành khác có các đại biểu như Gretchen Coffman (Sinh thái phục hồi), Nguyễn Văn Thiết, Nguyễn Trần Quốc Trung và Nguyễn Xuân Hậu (Sinh thái học), Nguyễn Thị Bom (Địa chất), Elvagris Segovia (Khoa học môi trường), Lê Cảnh Nam và Phạm Trọng Nhân (Lâm nghiệp), Juliette Taieb (Khảo cổ học)… Nhóm nghiên cứu sáp trên lá cây đã thu hồi nhiều mẫu của Bidoup để tiếp tục phân tích tại Anh. Nhóm Sinh thái nghiên cứu việc đốt rừng chủ động tại VQG và nhận thấy mức độ tồn tại của cây non, cây trung bình và cây già khác nhau để nhận biết mức độ tác động… Các nhà khoa học còn triển khai khoan cây và cũng mang mẫu vật về Úc tiếp tục nghiên cứu…
 
Những chia sẻ về Bidoup - Núi Bà
 
Chúng tôi đã phỏng vấn một số nhà khoa học ngay tại VQG Bidoup - Núi Bà. GS Edward R. Cook cho biết: Ông đến Bidoup - Núi Bà hơn 10 năm trước để nghiên cứu cổ khí hậu khu vực Đông Nam Á và hết sức ngạc nhiên VQG này rất đa dạng về sinh học, đặc biệt có nhiều cổ thụ. “Việc hiểu được khí hậu cách đây hàng ngàn năm sẽ có ý nghĩa lớn về việc thích ứng với khí hậu tại thời điểm đó và cả tính toán cho tương lai. Khí hậu đã và tiếp tục thay đổi trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc bảo tồn thực vật, động vật ở Bidoup rất đáng ghi nhận, và nó rất quan trọng đối với biến đổi khí hậu sau này. Mặt khác, sự đa dạng hệ sinh thái ở đây là thực tế quý để các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau. Đây là những giá trị cho nhân loại không chỉ bây giờ mà cả tương lai”, GS Cook nói. 
 
GS Brendan M. Buckley có thành tựu nghiên cứu lĩnh vực cổ khí hậu hơn 20 năm và kết quả hầu như được nghiên cứu tại Bidoup - Núi Bà. Thành tựu lớn nhất là dựa vào vòng thân cây pơ-mu của Bidoup, ông đã tái hiện được 2 trận hạn hán lớn nhất xảy ra ở Cămpuchia những năm 1.300 năm trước đã hủy hoại nền văn hóa Ăng-co. Là nhà tổ chức, GS Brendan nhận xét: Chương trình tổ chức rất thành công vì tập hợp được nhiều thế hệ các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau của thế giới. Và quan trọng nhất là đã tụ họp được một nhóm người Việt Nam. Họ được tài trợ 100% về các kinh phí vì ông rất muốn đào tạo được một số nhà khoa học Việt Nam về lĩnh vực này. Với VQG Bidoup - Núi Bà, năm nào GS Brendan cũng có mặt, thậm chí có năm 2-3 lần và ông coi nơi đây “như là ngôi nhà thứ 2 của mình” bởi sự thân thiện và nhiệt tình của đội ngũ VQG. Chính GS đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới thuộc VQG Bidoup - Núi Bà và hoạt động rất hiệu quả trong mấy năm qua. Brendan nói: “Với tôi, Bidoup rất quan trọng với lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tôi rất muốn Trung tâm này duy trì và tiếp tục phát huy chức năng lâu dài. Những kết quả của chương trình nghiên cứu đầu năm 2020 này, tôi muốn tiếp tục duy trì hàng năm để càng ngày càng có nhiều người được đào tạo, và khi họ vững vàng về chuyên môn rồi thì sẽ thành lập nhóm chuyên nghiên cứu ở đây (Bidoup - Núi Bà) trong sự hợp tác quốc tế”. GS cũng đánh giá rất cao sự hợp tác cởi mở và nhiệt tình của VQG Bidoup - Núi Bà, không nơi nào có được, đã góp phần thành công của chương trình. Mặc dù nơi đây không có hồ và động, nhưng tiềm năng sinh thái rất đa dạng để nghiên cứu về cổ khí hậu; là địa chỉ kết nối các nhà khoa học…
 
Chúng tôi cũng trò chuyện với một nhân vật quan trọng khác: Nguyễn Tân Thái Hưng - nghiên cứu sinh năm thứ 5 về cổ khí hậu kết hợp với thủy văn tại Singapore. Anh vừa vượt qua 82 nhà khoa học các nước, trong đó có cả Đại học Harvard, trở thành một trong 3 người được học bổng toàn phần sau tiến sĩ của Viện Quan trắc địa cầu, Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ, và là người Việt Nam đầu tiên có học bổng này tại đây. Thái Hưng chia sẻ: Đây là lần thứ 2 đến Bidoup - Núi Bà và rất thích môi trường, khí hậu nơi này. Hy vọng đây sẽ là nơi có rất nhiều đoàn khoa học đến nghiên cứu về nhiều lĩnh vực liên quan đến cổ môi trường. Anh cho biết, trong đoàn hôm nay đã có một số người muốn quay lại nơi này…
 
MINH ĐẠO