Nỗ lực giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào Mông di cư tự do

05:01, 08/01/2020

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn và giải quyết cũng như ổn định tình trạng người dân di cư tự do vào một số địa phương, đặc biệt là tình trạng người Mông di cư tự do vào Đam Rông và Lạc Dương...

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn và giải quyết cũng như ổn định tình trạng người dân di cư tự do vào một số địa phương, đặc biệt là tình trạng người Mông di cư tự do vào Đam Rông và Lạc Dương. Tuy nhiên, do vấp phải một số chính sách, qui định của Nhà nước nên không thể tự giải quyết, do đó Lâm Đồng đã nỗ lực đề xuất đến các cấp bộ, ngành Trung ương để có cách thức phù hợp ổn định và kiểm soát tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn.
 
Trồng lúa nước ở Đam Rông. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Trồng lúa nước ở Đam Rông. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
 
Ổn định đời sống và an ninh trật tự
 
Những năm qua, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và đồng bào Mông nói riêng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương nên cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư, sản xuất có bước phát triển, an sinh xã hội được chú trọng. 
 
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 3 - 5%, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ở các địa phương được cải thiện đáng kể. Đối với các hộ nghèo đồng bào Mông, là những đối tượng di cư tự do từ phía Bắc vào các địa phương từ nhiều năm nay cũng đã cơ bản được ổn định chỗ ở, được hỗ trợ sản xuất, tập trung chủ yếu vào việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi; tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống... Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất gắn với các chương trình, như: sản xuất lúa, trồng cà phê, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; giải quyết các chính sách về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm... và giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, bước đầu tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập của các hộ người Mông tại Lâm Đồng. 
 
Tuy nhiên, do hầu hết các hộ người Mông di cư tự do sống rải rác ở các vùng sâu, trong rừng sâu, giao thông đi lại khó khăn; phần lớn theo đạo Tin lành; vì vậy công tác quản lý cũng hết sức khó khăn. Thế nhưng, có thể thấy, thời gian qua, bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, tỉnh đã cơ bản ổn định được tình hình dân di cư tự do, ngăn chặn được tình trạng phá rừng, giữ vững an ninh trật tự. Một trong những lực lượng thực hiện tốt công tác ổn định tình hình dân di cư tự do phải kể đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức rất tốt các đợt công tác dân vận, tuyên truyền đến đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Mông di cư nói riêng chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi sinh sống. Vì vậy, trên địa bàn này không xảy ra các tệ nạn xã hội, đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
 
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
 
Mới đây, trong buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại tỉnh lâm Đồng, vấn đề về dân di cư tự do ở khu vực Đam Rông và Lạc Dương cũng đã một lần nữa được lãnh đạo tỉnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm giải quyết dứt điểm. Cụ thể, ngoài việc đề nghị tháo gỡ một số chính sách ràng buộc không thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với tình hình di cư tự do, tỉnh đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí bổ sung vốn kịp thời cho dự án quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do thôn Đạ M’Pô, xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông. Dự án này thực tế đã được phê duyệt từ năm 2007, được điều chỉnh năm 2015, với tổng mức đầu tư dự án 86,34 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 50,454 tỷ đồng, nhưng tính đến thời điểm hết năm 2017, kinh phí Trung ương mới bố trí cho 10 tỷ đồng và chỉ đạt 19,8% vốn Trung ương. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, thống nhất cho lập dự án đầu tư mới và kịp thời bố trí vốn để thực hiện đối với các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cho 320 hộ với 1.725 nhân khẩu tại Tiểu khu 179, Tiểu khu 181, Tiểu khu 197 và Tiểu khu 198 (khu vực Tây Sơn), xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông và sớm bố trí vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để tỉnh Lâm Đồng lập dự án, triển khai dự án đầu tư trong thời gian tới. Đề xuất này cũng đã được Phó Thủ tướng quan tâm, ghi nhận và yêu cầu bộ ngành quan tâm lên kế hoạch để bố trí nguồn vốn đầu tư trung hạn trong thời gian tới.
 
Song song với việc nỗ lực đề xuất Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành cần quan tâm đến công tác ổn định dân di cư tự do, tỉnh cũng đề ra nhiều biện pháp quyết liệt yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng thực hiện nghiêm và đồng bộ để quản lý tốt tình trạng dân di cự tự do trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống. 
 
Theo đó, đối với địa phương có người Mông đến khi xây dựng các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngoài nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ cần huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; trong đó, chú trọng các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, bố trí quỹ đất sản xuất, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề để người dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống một cách bền vững. 
 
Thực hiện các dự án sắp xếp lại dân cư theo hướng bố trí xen ghép, chỉ bố trí tập trung khi đủ các điều kiện về đất đai, nguồn lực vốn đầu tư và quy hoạch đầu tư theo hướng gắn với việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới; ưu tiên đầu tư thực hiện dứt điểm dự án bố trí dân di cư tự do Đạ M’Pô, xã Liêng Srônh đang triển khai và các điểm dân di cư tự do bức xúc. 
 
Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc các hộ gia đình được bố trí, sắp xếp đến các vùng dự án bố trí dân cư nhưng không đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống, mức hỗ trợ cụ thể áp dụng theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Những hộ nghèo di chuyển đến vùng quy hoạch bố trí dân cư được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất theo quy định hiện hành.
 
Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đấu tranh, phòng chống các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động đồng bào Mông di cư đến vì mục đích chính trị. Tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên cơ sở đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đi đôi với việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc. 
 
NGUYỄN NGHĨA