Tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

06:01, 15/01/2020

Những ngày cuối năm, mặc dù cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra nhưng tình trạng thực phẩm "bẩn" không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp...

Những ngày cuối năm, mặc dù cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra nhưng tình trạng thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo cho các sở, ban, ngành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020 tại khắp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. 
 
Đến hẹn lại lên, tình trạng bánh kẹo, mứt tết “3 không” dịp tết lại nổi lên khiến các cơ quan chức năng căng mình xử lý. Ảnh: Thanh Sa
Đến hẹn lại lên, tình trạng bánh kẹo, mứt tết “3 không” dịp tết lại nổi lên khiến các cơ quan chức năng căng mình xử lý. Ảnh: Thanh Sa
 
Sôi động hàng tết “ba không”, hàng “handmade”, online 
 
Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, đây là thời điểm mà mức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các mặt hàng thịt, cá, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, khiến vấn đề vệ sinh ATTP khó lòng kiểm soát.
 
Ghi nhận tại chợ Đà Lạt, những ngày này tấp nập kẻ bán người mua, nhất là các mặt hàng đồ khô như: kẹo bánh, các loại hạt, đặc biệt là các loại mứt tết. Tại đây, chúng tôi thật sự hoa mắt bởi hàng trăm thứ bánh kẹo, mứt từ mứt thơm, mứt bí, mứt gừng, mứt chà là, mứt nho, mứt dừa, mứt kiwi… đủ loại, đủ sắc màu bày la liệt ở các sạp.
 
Tuy nhiên, có khá nhiều các loại kẹo, bánh, mứt, hạt bán theo cân không nhãn mác, xuất xứ, không hạn sử dụng được bán phổ biến tại nhiều sạp. Nhìn qua, tất cả các loại kẹo này nhiều màu sắc bắt mắt, kiểu dáng đa dạng nhưng không có nhãn mác, nơi sản xuất thì in nhỏ xíu, mờ ở phía trong, mỏi mắt tìm cũng không thấy hạn sử dụng. 
 
Thử ghé vào sạp chị H ở chợ Đà Lạt, chuyên bỏ mối mứt tết, hàng sấy khô nội và nhập khẩu đi các tỉnh, chị H cầm một hộp thiếc bên trong có đủ các loại mứt, đồ sấy nói: “Tất cả đều là hàng Đà Lạt đó, sản xuất sạch, có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, ATTP hẳn hoi nên chất lượng khỏi lo, cứ yên tâm mua nhé”.
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi dò hỏi cho xem thử giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì chị H trở nên khó chịu: “Mua lẻ mà đòi hỏi giấy tờ gì em, mua ở đây thì sạp nào cũng vậy thôi, không có chỗ khác tốt hơn đâu!”.
 
Một điều dễ nhận thấy là nhiều sạp hàng bánh mứt tự đặt mẫu bao bì mang tên của chính sạp mình, còn “ruột” bên trong thì không rõ xuất xứ từ đâu.
 
Không chỉ các loại hàng hóa thực phẩm “ba không” bày bán công khai trên thị trường tự do mà còn được mua bán rầm rộ qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo. 
 
Có thể thấy, những ngày cuối năm, trên mạng xã hội Facebook đã và đang tràn ngập rao bán các mặt hàng thực phẩm “siêu sạch”, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng đang hướng tới việc “ăn sạch” như: rau củ sạch, thịt sạch, khô thủy hải sản sạch, mứt sạch...
Rộ lên hiện nay là mứt tết “sạch” các loại đặc sản Đà Lạt như: Rau, củ, quả Đà Lạt sấy khô, hồng sấy gió, hạt sen, các loại mứt dừa, gừng, kiwi, nho,... Tuy nhiên, chất lượng thế nào và có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng hay không thì không ai dám khẳng định.
 
Các trang bán hàng online này đều cam kết hàng tự làm, đảm bảo chất lượng, không dùng hóa chất phẩm màu, mứt ăn mềm, mùi thơm tự nhiên để thu hút khách đặt hàng. Ngoài quảng cáo sản phẩm chất lượng, số lượng bán hàng lớn các trang này đều không ghi hạn sử dụng trên sản phẩm cũng như hướng dẫn cách bảo quản cụ thể...
 
Tuy nhiên, theo Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng, việc kiểm tra, phát hiện cũng như quản lý các mặt hàng thực phẩm nói chung chỉ hiệu quả đối với các điểm kinh doanh cố định như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích… Còn đối với các đại lý, cửa hàng online, nhiệm vụ này là rất khó.
 
Bà Nguyễn Thùy Qúy Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản cho biết: Hiện nay, lực lượng tham gia mua bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo ngày càng nhiều, phần lớn là bằng những chiêu thức tiếp thị rất hay, rất “ngọt” như hàng tươi sống không hàn the, hóa chất tẩm ướp; hàng rau quả sạch nhà tự trồng hoặc ở quê gửi lên; hàng biếu xách tay nhập khẩu có số lượng giới hạn...
 
Do hàng không rõ nguồn gốc, không thuế má nên giá rẻ, có thể thấp hơn từ 10-20% sản phẩm cùng loại bán trên thị trường. 
 
Tuy nhiên, chất lượng của mứt tết handmade có đạt được kỳ vọng ngon - sạch - bổ của người tiêu dùng hay không thì vẫn là câu hỏi lớn. Bởi, mứt tết handmade không được kiểm soát chất lượng từ cơ quan quản lý. Hầu hết, các sản phẩm mứt handmade không có thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng, không hướng dẫn cách bảo quản cụ thể, không ghi rõ thành phần trên nhãn cũng như việc đóng gói, bao bì không đảm bảo.
 
Do đó, người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường, mua tại các điểm bán chính thống, đáng tin cậy. Không nên mua các sản phẩm trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ.
 
Cơ quan chức năng rốt ráo kiểm tra
 
Thời điểm Tết Nguyên đán càng cận kề cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng trên thị trường tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Đây cũng là thời điểm những cơ sở sản xuất, kinh doanh không lành mạnh tung ra thị trường các loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc làm cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn không chỉ gây tổn thất về kinh tế và tổn hại sức khỏe của người dân mà còn làm xáo trộn thị trường. 
 
Do đó, để đảm bảo ATTP khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020 tại khắp huyện, thành phố. 
 
Những ngày này, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đang ráo riết kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lí việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là tình trạng thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…
 
Theo bà Nguyễn Thùy Qúy Tú, đợt cao điểm thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 diễn ra từ ngày 6/1 - 25/3/2020. 
 
Theo đó, các đơn vị liên quan như: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đặc biệt là các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tập trung kiểm tra thịt và các sản phẩm từ thịt, đặc biệt là sản phẩm giò, chả, nem, và các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, các loại bánh, mứt, kẹo…
 
Riêng trong đợt này, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Các tuyến huyện, xã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, các cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố... Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSTP, cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
 
Song song với công tác thanh, kiểm tra, các ngành chức năng sẽ triển khai mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức pháp luật và khoa học về ATVSTP cho cộng đồng; kịp thời thông tin kết quả thanh, kiểm tra về ATVSTP.
 
THANH SA