Khu Du lịch hồ Than Thở Đà Lạt với đồi thông, thảm cỏ và hồ nước trong xanh thơ mộng từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc, họa và níu chân du khách...
Khu Du lịch hồ Than Thở Đà Lạt với đồi thông, thảm cỏ và hồ nước trong xanh thơ mộng từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc, họa và níu chân du khách. Tuy nhiên, thời gian qua do tình trạng rác thải từ các khu sản xuất nông nghiệp và đất cát trôi chảy đổ về hồ nên gây ô nhiễm, bồi lắng. Việc lượng rác thải, đất cát đổ về hồ ngày càng nhiều khiến cho hồ Than Thở đang phải… "thở than".
|
Rác trôi dạt chất thành đống đầu nguồn hồ Than Thở |
Gần nửa mặt hồ bị bồi lắng
Khu Du lịch hồ Than Thở Đà Lạt do Công ty TNHH Thùy Dương quản lý với tổng diện tích thực hiện của dự án là 39,8 ha, gồm 2 khu vực là đồi Phật Bà, đồi Tùng Nguyên và diện tích mặt hồ. Trong đó, hồ Than Thở là điểm nhấn và là tên gọi chung của khu du lịch này. Hồ có diện tích là 9 ha nhưng thực tế hiện nay, ước tính diện tích mặt hồ đã bị bồi lắng gần 50% (khoảng hơn 4 ha) còn lại chưa đầy 5 ha. Trên mặt hồ phía thượng nguồn vỉ xốp, túi nilon, vỏ bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các rác thải nông nghiệp khác trôi dạt chất thành đống trông chẳng khác gì bãi rác mini. Trên diện tích mặt hồ bị bồi lắng, ngoài rác thải thì diện tích còn lại cỏ mọc um tùm. Do chưa có tường rào bao quanh nên những đàn bò của người dân cũng đã thoải mái vào lòng hồ để gặm cỏ.
Đại diện Công ty TNHH Thùy Dương, đơn vị quản lý hồ Than Thở cho biết, cứ sau mỗi trận mưa, hàng chục tấn rác thải các loại từ các nhà vườn lại đổ về hồ. Công ty đã phải huy động công nhân, xe tải vớt rác chở về bãi rác Cam Ly để xử lý. Không chỉ có rác thải trôi về hồ mà một số hộ dân sản xuất nông nghiệp quanh hồ cũng xả rác xuống hồ. Ngoài ra, nhiều người khi thả cá phóng sinh vào những dịp ngày rằm, mồng một âm lịch và các ngày lễ, tết cũng đã vứt luôn túi nilon xuống hồ gây ô nhiễm. Ngoài bị bồi lắng và rác thải ô nhiễm thì do chưa cắm được đường ranh và tường rào bao quanh nên có tình trạng xâm lấn diện tích đất của Khu Du lịch hồ Than Thở. Đơn vị quản lý hồ Than Thở cũng đã cử người canh gác và vận động người dân sản xuất nông nghiệp quanh hồ không xả rác bừa bãi để trôi xuống hồ và không xâm lấn diện tích khu du lịch nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Có một số công trình nhà tôn xây dựng lấn chiếm diện tích hồ Than Thở và đơn vị quản lý đã gửi đơn phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Xoa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thùy Dương cho biết, hiện nay công ty đã lập kế hoạch nạo vét, cải tạo hồ và xây bờ rào bao quanh cũng như một số hạng mục khác phục vụ du khách. Tuy nhiên, hiện nay do đang điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nên công ty chưa được cấp phép để triển khai xây dựng. “Hiện nay, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của của chính quyền địa phương trong quản lý, tuyên truyền, vận động người dân không xả rác, xâm lấn diện tích hồ; các cấp, các ngành liên quan, ủng hộ, tạo điều kiện, sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để đơn vị đi vào hoạt động ổn định, đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình, sản phẩm dịch vụ du lịch phục vụ du khách”, bà Nguyễn Thị Xoa cho biết.
Cần đầu tư phát triển tương xứng
Với những giá trị lịch sử và phong cảnh nên thơ trữ tình, thắng cảnh hồ Than Thở đã được công nhận Di tích lịch sử Văn hóa năm 1998. Nơi đây cũng gắn liền với Đồi Thông Hai Mộ với câu chuyện tình lâm ly bi đát thời xa xưa. Thời gian gần đây, đơn vị chủ đầu tư cũng đã thực hiện các hạng mục để tạo diện mạo mới cho Khu Du lịch hồ Than Thở nhằm thu hút du khách, tiêu biểu như: tôn tạo các tiểu cảnh, không gian hoa với sự phong phú đa dạng về chủng loại và kiểu dáng; lắp đặt hệ thống con đường chong chóng hình trái tim dẫn xuống cây thông tình yêu; xây dựng bằng vật liệu nhẹ mô hình nhà rông, không gian văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, khu nhà Chí Phèo - Thị Nở và nhà trên cây; nhà trưng bày hiện vật văn hóa địa phương… Ngoài ra, Khu Du lịch hồ Than Thở cũng đã triển khai các khu vườn cây trái lạ như, bí ngô khổng lồ, cà chua thân gỗ và dưa Pepino để phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị lịch sử văn hóa và thương hiệu của thắng cảnh hồ Than Thở.
Trong chuyến khảo sát các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt vừa qua, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư, quản lý hồ Than Thở cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đi vào hoạt động ổn định và đầu tư phát triển dịch vụ du lịch thu hút du khách. Trong đó, cần xây dựng quy hoạch tổng thể và phải được phê duyệt theo quy định khi triển khai các hạng mục công trình. Thường xuyên thu gom xử lý rác thải, tạo cảnh quan môi trường hấp dẫn du khách. Chú trọng chỉnh trang, cải tạo các hạng mục sẵn có và đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới tương xứng với tiềm năng và thương hiệu của Khu Du lịch hồ Than thở. Đặc biệt là, đơn vị chủ đầu tư cần phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, tiềm năng, thương hiệu sẵn có để xây dựng phát triển hồ Than Thở trở thành điểm nhấn cho du lịch Đà Lạt.
Theo đại diện Công ty TNHH Thùy Dương, để phát triển Khu Du lịch hồ Than Thở trong thời gian tới, sau khi hoàn thiện thủ tục chứng nhận đầu tư, đơn vị sẽ xin cấp phép để đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục công trình mới phục vụ du khách. Trước mắt, Công ty sẽ xin phép để xây dựng một số hạng mục như, sân khấu văn nghệ; khu triển lãm rượu vang; Hội quán thanh niên; nhà sàn bằng gỗ; khu trưng bày chuyên đề kỷ vật tình yêu. Ngoài ra, khi được cấp phép đơn vị cũng sẽ tiến hành nạo vét hồ, làm đập tràn ngăn rác, xây dựng hồ lắng, xây dựng các nhà ga và đường xe điện chạy quanh hồ phục vụ khách tham quan…
DUY NGUYỄN