Giữ Vườn Quốc gia Cát Tiên

07:06, 22/06/2020

Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, gọi tắt là Vườn, được Chính phủ ban hành Quyết định thành lập tháng 2/1998, và hiện nay diện tích của Vườn là hơn 70.548 ha...

Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, gọi tắt là Vườn, được Chính phủ ban hành Quyết định thành lập tháng 2/1998, và hiện nay diện tích của Vườn là hơn 70.548 ha. Tuy đơn vị trực tiếp quản lý là Tổng cục Lâm nghiệp, nhưng Vườn có một phần diện tích lớn nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng với hơn 21.863 ha. 
 
Rừng đặc dụng VQG Cát Tiên tại Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên
Rừng đặc dụng VQG Cát Tiên tại Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên
 
Ngày 10/11/2001, VQG Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thứ 411 và là Khu Dự trữ sinh quyển thứ 2 của Việt Nam. Ngày 4/8/2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Đây là khu đất ngập nước thứ 1.499 của thế giới và là khu thứ 2 của Việt Nam. Với giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng như vậy, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ Vườn vô cùng quan trọng, trong đó có vai trò lớn của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. 
 
Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014, huyện Cát Tiên gồm hơn 27.235 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 63,85% tổng diện tích tự nhiên. Đặc biệt, trong số diện tích này, có tới hơn 21.863 ha rừng đặc dụng do VQG Cát Tiên quản lý; ngoài ra, còn hơn 5.372 ha thuộc rừng sản xuất huyện giao cho tổ chức và hộ gia đình quản lý sử dụng. UBND huyện Cát Tiên cho biết, 5 năm qua (2015-2019), diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn ổn định, không xảy ra điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2014 đạt 62,8%, tăng lên 63,9% vào năm 2019 (hơn 23.538 ha từng tự nhiên và gần 3.721 ha rừng trồng đã thành rừng). Giai đoạn từ năm 2010 đến 2014, Cát Tiên duy trì ổn định độ che phủ của rừng đạt từ 62,7% trở lên. Công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) được triển khai thông qua thực hiện chính sách giao khoán, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các cộng đồng, tổ nhóm cộng đồng và hộ gia đình. Đến năm 2014, tổng kinh phí chi trả từ DVMTR hơn 43,610 tỷ đồng. Cả giai đoạn này không xảy ra vụ cháy rừng nào. Kết quả đã chứng minh đồng thời nâng cao thu nhập và nâng cao nhận thức đối với hộ dân nhận khoán. Cùng đó, 5 năm qua, Cát Tiên trồng mới và trồng lại hơn 483 ha keo các loại, góp phần quan trọng tạo hành lang - vùng đệm an toàn cho VQG Cát Tiên. 
 
Từ năm 2015, khi có Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Cát Tiên càng hiệu quả. Trong 4 năm qua, Huyện ủy và UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời làm tốt nhiều nhiệm vụ: tuyên truyền; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng; huy động lực lượng tham gia BVR, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm; tăng cường quản lý đất lâm nghiệp; xây dụng quy chế phối hợp; quản lý dân di cư tự do; kiểm tra, truy quét… Một số kết quả cụ thể: trồng mới và trồng lại 664,634 ha keo và 138,19 ha trồng thay thế bằng sao đen thuộc diện tích rừng đặc dụng do VQG Cát Tiên quản lý với tổng kinh phí 10,307 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị, UBND xã Đồng Nai Thượng phối hợp với Huyện đoàn và VQG xây dựng tổ chức thực hiện Dự án Cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số xã Đồng Nai Thượng gắn với BVR, bảo tồn đa dạng sinh học. Dự án này thực hiện 2 năm, từ tháng 6/2019, kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 1,8 tỷ đồng. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cộng đồng vùng đệm (gồm 16 thôn của các xã Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Cát 2 và Đồng Nai Thượng) tham gia quản lý BVR theo Quyết định 24/2012 của Thủ tướng Chính phủ từ 2015-2019 là 3,2 tỷ đồng. Chính sách chi trả DVMTR trên 24.900 ha mỗi năm; tổng số tiền từ 2015 đến hết quý III/2019 đã chi hơn 58,7 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2019 hơn 64,3 tỷ đồng. Cũng từ năm 2015 đến 2019, huyện Cát Tiên phát hiện và lập biên bản xử lý 197 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp…
 
Chúng tôi cũng trao đổi với đại diện VQG Cát Tiên, ông Hồ Huy Hải - Trạm trưởng Phước Sơn, trạm đứng chân trên địa bàn xã Phước Cát 2. Ông Hải nhận xét: Công tác BVR của huyện Cát Tiên những năm qua có những chuyển biến rõ rệt; các vụ vi phạm lớn không còn xảy ra trên địa bàn; ý thức người dân trong công tác BVR tăng lên, đặc biệt là các tin báo tình hình vi phạm từ các tổ cộng đồng nhận khoán BVR VQG Cát Tiên, qua đó các hành vi vi phạm về Luật Lâm nghiệp được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đạt được những thành quả này bao gồm nhiều yếu tố, ngoài nâng cao nhiệm vụ của Vườn còn là sự chỉ đạo, phối hợp của chính quyền, các ngành ở địa phương huyện Cát Tiên; đặc biệt Đảng ủy, UBND xã Phước Cát 2 với nhiều quy chế phối hợp giữa địa phương xã với Trạm Kiểm lâm Phước Sơn, Bến Cầu. “Cộng đồng nhận khoán xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng kiểm lâm Trạm hàng ngày tuần tra rừng, ngăn chặn tháo gỡ bẫy, lấn chiếm đất rừng…, và ngủ rừng dài ngày với mục tiêu ngăn chặn vi phạm tại gốc; tuyên truyền giáo dục cho người trong gia đình và hàng xóm không vi phạm đến rừng là những yếu tố hết sức có ý nghĩa”, ông Hồ Huy Hải nhấn mạnh.
 
Chia sẻ thành công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: BVR là trách nhiệm của toàn dân, vì vậy để công tác quản lý BVR ngày càng có hiệu quả, dần đi đến chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép cần huy động sức mạnh, nguồn lực của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng người dân địa phương. Cùng đó là tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác kiểm tra, truy quét BVR; kiểm tra triệt phá những tổ chức, cá nhân phá hoại rừng. Song cơ bản nhất vẫn là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định; đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng theo hướng bền vững. “Thực tế cho thấy, địa phương nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động ký cam kết BVR, kiểm tra BVR thì nơi đó ít xảy ra vi phạm, các vụ vi phạm được phát hiện ngăn chặn, hạn chế kịp thời về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại do các hành vi vi phạm gây ra”, ông Phúc nói. 
 
MINH ĐẠO