Nấm rừng thông vào mùa

05:06, 26/06/2020

Khi những cơn mưa chiều kéo đến là lúc những cánh rừng thông Đà Lạt "phát lộ" lên hơn chục loài nấm thực phẩm, nông dân và khách du lịch tận dụng những buổi nắng sớm mai hôm sau vào rừng thu hái trải nghiệm, đem về chế biến nhiều món ăn đặc trưng từ đất lành. 

Khi những cơn mưa chiều kéo đến là lúc những cánh rừng thông Đà Lạt “phát lộ” lên hơn chục loài nấm thực phẩm, nông dân và khách du lịch tận dụng những buổi nắng sớm mai hôm sau vào rừng thu hái trải nghiệm, đem về chế biến nhiều món ăn đặc trưng từ đất lành. 
 
Anh Nguyễn Quốc Huân (bên phải) với “bề dày” 35 năm vào rừng thông hái nấm thực phẩm
Anh Nguyễn Quốc Huân (bên phải) với “bề dày” 35 năm vào rừng thông hái nấm thực phẩm
 
Với địa hình có độ cao trên dưới 1.500 m so với mặt biển, thành phố Đà Lạt bước vào mùa mưa từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10. Trong đó, những tháng mùa hạ (tháng 4, 5, 6), Đà Lạt thường diễn ra những cơn mưa nhỏ hạt một vài giờ đồng hồ vào buổi chiều. Còn lại tháng 7, 8, 9 thường xuất hiện những cơn mưa kéo dài cả buổi sáng, buổi chiều và xuyên qua đêm nữa. Mỗi thời điểm, mỗi tần suất, lượng mưa khác nhau đều xuất hiện đa dạng loài nấm thực phẩm thích nghi với từng điều kiện môi trường tự nhiên. Với đặc trưng thành phố trong rừng và rừng trong thành phố, trong đó phần lớn diện tích rừng thông quanh năm rụng lá cũ, thay lá mới đã tạo thành một nguồn vật liệu hoai mục tự nhiên để các loại nấm thực phẩm phát triển với tốc độ khá nhanh chóng. Đây được xem một nguồn thực phẩm do thiên nhiên ưu đãi bổ sung bữa ăn hàng ngày cho cư dân Đà Lạt trong hai mùa mưa nắng, nhất là đối với những hộ gia đình nông dân sản xuất rau, hoa và các loại cây trồng ở ven rừng thông. 
 
Theo người dân định cư lâu năm ở Đà Lạt, cứ kết thúc mỗi chiều mưa Đà Lạt thì sáng hôm sau chỉ cần đến khu vực các chân đồi thông có thể thu hái được năm, mười ký nấm thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ nhân trang trại dâu tây Pháp thương hiệu Bio Fresh Đà Lạt, mỗi sáng tháng 6/2020 vào khu dự án 20 ha đồi thông của mình ở khu vực Thái Phiên hái được năm, bảy ký nấm về chế biến món ăn cho gia đình. Món ăn chế biến chủ lực từ nấm thông của chị Thủy là xào sả ớt ăn với bánh tráng nướng, nấu canh với xương heo, xông khói với thịt heo cùng với bơ, trứng, lá hương thảo... “Người Pháp đến tham quan khu dự án trang trại Bio Fersh, nghỉ lại hàng ngày thường rất thích các món ăn chế biến từ nấm thông Đà Lạt”, chị Thủy kể. Còn cô gái “Phương Nguyễn” 9X ở trung tâm phố Đà Lạt chia sẻ rằng, trong tháng 6 vừa qua, cô thường hay xuống một resort của bạn quen ở Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm Đà Lạt vào ngày cuối tuần để hái nấm thông. Mỗi sáng ra khuôn viên đồi thông hái được vài ký nấm kết hợp với ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình của khu du lịch quốc gia này với nhiều cảm nhận thú vị. Cô gái “Phương Nguyễn” nói thêm: “Những ngày đầu tiên hái nấm thông Đà Lạt, phải nhờ người lớn tuổi đi cùng để phân biệt các loại ăn được và không ăn được, đồng thời hướng dẫn cách nhổ từng cây nấm hạn chế thấp nhất dập nát, giữ nguyên vẹn thân nấm, mũ nấm đưa về chế biến đạt chất lượng và hương vị ngon nhất...”.
 
Để “mục sở thị” các loài nấm thông ăn được và không ăn được, phóng viên được anh Nguyễn Quốc Huân (47 tuổi) ở Trại Mát dẫn đến khu vực đồi thông Hố Tôm, Phường 11 và khu vực Hòn Bồ, Phường 12, Đà Lạt vào một sáng cuối tháng 6/2020. Với “bề dày” 35 năm hái nấm Đà Lạt, anh Huân định hướng nhanh những khu vực có nấm ăn được ngay từ lúc mới đến chân đồi thông. Theo chân anh Huân bước lên sườn đồi thông chừng 100 m đã phát hiện các “cá thể” nấm ăn được như ka ki tím, nấm cối vàng, nấm gan nâu nhạt... phân bổ rải rác trên lớp lá thông đã chuyển màu nâu đỏ. Kết quả trong vòng bán kính 50 m, phóng viên và anh Huân đã “thu hoạch” khoảng 5 kg nấm sau 30 phút trải nghiệm. Anh Huân cho biết, ngoài 3 loại nấm vừa thu hái ở đây, dưới tán rừng thông Đà Lạt phổ biến với các loại nấm khác ăn được như: ngo đỏ, ngo xanh, kèn, cỏ tranh, hột gà, trứng công, hoa đá, hoa sữa... Và đáng chú ý các loại nấm thông không ăn được mà anh Huân đã “lên danh mục” trong 35 năm hái nấm từ ba mẹ mình xác định gồm: nấm vôi, nấm lồng đèn và nhiều loại nấm không tên, nhận diện bằng mắt thường thông qua màu sắc thân cây và mũ nấm trắng đục...
 
  Nấm trứng công ở khu vực Xuân Trường, Đà Lạt có thể bán với giá 1 triệu đồng/kg khô
Nấm trứng công ở khu vực Xuân Trường, Đà Lạt có thể bán với giá 1 triệu đồng/kg khô
 
Cũng theo anh Huân, từ 5 năm trở về trước, hàng tuần, anh đi hái nấm đều đặn 3 buổi sáng, đạt “sản lượng” 20 kg/ngày. Thời vụ nấm thông Đà Lạt tập trung vào 4 tháng: 4, 5, 6 và 9. Mỗi khu vực rừng thông Đà Lạt thích nghi các loại nấm tương ứng như nấm hoa đá (Đa Thọ, Xuân Thọ); trứng công, hột gà, ka ki tím (Dốc Đu, Xuân Trường), nấm xơ mít (Hố Tôm, Trại Mát)... “Hồi giữa tháng 6 vừa qua, có người từ Sài Gòn ra giá mua nấm thông Đà Lạt mỗi ký từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng nhưng không có để bán. Toàn bộ số nấm hái về năm nay đều chế biến tươi. Năm ngoái hái về khoảng hơn trăm ký thì có khoảng một nửa xắt lát phơi khô, mùa khô lấy ra ăn dần và biếu tặng làm quà đặc sản cho người thân quen trong và ngoài tỉnh...”.
 
Hiện tại, Đà Lạt có tổng diện tích gần 18.680 ha rừng thông, nếu thu hái kịp thời thì sản lượng nấm các loại là rất lớn, giá trị kinh tế không nhỏ. Bởi vậy, việc bảo quản sau thu hoạch gắn với sơ chế, chế biến đưa ra thị trường sản phẩm nấm thông Đà Lạt hàng năm để tăng thêm thu nhập cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm là vấn đề đáng được quan tâm hiện nay.
 
VĂN VIỆT