Nhà máy của Công ty Cổ phần Viên Sơn (Đức Trọng) đã trải qua gần 2 tuần làm việc trong tình trạng vừa tổ chức cách ly F1, vừa sản xuất và ăn nghỉ tập trung (3 tại chỗ) trong khuôn viên nhà máy...
Nhà máy của Công ty Cổ phần Viên Sơn (Đức Trọng) đã trải qua gần 2 tuần làm việc trong tình trạng vừa tổ chức cách ly F1, vừa sản xuất và ăn nghỉ tập trung (3 tại chỗ) trong khuôn viên nhà máy. Thích ứng linh hoạt trong đại dịch là chủ trương và quyết tâm của các doanh nghiệp trong tình hình mới, nhưng thực tế vô cùng khó khăn, nhất là khi tình trạng “3 tại chỗ” kéo dài.
|
Nơi ở của công nhân không có yếu tố dịch tễ trong thời gian áp dụng mô hình “3 tại chỗ” của Công ty Viên Sơn |
•
GÁNH NẶNG “3 TẠI CHỖ”
Ngày 30/11, Công ty Cổ phần (CTCP) Viên Sơn có một lao động nhiễm virus Corona khi xét nghiệm sàng lọc; dù trước đó, công nhân này đã cách ly tại cộng đồng 7 ngày liên quan đến ổ dịch Nthol Hạ và Công ty cũng tổ chức xét nghiệm định kỳ, nhưng phát hiện nhiễm sau 3 ngày xét nghiệm âm tính tại Công ty. Ngay lập tức 159 cán bộ - công nhân viên và người lao động áp dụng khẩn cấp mô hình “3 tại chỗ” gồm: 39 F1 được cách ly tại chỗ, không phải làm việc, bố trí 3 người/phòng rộng 20 m2; 26 F2 được khoanh vùng vừa theo dõi sức khỏe, vừa làm việc ở khu vực riêng; 16 F3 theo dõi sức khỏe và hoạt động bình thường. Các F1 của Công ty được cách ly riêng; nhưng sau 7 ngày, đã có 5F1 nhiễm bệnh, tuy nhiên, các F0 đều khỏe mạnh, bình thường, không có ai bị chuyển biến nặng. Nhưng, tình hình hiện tại của CTCP Viên Sơn đang rất khó khăn vì công nhân của nhà máy có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tâm lý công nhân không tốt sau nhiều ngày phải cách ly với gia đình, dù cán bộ quản lý động viên liên tục, nhưng nhiều người đòi về nhà.
Tổ chức “3 tại chỗ” dẫn đến chi phí vận hành quá cao! Ngoài việc vẫn đảm bảo lương cho công nhân (kể cả F0, F1) như hoạt động bình thường, thì Viên Sơn đang thực hiện chi trả toàn bộ chi phí cho các F0 tại cơ sở cách ly tập trung và hỗ trợ mỗi F0 là 100 ngàn đồng/ngày, mỗi F1 được hỗ trợ 50 ngàn đồng/người/ngày; ngoài ra, còn các chi phí ăn uống, vệ sinh, xét nghiệm… cho tất cả cán bộ, công nhân trong nhà máy.
•
THÍCH ỨNG LINH HOẠT CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ NHIỀU PHÍA
Áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, CTCP Viên Sơn giảm 40 lao động (là F0 và F1), phải thêm nhân lực phục vụ các F1 và nhân công chống dịch; nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường và an toàn. Hằng ngày, tại Công ty, đối với hàng nhập vào, tài xế đưa xe vào vị trí tiếp nhận hàng hóa nhưng vẫn ngồi yên trên xe, Công ty cho nhân công phun khử khuẩn xe rồi bốc dỡ hàng xuống, sau đó phun khử khuẩn trước khi xe đi; đối với hàng hóa xuất, tài xế cũng ngồi trên xe, nhân công của nhà máy phun khử khuẩn trước khi chất hàng lên, sau đó đóng container rồi cho xe chạy… Từ khi áp dụng “3 tại chỗ”, Công ty mời nhà thầu nấu ăn 3 bữa mỗi ngày, giao tới cổng rồi nhân viên lại phân phối đến từng phòng.
Dù điều kiện và cơ sở vật chất của CTCP Viên Sơn hiện tại khá tốt và doanh nghiệp cũng xác định dồn mọi nguồn lực để khống chế dịch bệnh, ngăn chặn F0, nhưng tâm lý hoang mang đang bao trùm trong công nhân viên và người lao động. Đặc biệt, khi kết thúc “3 tại chỗ” thì nguy cơ lây nhiễm bệnh vào doanh nghiệp rất cao; hơn nữa, chi phí vận hành “3 tại chỗ” quá tốn kém - chỉ trong 10 ngày đầu, Công ty đã tiêu tốn cả tỷ đồng cho các hoạt động chống dịch.
Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty trăn trở: Công nhân mắc bệnh thì mình phải tìm mọi cách hỗ trợ tốt nhất. Nhưng, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong cộng đồng đang diễn biến phức tạp, rất khó ổn định hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù hiện tại, số công nhân mắc bệnh của Công ty đều khỏe mạnh, không có những triệu chứng nặng; nhưng, nếu ngoài cộng đồng không kiểm soát được dịch, để số ca lây nhiễm rỉ rả thì doanh nghiệp cũng không biết phải chống đỡ như thế nào!
Công ty đã báo cáo tình hình lên Sở Công thương để xin hỗ trợ và hướng giải quyết sắp tới; đồng thời, cũng mong được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước để tình hình dịch bệnh sớm ổn định, công nhân được trở về nhà và Công ty có thể hoạt động sản xuất bình thường.
LÊ HOA