Thanh tra toàn diện hoạt động khai thác cát Công ty Nam Tiến

05:12, 16/12/2021

Sau vụ việc doanh nghiệp nắn suối khai thác cát gây sạt lở núi trên suối lớn Đạ Tro, xã Đạ Nhim (Lạc Dương), UBND tỉnh đã có văn bản đình chỉ, thanh tra toàn diện hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến.

Sau vụ việc doanh nghiệp nắn suối khai thác cát gây sạt lở núi trên suối lớn Đạ Tro, xã Đạ Nhim (Lạc Dương), UBND tỉnh đã có văn bản đình chỉ, thanh tra toàn diện hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến.
 
Doanh nghiệp Nam Tiến tự ý đắp đập nắn suối khai thác cát gây sạt lở núi
Doanh nghiệp Nam Tiến tự ý đắp đập nắn suối khai thác cát gây sạt lở núi
 
Nội dung văn bản của UBND tỉnh nêu rõ, thống nhất đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng tại xã Đạ Nhim của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến (gọi tắt là Doanh nghiệp Nam Tiến). Giao Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) thanh tra toàn diện đối với Doanh nghiệp Nam Tiến trong việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản, môi trường, đất đai, tài nguyên nước. Xử lý nghiêm, đề xuất thu hồi giấy phép (nếu có), theo quy định của pháp luật. 
 
Doanh nghiệp Nam Tiến được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng) ngày 16/7/2013, tại xã Đạ Nhim, trên diện tích 6 ha, thời hạn 25 năm. Diện tích khai thác tương ứng với chiều dài của lòng suối 2,5 km (bao gồm cả các bãi bồi thấp); trữ lượng khai thác bình quân 8.000 m3/năm, khối lượng tối đa cho phép 195.000 m3. Dù vậy, trong quá trình hoạt động khai thác cát, doanh nghiệp này để xảy ra nhiều sai phạm, bị xử phạt hành chính nhiều lần. 
 
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra ngày 23/11/2021, Doanh nghiệp Nam Tiến đang hoạt động khai thác với 2 tàu hút (có thời điểm tới 4 tàu hút hoạt động - Pv) và 4 máy đào trong khu vực. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp có sử dụng 3 vị trí để tập kết cát xây dựng với diện tích từ 500 m2 đến 1.500 m2. Tại hiện trường, doanh nghiệp đã cho đắp 2 đập tràn ngang suối lớn Đạ Tro để trữ nước, phục vụ cho việc khai thác khoáng sản (sử dụng tàu hút), tạo hố lắng. Việc tích nước tại khu vực có gây ra hiện tượng ngập nước và sạt lở đất tại khu vực, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông bình thường của dòng chảy. Trong đó, tại vị trí đập tràn số 1, doanh nghiệp đã cho đắp 1 đập đất dài 10 m, rộng 2 m, tạo nên khu vực tích nước khoảng 7.000 m2; Vị trí đập tràn số 2, dài 15 m, rộng 2 m, tạo nên khu vực tích nước khoảng 3.000 m2.
 
Cùng với đó, doanh nghiệp dù đã cho lắp đặt 12 camera giám sát tại khu vực nhà điều hành, tuy nhiên chưa lắp trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Không những vậy, trên diện tích khoảng 3.000 m2 đất sử dụng làm bãi tập kết cát xây dựng và khoảng 500 m2 đất làm kho để chất thải, máy móc thiết bị, nhà văn phòng và nhà ở công nhân, đây là diện tích đất doanh nghiệp thỏa thuận với các hộ dân tại khu vực (đất giáp suối), nhưng chưa làm hồ sơ thuê đất theo yêu cầu của UBND tỉnh tại các Văn bản số 6948/UBND-ĐC ngày 14/11/2013 và số 274/UBND-ĐC ngày 17/1/2014 về việc thuê đất để lập bãi tập kết phục vụ khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến. 
 
Theo kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng, Doanh nghiệp Nam Tiến chưa chấp hành nghiêm các quy định, đến nay chưa hoàn thành việc khắc phục những tồn tại, hạn chế theo các nội dung đề nghị của UBND tỉnh. Chưa lắp đặt các trạm cân, chưa hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất bãi tập kết, làm văn phòng. Đặc biệt, doanh nghiệp đã tự ý cho đắp đập tràn tới 2 lần, làm ngập khoảng 10.000 m2 đất, trong đó có diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa khắc phục “sự cố” môi trường để xảy ra sạt lở đất trong hoạt động khai thác khoáng sản, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
 
Trước đó, Báo Lâm Đồng đã có bài phản ánh tình trạng doanh nghiệp nắn suối khai thác cát gây sạt lở núi, làm ô nhiễm nguồn nước. Theo kết quả kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản làm sạt lở đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 95, xã Đạ Nhim của Phòng TN&MT huyện Lạc Dương ngày 19/12/2019, ghi nhận trên chiều dài đoạn suối khoảng 130 m đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất đồi (đất lâm nghiệp) thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đạ Nhim, lòng suối tại thời điểm kiểm tra có sự thay đổi so với thời điểm được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; diện tích bị sạt lở, tác động san lấp 3.274 m2. Báo cáo trên cũng cho rằng, Doanh nghiệp Nam Tiến đã tự ý sử dụng phương tiện cơ giới để khai thông dòng chảy, san lấp lên phần diện tích đất lâm nghiệp, làm ảnh hưởng, gây cản trở đến việc quản lý, sử dụng đất của Ban QLRPH Đạ Nhim. Theo quan sát, việc sạt lở tại khu vực vẫn đang tiếp diễn, nhưng từ năm 2019 đến nay Ban QLRPH Đạ Nhim vẫn chưa có thống kê cụ thể diện tích đất rừng, cây rừng bị nước cuốn trôi?!.
 
Không chỉ việc doanh nghiệp tự ý đắp đập ngăn suối Đạ Tro để khai thác cát, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này, nhiều xe vận tải cỡ lớn nối đuôi nhau vận chuyển cát, làm cho tuyến đường dẫn vào khu hành chính Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà bị xuống cấp nghiêm trọng. 
 
Theo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp V miền núi, có cắm biển quy định xe tải trọng dưới 15 tấn mới được lưu thông. Tuy nhiên, tuyến đường này có nhiều điểm khai thác cát sử dụng xe quá tải trọng, làm mặt đường hư hỏng nặng, nhiều đoạn xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường, đơn vị cũng đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị chấn chỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo, khiến dư luận bất bình.
 
THỤY TRANG