Thống kê từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2022 có 186 viên chức, người lao động trong lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng nghỉ việc với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể, 95 người ở 14 ban quản lý rừng và khu du lịch; 63 người ở 8 công ty lâm nghiệp; 21 người ở chi cục kiểm lâm và 7 người ở Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Trong đó, có đến 100 người xin thôi việc hoặc bỏ việc tại 8 công ty lâm nghiệp, 14 ban quản lý rừng và khu du lịch; còn lại 86 người chủ yếu xin nghỉ hưu trước tuổi và xin chuyển công tác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nguyên nhân chính dẫn đến 186 viên chức, người lao động trong lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị nhà nước nghỉ việc, trước hết do các chế độ tiền lương, thâm niên nghề và các chế độ tai nạn, rủi ro... khi đi làm nhiệm vụ còn thấp và nhiều bất cập. Như lương kỹ sư lâm nghiệp mới vào làm việc mỗi tháng chỉ được 3,8 triệu đồng chưa tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Trong khi các mức phụ cấp vượt khung, thâm niên nghề… không được hưởng, kinh phí trực tiếp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng mới đủ chi trả lương theo giờ hành chính, không đủ chi trả lương làm ngoài giờ, lương trực ngày nghỉ, lễ, tết...
Bởi vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm chi trả tiền lương theo đề án vị trí việc làm hoặc có chế độ ưu tiên theo đặc thù ngành nghề, điều kiện làm việc để cải thiện thu nhập, đời sống cho công chức, viên chức ngành Lâm nghiệp nói chung và cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng nói riêng. Đồng thời, điều chỉnh định suất 1 người quản lý bảo vệ rừng chuyên trách từ 1.000 ha rừng sản xuất và 700 ha rừng phòng hộ xuống lần lượt còn 700 ha và 500 ha phù hợp với khả năng và yêu cầu thực tế hiện nay... Có như vậy mới “giữ chân” được những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng - lĩnh vực đang hết sức cam go, nóng bỏng hiện nay.
VĂN VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin