Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở Đam Rông

06:10, 25/10/2022
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Đối với các địa bàn khó khăn như huyện Đam Rông, vấn đề này càng trở nên cấp bách.
 
Dựa trên đặc thù của địa phương, Đam Rông cũng đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp
Dựa trên đặc thù của địa phương, Đam Rông cũng đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp
 
•  CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐƯỢC CẢI THIỆN
 
Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, năm 2017, Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Nghị quyết số 08 về đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực huyện Đam Rông giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đó là cơ sở để địa phương tập trung lãnh đạo cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết 08, các cấp ủy đảng đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và bố trí, sử dụng cán bộ, quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo nghề cho lao động trong độ tuổi cũng được đẩy mạnh. Nhờ vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện Đam Rông trong những năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực.
 
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cơ bản đảm bảo số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Nhiều chỉ tiêu vượt so với Nghị quyết 08 đề ra như: Tỷ lệ CBCC cấp huyện có trình độ sau đại học tăng 9,27% và CBCC cấp xã có trình độ đại học tăng 20,83%; tỷ lệ CBCCVC được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đạt trên 80%... Lực lượng lao động tăng cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là dưới 1%.
 
Tuy vậy, huyện Đam Rông cũng thẳng thắn nhìn nhận, trình độ, năng lực một bộ phận CBCCVC chưa thực sự ngang tầm nhiệm vụ. Năng suất, chất lượng lao động còn thấp, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; lao động, việc làm và dạy nghề còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, có những ngành đào tạo dư thừa, sinh viên ra trường không tìm được việc làm; bên cạnh đó còn có những ngành, lĩnh vực thiếu hoặc không tuyển đủ lao động (công nghệ thông tin, xây dựng, bác sĩ…) dẫn đến một lượng lao động làm việc không theo đúng ngành nghề, chuyên môn được đào tạo, gây lãng phí nguồn lực và sử dụng lao động chưa hiệu quả, năng suất lao động xã hội chậm được cải thiện. Cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn bất cập...
 
QUAN TÂM ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
 
Từ những kết quả đạt được, xác định tình hình của địa phương và nắm bắt xu thế của sự phát triển, huyện Đam Rông đã xây dựng lộ trình cụ thể trong phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Theo đó, địa phương thực hiện nhiệm vụ chiến lược này với đường hướng: đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là lao động nông thôn gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động, làm việc ngoài địa phương, nhằm học hỏi kỹ năng lao động, ý thức vươn lên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng không ngừng được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, nền kinh tế số; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Theo đó, huyện Đam Rông đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về phát triển nguồn nhân lực thông qua việc các cấp ủy, chính quyền tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong chương trình, kế hoạch hàng năm, 5 năm. 
 
Trong đó, địa phương chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động. Dựa trên đặc thù của địa phương, huyện Đam Rông cũng đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn qua việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất tiên tiến cho nông dân; đào tạo, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp; hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, triển khai trình diễn các mô hình sản xuất mới. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ và tổ chức đào tạo nghề ở khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số; thu hút, sử dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới, quản lý hợp tác xã, trang trại.
 
NGỌC NGÀ