Suốt một thời gian dài 40 năm, hầu hết những sáng tác của NSƯT Đình Nghĩ đều dành hết cho mảnh đất cao nguyên này. Để đến ngày nghỉ hưu, trở về quê gặp lại những người bạn từ thuở thiếu thời ở Huế, bạn cùng học âm nhạc khi còn rất nhỏ, bạn bè học cùng lớp phổ thông đã nói những lời vu vơ “khiêu khích” dễ thương “Sao Nghĩ lúc nào cũng yêu, cũng mộng mơ, cũng Đà Lạt miết, bỏ Huế hẳn không trở về à”.
Nhạc sĩ NSƯT Đình Nghĩ |
Ông không “bỏ” Huế. Trong nhiều ca khúc, nhạc sĩ Đình Nghĩ đã từng viết về Huế, nhưng chỉ là trong tâm tưởng về tuổi thơ, về quê hương, về mẹ, viết về chị, về em, về tình yêu đầu đời, viết về những kỷ niệm thời thơ ấu xa mờ. Trong đó có những bài, những câu chất chứa hình ảnh rất Huế, rất mùa bão lũ: “Cuộn đỏ giữa dòng sông mênh mông mùa gió về/ Thương em ngô nghê, ngô nghê, nắng vàng hoe” (Lặng trầm bến sông). Hay viết về mẹ “Bùi ngùi trông bờ xa xa ngái xa/ Bóng mẹ già chiều xa” viết trong niềm đau đáu, đắng xót, tự hào về những người mẹ, người chị, người em rất khổ qua mùa mưa nắng trong giai đoạn cuộc sống còn quá khó khăn, cực khổ, chiến tranh. Viết về dòng sông Hương buổi chiều “Dòng sông trắng tràn bờ dòng sông trắng, giăng giăng mơ sương” (Hương chiều) - những năm trước đây, vào mùa thu, sáng sớm ông đi học có những mảng sương nằm ngay trên mặt sông Hương, tràn lên theo từng cơn gió, tràn lên cả con đường Trần Hưng Đạo ven sông. Ông viết về thời học sinh, về tuổi trẻ trước 1975 “Thương hỡi là thương hương bí vườn chiều/ Nhớ vòng đồi tím mộng mơ dại khờ/ Kìa một nụ hồng trôi nghiêng...” (Bông bí vàng ngày hạ)…
Tất cả chỉ là bàng bạc xa xôi, viết nhiều nhưng chưa một lần viết trực diện. Chỉ đến ca khúc “Thương màu mắt Huế” thì ông mới gọi tên từng địa danh, từng tên gọi, từng bến sông, con đường nơi in dấu chân mình: “Ta xin em miên man nắng vàng Tràng Tiền mưa/ Qua Vân Lâu buông câu Mái Đẩy lặng sầu đưa/ Em cho ta kiêu sa tóc buồn Vỹ Dạ xưa/ Hương Giang ơi! Đa mang bến đợi tình reo Ngự Bình”.
Viết “Thương màu mắt Huế” nhạc sĩ Đình Nghĩ dựa trên nét dân ca Huế hoàn toàn, những người “sống chết” với nhã nhạc cung đình chỉ cần nghe giai điệu sẽ rất rõ những nét nhạc Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh... Tất cả những ai oán trong các làn điệu này đã được tác giả mượn những cung quảng của giai điệu đưa vào tác phẩm, làm nên một tác phẩm mới hiện đại, âm nhạc hiện đại mang âm hưởng dân gian. Xưa giờ, người ta cứ nghĩ rằng Huế, một bài hát về Huế là hò ơi, ơi hò, là ru man mác buồn, nhấn nhá như bolero... Ông đã không viết như thế, ngay cả phần phối khí, mà ông viết về Huế của hôm nay, Huế của thời hiện đại, mà vẫn giữ chân chất của Huế. Trong đó những địa danh rất rõ chỉ nhắc đến là thấy Huế, những cái tên đẹp nhất của Huế đều được đưa vào.
Nhạc sĩ đã khéo léo dùng âm nhạc ngũ cung của Huế để viết “Thương màu mắt Huế” thành một bản Pop nhẹ nhàng, nhưng vẫn nghe ra chất Huế hoàn toàn. Những ký ức tuổi thơ cuộn lên, vẻ đẹp của quê hương xứ sở thì bao đời không thay đổi: “Mùa xuân nghiêng soi thương thương màu mắt Huế/ Một trời tuổi thơ đôi bờ ngẩn ngơ/ Dòng sông bơ vơ mơ bao đời thế đó/ Miền hạ còn đây vai gầy tím phố”.
Ông tâm sự: “Nếu Đà Lạt là quê hương thứ hai, hầu hết tác phẩm âm nhạc, những bài tình ca, những bài huyền thoại đều dành cho đất này rồi và mang đến cho tôi những giải thưởng âm nhạc lớn hàng năm. Nơi đây là nơi tôi nảy nở tác phẩm. Đà Lạt đã dành cho tôi nguồn cảm hứng ngọt lành, làm nên cuộc đời sáng tác của tôi, nên 40 năm gắn bó với đất này, những cống hiến, lao động nghệ thuật của tôi đều chú tâm dành cho đất này. Huế là nơi tôi sinh ra, được học hành, những ân tình bao năm dồn nén, tôi đã viết nên “Thương màu mắt Huế” như trả một món nợ ân tình”.
Ân tình đó in đậm, lắng đọng trong từng tiếng chuông chùa: “Chuông đổ nghìn thu phiêu du rưng rưng chiều mắt Huế/ Đền đài mòn trôi thơm đồi hồng hoang/ Làn môi đêm đông sương trinh choàng dốc vắng/ Giữ lại mảnh trăng vương tà áo trắng/ Cố Đô hỡi!/ Đỉnh ngàn năm rêu phong...”. Những câu hát ngân nga, thiết tha ấy mãi neo vào lòng người nghe.
Sau khi ra đời, bài hát được anh em, bạn bè của ông ở Huế rất thích. Vào giữa năm 2022, ở Huế có Cuộc thi Sáng tác ca khúc “Tôi yêu Huế” dành cho tác giả trong cả nước do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức. Ông nghĩ mình đã hơn 40 năm xa quê, dù sao đã là “người của Đà Lạt” rồi; nhưng được bạn bè động viên, để rồi ông nghĩ đến trách nhiệm của mình và ông đã gửi “Thương màu mắt Huế” về tham dự cuộc thi. Tác phẩm được Ban Giám khảo là những nhạc sĩ tên tuổi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh, Trường Âm nhạc Huế đánh giá cao. Vượt qua 99 ca khúc và 83 tác giả, ca khúc “Thương màu mắt Huế” xuất sắc đoạt giải Nhất.
Nói về tác phẩm của mình, NSƯT Đình Nghĩ khiêm nhường: “Tuy được các giám khảo và giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng phải để thời gian, để công chúng đánh giá mới là lâu dài, công chúng đón nhận mới là khách quan, chính xác nhất. Phần thưởng lớn nhất của tác phẩm này không phải vì giải thưởng mà là tôi có dịp để về với Huế, về với quê hương, về với cha mẹ, ông bà, về với dòng sông, về với tuổi thơ; nghĩ về cha mẹ mình, về anh em mình, về ngày xưa đi học gian nan, cực khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Trở về nhận giải thưởng trong niềm hoài niệm và vòng tay của quê hương, của bạn bè mới là phần thưởng lớn nhất đối với tôi”.
Giai điệu đẹp, ca từ chất chứa tứ thơ, bản nhạc mang âm hưởng dân gian từ ca từ, âm nhạc, giai điệu, nhưng vẫn mang tính hiện đại. Nhạc sĩ Đình Nghĩ trải lòng: “Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm, nhất là trong tình hình đời sống âm nhạc bây giờ, không ít bản nhạc đi theo gu thị hiếu tầm thường của một bộ phận giới trẻ thì rất cần những tác phẩm mang cái hay, cái đẹp. Viết “Thương màu mắt Huế”, hay sáng tác bất cứ ca khúc nào, tôi cũng mong muốn qua đó định hướng thẩm mỹ cho các em, nghe để hiểu, để yêu văn hóa dân gian, yêu âm nhạc dân tộc và yêu quê hương, đất nước”.
Sinh ra ở xứ Huế mộng mơ, 8 tuổi được học nhã nhạc cung đình, lớn lên ra Hà Nội học âm nhạc, trưởng thành, ông vào Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng làm nhạc công chơi nhạc cung đình. Từ một nhạc công chơi các nhạc cụ dân tộc rất giỏi, đến khi được sống và làm việc ở xứ sở sương mù Đà Lạt tươi đẹp, ông như được tiếp nguồn cảm hứng sáng tạo, mới nảy nở nguồn sáng tác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin