(LĐ online) - Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Nguyễn Thái Huyền – Hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đã qua đời ngày 23/2, hưởng thọ 96 tuổi.
Những năm cuối đời, nhà văn Nguyễn Thái Huyền vẫn miệt mài lao động sáng tạo |
Nhà văn Nguyễn Thái Huyền sinh năm 1928 tại làng Văn Sơn, xã An Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông vào Đà Lạt từ năm 1935 cùng với cha và chú ruột - những người trong dòng họ Nguyễn Thái - một trong những dòng họ có công mở đất lập ấp Nghệ Tĩnh (Phường 8).
Như một chứng nhân lịch sử, ông từng tham gia vào dòng người tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu 1945 tại Đà Lạt. Sau khi Pháp chiếm đóng lại, để tránh sự “nhòm ngó” của kẻ thù, ông trở về quê, ông tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ đánh Pháp, rồi tiếp tục lao vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong những năm tháng ấy, văn thơ luôn là bạn đồng hành cùng người chiến sĩ Nguyễn Thái Huyền chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đất nước thống nhất, ông trở lại Đà Lạt làm việc tại Bưu điện tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu.
Là cán bộ tiền khởi nghĩa, ông may mắn được chứng kiến những thời khắc lịch sử, những mốc son chói lọi của dân tộc. Khi tuổi càng cao, ông càng thấy trách nhiệm của mình phải ghi lại những năm tháng ấy.
Cách đây 10 năm, khi đã bước vào tuổi 86, nhà văn Nguyễn Thái Huyền liên tiếp cho ra đời 3 tiểu thuyết trinh thám, tình báo (Nội tuyến A3, Mai Anh Ðào, Thám tử đội Hướng Dương) đã trở thành "hiện tượng" gây tiếng vang lớn trong làng văn Lâm Đồng khiến bạn văn ngưỡng mộ.
Những câu chuyện, những tiểu thuyết chính là vốn sống, là ký ức về mảnh đất Nam Tây Nguyên những năm tháng đấu tranh gian khổ, những chiến công anh dũng của quân và dân Đà Lạt được viết nên với tâm thế người “trong cuộc” thấm đẫm niềm tự hào.
Đó là những thước phim quay chậm về cuộc đời ông hòa vào dòng chảy lịch sử, dưới bút pháp của thể loại tiểu thuyết tình báo, trinh thám làm cho những sự kiện có thật trở nên ly kỳ hấp dẫn mà vẫn chân thực như một người dùng truyện viết sử.
Tiểu thuyết trinh thám “Thám tử đội Hướng Dương” có không gian rộng lớn, là những hồi ức về thời niên thiếu, thời thanh xuân của ông từ quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945) ở Đà Lạt. Tác phẩm này ông dày công dành 3 năm để tập hợp tư liệu, gặp gỡ các nhà lão thành cách mạng trên địa bàn các tỉnh khu VI, những chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa; và năm 2021 tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, tác phẩm đã được trao giải B một cách xứng đáng.
Nhà văn Nguyễn Thái Huyền mất đi để lại cho đời 11 đầu sách đã xuất bản và nhiều bản thảo chưa in, là thành quả của sức lao động sáng tạo miệt của ông những năm cuối đời.
Đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thái Huyền, độc giả hình dung về Đà Lạt với diện mạo đầy đủ cả bề dày, chiều sâu và chiều rộng, một Đà Lạt không chỉ đẹp bên ngoài mà sâu bên trong là vẻ đẹp của thành quả mồ hôi, cả máu và nước mắt của bao thế hệ người dân trên mọi miền đất nước về đây lập làng, lập ấp, chiến đấu và chiến thắng.
Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 24/2/2023 tại nhà riêng 112 Nguyễn Công Trứ, Phường 8, Đà Lạt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin