''Thời gian trong mắt tôi'' - đọc sách hiểu cốt cách thầy thuốc

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:09, 23/02/2023

Có một tương lai rộng mở ở trời Tây nhưng chọn gian truân, thử thách, sẵn sàng đổi xương máu mình để sống có ích cho non sông khi “sơn hà nguy biến” - đó là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Bất cứ ai biết đến cuộc đời dấn thân đầy lý tưởng và nhiều trải nghiệm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng công nhận rằng, chỉ cần kể lại đã là một cuốn sách thực sự lôi cuốn và hấp dẫn cho công chúng. 

Tọa đàm giới thiệu cuốn hồi ký Thời gian trong mắt tôi của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp
Tọa đàm giới thiệu cuốn hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

Đã có nhiều cuốn sách viết về người bác sĩ lừng danh này. “Thời gian trong mắt tôi” - tác phẩm do chính ông cầm bút lúc sinh thời vừa được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản dày dặn hơn với nhiều tư liệu, hình ảnh mới đã và đang để lại cho độc giả nhiều trang viết có ý nghĩa cả về y khoa và văn học.

MỘT THẾ HỆ LƯƠNG Y ĐƯỢC VẼ BẰNG MÁU VÀ NƯỚC MẮT

Trong cuốn hồi ký "Thời gian trong mắt tôi", bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lưu giữ nhiều ấn tượng sâu đậm về bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch. Trong tác phẩm "Tưởng nhớ người thầy thuốc lớn Phạm Ngọc Thạch", viết về vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên trong Chính phủ, Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương cũng là một thủ trưởng kính mến, một người bạn thiết thân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã kể những câu chuyện xúc động về ông.

Năm 1962, đoàn cán bộ y tế đầu tiên từ miền Bắc được cử vào chiến trường, trước khi rời Làng Ho, thuộc tỉnh Quảng Bình để vào Nam, anh chị em trong đoàn vô cùng cảm động khi thấy "anh Tư Đá" (bác sĩ, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch), tự lái xe ô tô vượt quãng đường gần 500 cây số từ Hà Nội vào tiễn anh chị em.

Đi được một đoạn, mọi người vẫn thấy Bộ trưởng đứng nhìn theo đoàn người, đôi mắt rưng rưng. Hình ảnh đó in đậm trong ký ức của các cán bộ y tế khi vào chiến trường miền Nam. Mọi người bảo nhau: "Ai không chịu được gian khổ, muốn thành lính B quay (quay lại miền Bắc) thì nên nhớ sau lưng mình có anh Tư Đá đang nhìn mình mà khóc!" để vững bước trên đường dài gian nguy...

Sau Tết Mậu Thân 1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có mặt tại chiến trường miền Nam và chỉ hai tháng sau, bác sĩ đã hy sinh ở tuổi 59 trong một túp lều tranh, giữa khu rừng già gần Xóm Giữa, Lò Gò, Tây Ninh. Đêm 8/11/1968, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng một số anh chị em đau đớn cầm “đèn pin soi đường, khiêng linh cữu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mai táng trên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, dưới cơn mưa lâm râm của đêm tháng Mười âm lịch”. Dù thời điểm này, việc rọi đèn rất nguy hiểm tính mạng nhưng ông không đành lòng để người thủ trưởng, người bạn thiết thân của mình, một người yêu nước ra đi trong bóng tối. Sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh, kiểm kê tài sản của gia đình bác sĩ ở Hà Nội, thì: “Ngoài cái đài thu thanh của Bộ cho mượn để nghe tin tức, không còn tài sản nào đáng giá một trăm đồng!”.

“Thời gian trong mắt tôi” cũng nhắc đến nữ hộ sinh Huỳnh Minh Phụng ở Vĩnh Long, nữ hộ sinh Mai Thị Phiêu ở Trà Vinh, y tá Nguyễn Thị Sen ở Bến Tre, y sĩ Nguyễn Văn Ba ở Hậu Giang, bác sĩ Lê Văn Trí ở Châu Đốc, dược sĩ Phạm Thị Yên ở Sài Gòn... đã gạt bỏ mọi riêng tư để đi với cách mạng và đi cùng Nhân dân. Họ đã ngã xuống âm thầm và lặng lẽ, nhưng vẻ đẹp của họ để lại xứng đáng để người đời sau ghi nhớ và biết ơn. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khẳng định: “Trên mặt đất trải dài nhiều con đường, dòng kinh, làng ấp, cụm dừa nước hay lùm cây, đang ấp ủ bao nhiêu thổn thức, tiếng thở dài và niềm kiêu hãnh, chưa chịu hở môi. Nếu tôi là nhà sử học trẻ tuổi, tôi sẽ tìm đến đó, nhặt đề tài cho các luận án phó tiến sĩ hay tiến sĩ. Đề tài được minh họa bằng vô vàn sự thật vẽ bằng máu và nước mắt của quá khứ, có thể gây bâng khuâng, xúc động cho các vị giáo sư, viện sĩ chấm thi, những nhà khoa học thường ngày nhìn xem sự vật với đôi mắt bình thản”. 

 

NHỮNG TRANG SÁCH CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp để lại nhiều tác phẩm, với bút danh Hằng Ngôn - thể hiện sự nghiêm túc khi cầm bút. Đọc nhiều tác phẩm của ông, rõ nhất ở “Thời gian trong mắt tôi”, độc giả dễ dàng nhận ra sự đồng điệu giữa trái tim thầy thuốc và vẻ đẹp văn chương. “Thời gian trong mắt tôi” được xem là tác phẩm quan trọng nhất của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, vì bao gồm cả những trang hồi ký, tùy bút, biên khảo mà ông chọn lọc ra từ hàng chục năm cầm bút mà ông tâm đắc. Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong rất nhiều trang sách, dù không có câu chữ nào nói chuyện yêu nước nhưng mọi câu chuyện và cả cuộc đời Trần Hữu Nghiệp đã thể hiện điều ấy rất rõ”.

“Thời gian trong mắt tôi” được Nhà xuất bản Văn Nghệ in lần đầu vào năm 1993 và được Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản trong thời gian gần đây, nhận được nhiều sự yêu thích của độc giả. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và gia đình của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã cùng tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách này để độc giả, những người yêu văn chương cùng sẻ chia về cuốn sách cũng như cuộc đời một bác sĩ từ tâm. Sau 30 năm tính từ lần đầu xuất bản, “Thời gian trong mắt tôi” vẫn còn vẹn nguyên giá trị đối với độc giả. Bởi những trang sách đã được viết bằng cả cuộc đời kẻ sĩ yêu nước của một thầy thuốc cách mạng đậm khí chất Nam Bộ. Cuốn sách được bổ sung thêm nhiều hình ảnh, tư liệu quý từ gia đình Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cung cấp. 

Ở những trang sách ấy, không chỉ là câu chuyện riêng của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, còn là những câu chuyện thế hệ, câu chuyện đất nước một thời. Độc giả có thể hiểu được sự dấn thân của một thế hệ trí thức, sẵn sàng đánh đổi tính mạng, lao vào mưa bom lửa đạn để được cống hiến sức mình khi Tổ quốc lâm nguy; sẵn sàng hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy cam go nhưng đầy hy sinh, cao cả. Cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và những bác sĩ bạn bè ông còn có thể xem là đại diện cuộc sống dấn thân cống hiến của những trí thức yêu nước.  

Nhận xét về tác phẩm này, nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) đánh giá: “Bằng ngôn từ giản dị và kiến giải sâu sắc, những trang viết “Thời gian trong mắt tôi” cho thấy chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được hun đúc từ một tâm hồn phóng khoáng và một tinh thần văn hóa. Qua lối kể chuyện chân thật và nhẹ nhàng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp gợi mở nhiều suy tư về những ân tình cần được gìn giữ và nâng niu. Nhiều trang văn của ông có ý nghĩa như những trang sử của ngành Y tế. Chẳng hạn, hoạt động y tế những năm tháng ở vùng Đồng Tháp Mười “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, được ông ghi lại tỉ mỉ: “Bạc tiền không có, bởi bà con trong ấp chiến lược cũng nghèo xơ xác như mình, nên ban đêm phải phân công người đi nhổ bàng (một loại cói) hoặc tìm mật ong trên cây tràm, nhờ đồng bào bán đi rồi mua gạo cho mình. Đến mùa nước về, giường bệnh là những mô đất đắp cao dàn trải nilong và bàng. Để nghi trang dưới sự kiểm tra thường xuyên của trực thăng, không thể cất chòi xây nóc, khi trời mưa phủ nilong lên người mà chịu trận, còn nắng trưa thiêu đốt thì đã quen rồi”.

Trên thế giới, nhiều nhà văn lừng danh từng xuất thân là bác sĩ như Chekhov (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc). Với những tác phẩm của mình nói chung, “Thời gian trong mắt tôi” nói riêng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp xứng đáng được gọi là nhà văn khi ông đã kể lại câu chuyện y khoa, cuộc đời đầy cảm xúc văn chương. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã đi xa, nhưng với cuốn sách “Thời gian trong mắt tôi”, ông vẫn còn hiện diện rất rõ, trò chuyện với chúng ta bằng cốt cách văn hóa của một thầy thuốc cách mạng.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng với những tên tuổi những bác sĩ: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Thiện Thành... tạo nên một thế hệ ưu tú trong đội ngũ thầy thuốc cách mạng Việt Nam. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 tại Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre, mất năm 2006 tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã sang Pháp tu nghiệp rồi về Mỹ Tho mở phòng mạch vào năm 1937. Khi kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã đi theo tiếng gọi non sông, và trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế Trung ương. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988.