Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian (VHDG) của các dân tộc thiểu số (DTTS) phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc... là mục tiêu Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” trên địa bàn Lâm Đồng.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc bản địa là chất liệu để các văn nghệ sĩ sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật |
• GÌN GIỮ TRUYỆN KỂ CỦA CHA, CÂU CA CỦA MẸ ĐẦY ẮP GIÁ TRỊ
Từ xa xưa, sống giữa đại ngàn Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số bản địa Lâm Đồng Mạ, K’Ho, Churu đã sáng tạo nên kho tàng VHDG rất phong phú, ghi dấu vào từng triền đồi, bờ suối, gốc cây, ngọn cỏ. Trong đó, người Churu có một vốn ca dao, tục ngữ, câu đố phong phú (Pơ đik, pơ đoa), nổi bật là những câu ca tụng chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền. Nhiều truyện cổ (T’rơ can) phản ánh đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, cuộc đấu tranh bất khuất của người lao động với thiên nhiên và xã hội để giành lấy cuộc sống hạnh phúc được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Churu còn lưu truyền một số trường ca mà các già làng thường kể bên bếp lửa sàn cho con cháu nghe, suốt đêm này qua đêm khác, trong đó chứa đựng cả nguồn tư liệu lịch sử quý giá. Nó có ý nghĩa bồi dưỡng đạo đức, ý thức dân tộc cho mọi thành viên trong cộng đồng nhớ về nguồn cội, để xứng đáng với cha ông, với đất trời, với tổ tiên của tộc người. Trong mỗi câu chuyện được truyền kể, những bài học bổ ích, những lời nhắn nhủ không ngừng được truyền đi, mang thông điệp gửi đến mỗi lớp người mới nối tiếp nhau.
Người K’Ho có vốn VHDG khá phong phú, độc đáo như trường ca, sử thi, truyện cổ tích, truyền thuyết tục ngữ, ca dao đậm chất trữ tình và giàu nhạc tính. Đây là kho tàng văn hóa, kinh nghiệm sống quý báu của cả một tộc người, là lời răn dạy của thế hệ đi trước truyền đến thế hệ đi sau, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, làm cho cộng đồng có tôn ti, trật tự, đem đến cuộc sống tốt đẹp. Luật tục (gùng đơs n’rí) và kho tàng VHDG (jơnau pơnđik) của người K’Ho chi phối về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, tục ngữ chiếm số lượng khá lớn là những kinh nghiệm sống quý báu được cha ông đúc kết mà hầu hết các thành viên trong cộng đồng đều phải biết, phải học để tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Đó là những câu nói ngắn gọn, súc tích, cô đọng, có vần điệu dễ đọc, dễ nhớ dễ thuộc, hình tượng sống động, gần gũi, dễ hình dung liên tưởng và vận dụng vào thực tế đời sống. Người K’Ho có chữ viết vào đầu thế kỷ 20, chữ K’Ho được xây dựng bằng hệ thống chữ Latin, mặc dù đã được cải tiến nhiều lần, được dùng để dạy trong một số trường học, nhưng loại chữ này chưa phổ cập.
VHDG của người Mạ ghi dấu ấn bởi những truyện cổ tích của người Mạ gắn liền với nhiều vùng đất đai, núi sông của xứ sở và còn gắn liền với mối quan hệ giữa các dân tộc ở trong vùng liên quan đến nạn hồng thủy, đến buổi khai thiên lập địa trên quê hương xứ sở. Người Mạ có một thể loại cổ tích bằng văn vần gọi là ya liau giống như khan (trường ca) của người Êđê; truyện về rừng, truyện về các con thú, truyện cười, truyện ngụ ngôn, nhân cách hóa các con vật để nói về đời sống con người dưới hình thức gây cười bằng ngôn ngữ bóng bẩy, hàm súc. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những câu châm ngôn của người Mạ (còn gọi là hdri) rất phong phú, đa dạng mang nội dung về đạo đức, phong tục của dân tộc và các quan hệ xã hội khác của các buôn làng Mạ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
• BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHO TÀNG VHDG
Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” của Bộ VHTTDL ban hành được UBND tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn Lâm Đồng từ tháng 3/2023 sẽ là một minh chứng quyết liệt bảo tồn, gìn giữ, phát huy kho tàng VHDG của đồng bào các DTTS, đặc biệt là các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu.
Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy tác phẩm VHDG, phát huy hiệu quả vai trò của các nghệ nhân và những người nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các DTTS; khích lệ sáng tạo các giá trị văn học mới; gắn kết, kết nối chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy giá trị VHDG với việc bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc... Trong đó bảo tồn tiếng nói, chữ viết là cái gốc, là nền tảng quan trọng nhất để bảo tồn, phát huy giá trị VHDG.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2023 - 2026, tiến hành sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về VHDG các DTTS bản địa. Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 40% tác phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu số về VHDG các DTTS để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy và truyền dạy. Phấn đấu 40% tác phẩm VHDG các DTTS có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị VHDG; 50% công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín được bồi dưỡng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị VHDG; 40% trường DTNT đưa thể loại VHDG vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức giao lưu, liên hoan, tọa đàm cho học sinh; hình thành 3 - 5 CLB văn nghệ dân gian/xã vùng đồng bào DTTS để thực hành biểu diễn và trao truyền các thể loại VHDG.
Giai đoạn 2027 - 2030, hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các thể loại VHDG của đồng bào Mạ, K’Ho, Churu. Hình thành 8 - 10 CLB văn nghệ dân gian/xã vùng đồng bào thiểu số. 5 chỉ tiêu trên đạt từ 80% trở lên. Trong quá trình bảo tồn giá trị VHDG của các DTTS cần có sự tiếp thu, đổi mới, phát triển, đồng thời đảm bảo gìn giữ được đặc điểm cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong kho tàng VHDG, phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa.
Để đạt được các chỉ tiêu, nhiều giải pháp sẽ được thực hiện như: Nhanh chóng xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cho tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền các giá trị VHDG các DTTS. Khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại VHDG truyền thống; xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn; phát huy giá trị VHDG trong lễ hội truyền thống sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng và các không gian diễn xướng, thực hành phù hợp; lựa chọn các tác phẩm VHDG tiêu biểu của các DTTS đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học; phổ biến, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHDG. Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của đồng bào DTTS, phổ biến, lưu trữ các tác phẩm VHDG thông qua công nghệ số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin