Chuyện tình trên cao nguyên

DUY LƯU 04:17, 16/03/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Đứng ngắm mình trước gương, cảm thấy chút hụt hẫng bởi những nếp nhăn đã hằn sâu nơi khóe mắt, mái tóc đen nhánh một thời giờ đã ken dày những sợi bạc. Nhìn ra phố, tấp nập dòng người du xuân chúc tết, không khí ngày xuân đang ngập tràn, trong đầu Lan chợt nghĩ - hơn ba mươi năm làm nghề “gõ đầu trẻ” chưa khi nào dành cho mình một chuyến du lịch. Còn mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán, phải tự thưởng cho mình một lần đi đâu đó, nghỉ ngơi xả stress sau những ngày đứng lớp mệt nhoài. Miên man nghĩ tới những nơi có thể đến, bỗng chuông điện thoại reo vang, nhìn dãy số lạ hoắc, Lan ngập ngừng một chút, miễn cưỡng bấm máy…

Đầu bên kia, giọng người phụ nữ mừng rỡ: “Có phải Lan khoá sư phạm K12 không?”. “Lan K12 đây, chị là…?”. “Trời ạ, còn nhớ Liên và Mai Anh? Bao năm rồi mất dạng giờ mới tìm được cậu. Lên cao nguyên với tớ đi…”.

Quá mừng vì sẽ gặp được người bạn thân sau bao năm mất liên lạc, Lan hét lên: “Đồ quỷ! Bao năm rồi mới nghe tiếng cậu… Trời ạ. Tớ sẽ thu xếp lên ngay…”.

 *** 

Khóa sư phạm năm ấy, Lan ở cùng phòng với Liên và Mai Anh, họ trở thành bộ ba thân thiết. Sau lễ tốt nghiệp, Lan ở lại thành phố, Mai Anh về Tây Ninh, vợ chồng Liên đến với Tây Nguyên. Những năm đầu, ba đứa liên lạc với nhau qua những lá thư. Thời gian lặng lẽ trôi, những lá thư thưa dần rồi bặt tin! Cuộc điện thoại của cô bạn thời sinh viên hơn ba mươi năm chưa một lần gặp khiến Lan bồi hồi. Lần tìm trong ký ức, gương mặt thân quen của Liên, Mai Anh mờ ảo hiện về.

Vóc dáng mảnh mai với đôi mắt sâu thẳm đen láy, nói ít nhưng chu đáo, Liên được gọi là chị cả. Mai Anh nhỏ hơn một tuổi, nhí nhảnh, tối ngày bông đùa chọc ghẹo mọi người. Hai tính cách đối lập nhưng kỳ lạ, Liên và Mai Anh luôn dính nhau như hình với bóng. “Vẻ ngoài sôi nổi thế nhưng Mai Anh tội lắm, không biết bố là ai, mẹ mất vì bạo bệnh khi mới sáu tuổi”. Nhắc tới Mai Anh, Liên thường nói vậy.

Phòng kí túc xá của ba đứa ngày ấy như thỏi nam châm hút cánh con trai mỗi buổi tối. Duy - cái tên thường xuyên có mặt. Khi đến, luôn mang theo cây đàn. “Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu/ Những ngày không gặp nhau biển bạc đầu thương nhớ…”. Những ca từ của bài hát mượt mà được Duy ngân nga cùng cây ghi ta của mình khiến những con tim khác giới thổn thức, nhưng Duy đã bị đôi mắt sâu thẳm của Liên “giam giữ” và họ trở thành một cặp trai tài gái sắc. Có điều lạ, trong những buổi hẹn hò giữa Duy và Liên, Mai Anh luôn theo sát không rời nửa bước. Ngày Duy cầu hôn Liên, sự xuất hiện của Mai Anh cũng là kỉ niệm khiến Duy không thể quên. Muốn cho Liên sự bất ngờ, dành những đồng tiền ít ỏi đời sinh viên, Duy thuê phòng khách sạn, hồi hộp chờ Liên tới, trong đầu tưởng tượng một buổi tối thật lãng mạn chỉ với hai người. Vậy nhưng, sau ba tiếng gõ cửa, cánh cửa vừa hé, khuôn mặt Duy méo xệch bởi người xuất hiện là Mai Anh! Ngó vào phòng, Mai Anh cười tít mắt, miệng liến thoắng: “Chu choa nhiều hoa quá chị Liên ơi, như phòng công chúa vậy! Duy, em có được vào không?”. 

Quá bất ngờ và thất vọng nhưng chẳng biết làm sao, ghé tai Mai Anh, Duy thì thầm: “Không cho vào có xong với “kì đà”?”. Chỉ đợi có thế, Mai Anh tót vào, ngó nghiêng, hít hà những bông hoa, chỉnh, sửa một hồi rồi phán: “Thế mới xứng mặt đàn ông chứ hihi, nhưng cách trang trí tệ quá, mua hoa cũng không biết người mình yêu thích loại gì, màu gì. Tối dạ! Lần sau có làm nhớ mời sư phụ này chỉ giáo nghe”.

Nhìn bộ mặt đau khổ của Duy, Liên bước vào nguýt Mai Anh: “Con quỷ! Từ sau không cho theo nữa!”. Mai Anh vênh mặt: “Hứ! Người ta đi bảo vệ cho chứ bộ! Lỡ Duy ăn hiếp chị hihi… em sẽ… (dứ nắm đấm về phía Duy). Rất giận nhưng coi bộ dạng lí lắc của Mai Anh, Duy cũng phải bật cười. Thế rồi cuộc cầu hôn cũng diễn ra…

***

Mải suy nghĩ, Lan giật mình khi nghe tiếp viên hàng không thông báo máy bay bắt đầu hạ độ cao. Phóng tầm mắt qua ô cửa nhỏ, dưới cánh máy bay, Quốc lộ 20 như dải lụa uốn lượn giữa bạt ngàn xanh thẳm tựa bức tranh diệu kì. 

Đặt chân xuống sân bay Liên Khương, Lan ngỡ ngàng bởi khí hậu mát rượi, gió lồng lộng thổi tung mái tóc, luồn vào da thịt nhồn nhột lâng lâng. Cái cảm giác tuyệt vời ấy, Lan chưa bao giờ có khi ở thành phố… 
Đón Lan trước căn nhà gỗ nhỏ lọt thỏm giữa vườn cà phê xanh mênh mang là một phụ nữ mảnh mai, gương mặt xương xương, đôi mắt sâu thẳm. 

Vẫn là đôi mắt ấy - Lan thầm nghĩ. 

Dang rộng vòng tay, Liên bước tới với cái ôm siết chặt. Cùng lúc ấy, một người phụ nữ từ trong nhà ào ra reo lên: “Chị Lan! Nhớ em hông?”. Lan sững người buông Liên, nhìn chăm chăm người chào mình. Có nét gì đó thân quen nhưng không thể nhớ. Ghé tai Lan, Liên hỏi nhỏ: “Không nhận được sao hihi. Mai Anh đó”.: “Mai Anh - Lan thốt nên ngỡ ngàng - em cũng ở đây? Hơn ba mươi năm không gặp, em thay đổi nhiều quá chị không thể nhận ra. Không ngờ được gặp cả em...”.

***

Ớt nào mà ớt chẳng cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng. Câu nói ấy không hẳn chính xác. Những ngày lưu lại gia đình Liên, Lan nhận thấy Duy thực sự là người đàn ông hạnh phúc. Sự hạnh phúc thể hiện rõ trên khuôn mặt luôn sáng bừng, mãn nguyện. Liên xinh đẹp dịu dàng, Mai Anh giỏi giang quán xuyến mọi công việc gia đình. Nhận ra sự liên kết giữa vợ chồng Liên và Mai Anh, mang những thắc mắc hỏi Mai Anh, Lan chỉ nhận được cái nháy mắt tinh nghịch cùng câu trả lời nhấm nhẳng: “Thì No1, No2 vậy thôi, thấy rồi còn hỏi!”...
Mỗi tối sau đó, ba người phụ nữ lại cùng ngủ chung như những ngày còn là sinh viên, họ ôn kỉ niệm rồi chọc ghẹo nhau cười vang căn nhà nhỏ…

Đêm cuối ở cùng gia đình Liên, sau một hồi chuyện nổ như pháo, Lan kéo tai Mai Anh, tay kia bóp mũi Liên, giọng năn nỉ: “Mai mình phải chia tay các bạn rồi, giải thích giùm coi, hình như nhà này có hẳn hai bà chủ, để suy đoán hoài chắc đi “Biên Hòa” quá!”. 

Nghe Lan hỏi, Liên chỉ cười, Mai Anh thì tưng tửng: “Tối dạ! Tự mà hiểu”. 

Nói thì vậy, nhưng rồi Liên cũng thủ thỉ kể hết cho Lan nghe những gì cuộc đời mình đã trải qua kể từ khi về với mảnh đất Tây Nguyên.

Ngày vợ chồng Liên đến với Tây Nguyên, dân cư còn thưa thớt lắm. Đường chỉ là những lối mòn quanh co hết lên đồi lại xuống khe, đi lại rất khó khăn. Người dân kinh tế mới ở đan xen cùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, nhà nào cũng nghèo. Lớp học bằng tranh tre nằm trên đồi. Những trận bão lớn, nước tấp vô làm cô, trò, sách vở ướt mẹp. Sĩ số lớp hai mươi em nhưng chỉ năm, bảy em đi học. Các em học sinh dân tộc thiếu số bản địa thường xuyên nghỉ học phụ giúp gia đình làm rẫy, kiếm rau... Tới lớp không đều nên tiếp thu bài chậm, chất lượng buổi học rất thấp. 

Trở thành cô giáo, Liên mơ ước được đứng lớp với ba, bốn chục học sinh và em nào cũng chăm, ngoan nhưng thực tế không như vậy. Nhiều ngày lặn lội tới từng buôn vận động các em tới lớp, được vài bữa, đâu lại vẫn đấy. Nhiều đêm không ngủ, trằn trọc nhìn qua khe vách, khung cảnh rừng già dưới bầu trời đêm với muôn vàn hình thù kỳ quái. Xa xa, tiếng hổ gầm, bầy sói tru từng chập, côn trùng rỉ rả buồn thảm khiến Liên rùng mình, thêm những trận sốt rét hành hạ làm mất hết sức lực. Một cô giáo trẻ chưa quen với heo hút rừng già, nhiều bữa Liên bật khóc. Trước trăm bề khó khăn nhưng Liên chưa một lần có ý nghĩ bỏ lớp, rồi những năm sau đó, khi kinh tế của người dân khá hơn, học sinh đến lớp đều hơn, trường cũng được nâng cấp. Từ đó, mỗi buổi lên lớp với Liên thực sự là một ngày vui. Nhìn học trò tiến bộ từng ngày Liên thấy yêu nghề vô cùng. Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã không cho Liên bước tiếp trên con đường mình chọn. 

Kết thúc một buổi dạy, đạp xe về dưới trời mưa tầm tã, trận mưa kéo dài khiến mặt đường nhão nhoẹt trơn trượt. Đang đổ con dốc cao bỗng nghe hẫng tay - dây thắng đứt! Liên chỉ kịp hét nên hoảng loạn khi chiếc xe lao ào ào xuống khe sâu!

Tỉnh lại trong bệnh viện sau hôn mê cả tuần, khắp người băng trắng, một cánh tay bị gãy, cái thai ba tháng không còn, đốt sống cổ bị lật dẫn tới tứ chi liệt hoàn toàn, miệng không thể nói. 

Về nhà sau mấy tháng nằm viện, cuộc sống thực vật theo Liên từ đó. Đau khổ tột cùng Liên muốn tìm cái chết để giải thoát.

“Nhất định em sẽ bình phục, sẽ lại được đứng trên bục giảng, các em học sinh cần em, chúng đang đợi em, anh cũng không thể thiếu em”. Duy luôn động viên Liên vậy và lặng lẽ làm mọi việc từ nội trợ, cho Liên ăn, đổ bô vệ sinh... 

Liên không thể ngờ số phận lại cay nghiệt với mình đến thế. 

Thương cô giáo, các em học sinh ngày nào cũng đến thăm. Thấy cô cứ nằm bất động, chiếc mền mỏng phủ ngang bụng, hai ống chân khô gầy thò ra khiến đứa nào cũng khóc. Bé lớp trưởng nấc từng chặp: “Cô ơi, cô ráng ăn cho mau lành bệnh còn lên lớp dạy chúng em…!

Nghe học sinh nói, cổ họng Liên tắc nghẹn, muốn nói với các em điều gì đó nhưng không thể mở miệng dù chỉ một lời. 

Vụ tai nạn ập xuống bất ngờ đã gắn chặt Liên với chiếc giường từ đó!

***

Ở Tây Ninh, chưa một lần làm mẹ, Mai Anh đã trở thành góa phụ. Chồng Mai Anh là bộ đội biên phòng, hy sinh trong một lần truy bắt tội phạm khiến Mai Anh hoàn toàn suy sụp. Những năm sau đó, Mai Anh chỉ biết vùi đầu vào những trang giáo án, coi học trò là con, lấy công việc làm vui. Nhân dịp nghỉ hè, Mai Anh về thăm Liên. Nhìn Liên như cái xác ướp, chỉ đôi mắt còn sự sống, Mai Anh khóc rất nhiều. Ba tháng hè, Mai Anh ở lại chăm sóc Liên. Khai giảng năm học mới, Mai Anh về Tây Ninh nhưng một tuần sau thì trở lại, xin dạy chính ngôi trường Liên đã dạy và về ở với vợ chồng Liên, thay Duy làm mọi việc gia đình, chăm sóc cho Liên. 
Với tình yêu của Duy, sự chăm sóc tận tình của Mai Anh, sức khỏe của Liên tiến triển nhanh đến ngỡ ngàng. Sau sáu năm câm nín, Liên đã phát âm được những câu đầu tiên. Nghe từ miệng Liên những câu nói còn rất ngọng ngịu, niềm vui như nổ tung, Mai Anh cứ nhảy tưng tưng, vừa nhảy vừa hét, cười đó rồi lại khóc như một đứa trẻ khiến Duy cũng không kìm được nước mắt. Duy nói rằng, Mai Anh chính là liều thuốc tiên, là cơn mưa rào đến với cánh đồng khô hạn giúp Liên hồi sinh.

Những năm tiếp theo, liều thuốc tiên mang tên Mai Anh giúp Liên rời khỏi chiếc giường cùng chiếc xe lăn tưởng chừng sẽ gắn chặt với Liên đến hết cuộc đời.

Ngày đầu tiên Liên đứng lên được sau mười năm làm bạn với chiếc giường và xe lăn, nhân lúc hai chị em đang vui, Liên ngập ngừng: “Mai Anh… chị có một thỉnh cầu… cũng là nguyện vọng muốn nói với em”. “Có gì quan trọng, sao khó nói thế, cứ như chuyện cơ mật quốc gia không bằng, hay chán cái mặt của tôi nên muốn đuổi! Đây cũng đang muốn đi, ở với loại người tối ngày ướt át, yếu đuối như em bé, buồn thúi!”. “Thôi nào, chị đang nói chuyện nghiêm túc, không giỡn được không?”. “Vậy thì nói đi, sốt ruột!”. 

Vòng tay ôm Mai Anh, Liên ngập ngừng: “Chị muốn… e.m.m… sinh cho Duy một đứa con…”. “Á! - Mai Anh bật dậy thảng thốt - chị điên hả? Không! Không thể. Em mãi chỉ là một đứa em, không đề cập chuyện khùng này nha, giận đó!”.

Không dễ để Mai Anh ngay lập tức chấp nhận mong ước của mình, song Liên tin một ngày nào đó cô sẽ hoàn thành tâm nguyện.

Từ khi Mai Anh về ở với vợ chồng Liên, không riêng Liên, Duy cũng rất yêu quý Mai Anh, dù không nói nhưng Liên hiểu, Duy lo một ngày nào đó Mai Anh sẽ ra đi. Nếu điều đó xảy ra, rất khó khăn để Duy chấp nhận. 

Thực lòng, Mai Anh từng thầm yêu Duy ngay khi gặp ở trường đại học, nhưng trái tim Duy đã thuộc về Liên nên Mai anh đành chôn chặt mối tình đơn phương của mình. Mỗi khi vào giường ngủ, nghĩ tới những đêm hạnh phúc bên chồng, nhiều đêm Mai Anh trằn trọc không sao ngủ, toàn thân rạo rực khi nhớ những lần cùng chồng tan chảy vào nhau, người Mai Anh run lên. Đôi lần nhận thấy ánh mắt Duy lén nhìn mình mỗi tối, những ham muốn lại trỗi dậy dữ dội, Mai Anh cố kìm nén rồi tự nhủ - ngủ đi, sao mi xấu xa vậy, mi là em của chị đó nha, không thể để cảm xúc lấn át, phản bội bạn là tội lỗi, không thể biết chưa. Những lúc như vậy. Mai Anh thường cấu mình thật đau để kìm nén cảm xúc rồi nhắm mắt cố tìm giấc ngủ.

***

Mưa dầm thấm lâu, nhiều bữa hai chị em rủ rỉ trò chuyện, Liên thường kể với Mai Anh những dằn vặt suốt thời gian bệnh liệt giường khiến Duy phải hy sinh nhiều thú vui, cả những nhu cầu hết sức đời thường. Liên rất khổ tâm mỗi khi đêm xuống. Nằm cạnh Liên, Duy cố nén tiếng thở dài. Một người đàn ông ngoài ba mươi, cường tráng như Duy, nhu cầu… là không thể thiếu nhưng Liên lại không thể... Những điều tưởng nhỏ nhặt ấy luôn đè nặng tâm trí khiến Liên không yên. Nhiều bữa Liên muốn nói, Duy có thể tìm cho mình một người phụ nữ nhưng không thể mở miệng!

Những dằn vặt Liên tâm sự khiến Mai Anh rất xúc động. Liên còn nói, Mai Anh không thuận ý sinh cho Duy một đứa con Liên càng khổ tâm. Liên mong hai người mình yêu thương hơn cả bản thân được hạnh phúc. Mai Anh có con, Liên sẽ yêu thương nó như chính con đẻ của mình...

***

Một buổi sáng đẹp trời, căn nhà nhỏ vỡ òa khi Mai Anh sinh hạ bé trai kháu khỉnh. Liên đặt tên bé là Hạnh Phúc.

Bé Hạnh Phúc lớn lên trong vòng tay yêu thương của hai bà mẹ. Hạnh Phúc bi bô tập nói cũng là lúc Liên chống nạng bước những bước đi đầu tiên. Hạnh Phúc được sáu, bảy tuổi, bé là chiếc gậy cho Liên tập đi mỗi ngày. 

Kiên trì với máy tập vật lý trị liệu cùng sự hỗ trợ tích cực của Duy và Mai Anh, phép màu đã tới khi Liên hồi phục nhanh đến thần kỳ, rời khỏi chiếc giường, bỏ được cây nạng tưởng sẽ gắn chặt với Liên suốt cuộc đời. Liên đã tự đi bằng chính đôi chân của mình. Từ khi tự đi lại được, căn nhà nhỏ của Liên luôn đầy ắp tiếng cười.

Ngày Lan lên thăm, Hạnh Phúc đang là sinh viên đại học sư phạm. Mỗi khi ở trường về, Hạnh Phúc thường mua quà tặng hai người mẹ. Những món quà như quần áo, đôi giày, chiếc khăn quàng cổ, cặp mũ bảo hiểm… tất cả đều giống nhau về chủng loại và màu sắc. Khi Liên và Mai Anh ra đường, họ thường ăn mặc y chang nhau nên rất khó phân biệt ai với ai. Có người nói họ là cặp song sinh, gọi Liên là No1, Mai Anh là No2.

Bữa chia tay, Duy, Liên, Mai Anh, cháu Hạnh Phúc tiễn Lan ra tận sân bay. Đứng trên cầu thang máy bay nhìn những bàn tay của gia đình Liên vẫy mãi, cảm giác xúc động dâng đầy trong mắt cay xè, Lan dang tay hét lớn: “Tạm biệt nhé, những người bạn thân yêu của tôi. Chúc gia đình bạn thật nhiều hạnh phúc…!”.