Đà Lạt những ngày tháng Ba, từng cơn gió thoảng đưa, dường như mùa đông còn lưng chừng ngang phố? Mùa này, Đà Lạt đẹp khiến lữ khách cứ trượt dài theo nỗi nhớ. Đó là mùa của hoa phượng tím lả lơi, mùa của những ngày lễ đầy ắp những ân tình, mùa của Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3). Tháng Ba, dù cái lạnh còn ương bướng ở lại với phố núi cũng không thể làm cho con người lạc về chốn không nhau mà đôi bàn tay vẫn khép chặt, níu giữ. Những ngày tháng Ba, lòng vẫn bồi hồi đầy cảm xúc khi nhớ về mẹ. Dù không có nhiều quà, ít lắm những lời chúc mừng nhưng sự hy sinh, tình yêu thương của mẹ vẫn mãi là đóa hồng đẹp trong tâm hồn của những đứa con xa quê.
Tháng Ba, có Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngày mà nhiều phụ nữ được nhận quà và hoa hồng từ những người thân yêu của mình. Gọi điện hỏi thăm, mẹ bảo mấy bữa nay có nghe nói trên đài, trên ti vi nhưng vì cơn gió trái mùa ùa về nơi dải đất nghèo miền Trung nên nghe chữ được chữ mất. Hơn nữa, mẹ cũng chẳng có thời gian đâu mà biết đến những bông hoa hồng lạ lẫm, dẫu rằng, loài hoa ấy người ta bảo bán rất được giá đặc biệt là vào những ngày tháng Ba. Mà cũng phải, ở vùng đất mà cái khó, cái nghèo còn đặc quánh như phận đời của mẹ thì làm sao biết đến hoa hồng? Bao năm trôi qua - bao lần mẹ nhìn mùa xuân chầm chậm ngang qua đời mình thì chừng ấy thời gian mẹ chưa một lần biết đến hoa hồng, kể cả khi mẹ chạm tay vào nỗi nhớ.
Ngày đó, qua lời kể, tình yêu của mẹ với ba tôi đẹp như mảnh trăng tỏa xuống cánh đồng lúa đang thời trổ bông. Ngày đó, ba tôi cùng ông bà nội mang chút lễ mọn sang nhà làm lễ hỏi, mẹ tôi chỉ đứng sau cánh cửa với nụ cười hòa cùng cảm xúc lơ lửng xen chút ngại ngùng. Đối với mẹ, ngày hôm đó nhiều lắm ý nghĩa và đây cũng là cái ngày mẹ nhớ nhất trong cuộc đời mình. Không lâu sau ngày mẹ bỏ lại chút hồn nhiên thời con gái, mẹ cảm thấy dùng dằng bởi trái tim chẳng chịu nghe lời: Mẹ lấy chồng.
Ngày lên xe hoa, mẹ không có hoa hồng cầm tay mà chỉ là một lọn hoa dại được mấy cô bạn hàng xóm trao tặng. Mẹ về nhà chồng làm tròn trách nhiệm của một người con, người vợ, là những chuỗi ngày cơ cực nhưng nặng câu ân nghĩa, vợ chồng. Mẹ làm vợ - là những ngày xa chồng với cảm xúc âu lo, khắc khoải, đợi chờ của bao năm tháng mà vết thương nơi hai miền đất nước còn chưa được lành lặn. Mẹ làm dâu - là những ngày bộn bề lo toan vì những bữa cơm chưa được đủ đầy dinh dưỡng cho 6 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những toan tính đời thường đã làm cho những ngày lễ vinh danh phụ nữ - vinh danh cho mẹ cũng hững hờ trôi qua theo năm tháng. Mẹ không biết đến hoa hồng bởi trong tâm trí của người mẹ quê ấy luôn chập chờn suy nghĩ làm sao để những đứa con của mình có cơm ngày ba bữa, lửa đỏ ngày ba lần. Vậy mà chưa bao giờ mẹ phiền lòng. Với mẹ, được hy sinh cho người mình yêu thương là hạnh phúc vô bờ, hy sinh cho con mình được đủ đầy, ấm no là những bông hoa hồng mà cuộc đời dành cho mẹ. Không biết đến hoa hồng trong những ngày lễ lớn nhưng tình yêu của ba và mẹ dành cho nhau vẫn lung linh, đẹp như ánh trăng quê. Đó là những tháng ngày ba biên thư cho mẹ với chan chứa yêu thương nơi quân trường xa tít tắp; đó là 15 năm đợi chờ trong hy vọng của ngày trở về tràn ngập niềm vui; đó là những hun hút ân tình đã thành hiện thực: Ba đã trở về với mẹ. Ngày trở về, ba không có hoa hồng tặng nhưng mẹ không buồn. Với mẹ, hoa hồng không đâu xa lạ mà chính là cái tình; cái nghĩa chưa một lần chắp vá đã đồng hành suốt quãng đường đời cơ cực nhưng vẫn trọn niềm vui thủy chung. Hoa hồng của mẹ đó là câu nghĩa tình gừng cay, muối mặn. Hoa hồng của mẹ đó là câu chuyện về tình yêu không phải thoáng qua mà được hun đúc, vun đắp, để giờ đây nhắc lại chuyện cũ, người xưa, đụng đâu mẹ cũng thấy kỷ niệm ùa về.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin