Minh họa: Phan Nhân |
Tờ mờ sáng, những giọt sương mai còn đọng trên cành lá, tổ trinh sát do Phước chỉ huy đã về đến bãi tập kết. Đêm qua các anh đột nhập vào cứ điểm Lồ Ồ trên lộ 3 ở quận Tánh Linh điều nghiên bốt giặc. Từ đây về đến đơn vị phải đi hết một buổi đường. Nắng đã lên cao, dòng sông La Ngà lững lờ uốn lượn quanh co dưới chân núi Ông. Từng đàn cá tung tăng trong làn nước trong vắt. Giữa trưa, tổ trinh sát đã về đến địa điểm đơn vị đóng quân.
Đặt balô xuống chỗ nghỉ, tay cầm chiếc mũ tai bèo phe phẩy, trên mặt Phước còn lấm tấm những giọt mồ hôi. Anh ra lệnh:
- Các đồng chí, khẩn trương tắm giặt, lo cơm nước xong được quyền nghỉ ngơi. Ngày mai các đồng chí Việt, An, Tân cùng tôi đắp sa bàn trận địa đêm qua để báo cáo trước Ban Chỉ huy Trung đoàn và Bộ Tư lệnh Quân khu.
Nằm đung đưa trên cánh võng đón làn gió mát dịu từ dòng sông thổi mơn man, Phước chợt nhớ đến lời ru con đêm qua của người mẹ xứ Quảng, ở Thôn 4 vùng đất xã Huy Khiêm:
“Ầu ơ… trông lên hòn Kẽm đá Dừng”
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi…”
Câu hát ru nghe sao mà thấm thía, Phước chạnh lòng nghĩ về quê hương, về gia đình mình, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ vùng quê một nắng, hai sương, quanh năm đói nghèo. Mùa hè đội nắng cháy da, mùa thu nước lụt ngập trắng đồng. Mẹ anh là lao động chính nuôi cả nhà, vất vả ngược xuôi trên sông Thu Bồn lên tận mạn ngược để mua trầu cau về phố Hội bỏ mối. Vất vả là vậy, nhưng hàng tháng bà phải lên Hội đồng xã trình diện vì gia đình có người theo cộng sản. Cha Phước là cán bộ thời chống Pháp, ông không đi tập kết, được cấp trên phân công ở lại bố trí vào hoạt động cho địch với chức danh Thư ký hộ lại trong Hội đồng xã, tạo nên một vỏ bọc hợp pháp trong lòng địch. Điều không may cho ông, một cơ sở do chính ông xây dựng có người phản bội nên ông đã bị địch bắt. Chúng đưa ông về giam ở nhà lao Quảng Đà. Tại đây, ông đã nếm đủ mọi đòn thù tra tấn dã man của địch, do sức khỏe yếu nên ông đã hy sinh trong nhà lao. Để lại vợ trẻ và đứa con thơ chưa đầy 5 tuổi.
***
Vừa về đến nhà, Hân (mẹ Phước) đã thấy thằng Sáu Đen ngồi trên phản.
- Em vừa ở chợ về à? Sao dạo này buôn bán có được không? Tiếng thằng Sáu Đen.
- Dạ, cũng qua loa, sống qua ngày đoạn tháng. Vừa nói Hân nhẹ nhàng hai tay rót nước mời.
- Mời thầy Sáu uống nước. Thầy Sáu đến chơi hay qua nhà có chuyện chi?
- “Qua” (tôi) thấy mẹ con em hiu quạnh, cơ cực nên ghé hỏi thăm. Nếu có gì khó khăn, có kẻ quấy nhiễu, phiền toái thì em cứ nói với “qua” một tiếng.
Vừa nói xong, hắn hé miệng cười nham nhở để hở mấy chiếc răng vàng chóe.
- Dạ xin cảm ơn thầy.
Hân có chồng sớm, là một cô gái trẻ có khuôn mặt nhân hậu đậm chất con gái miền quê xứ lụa Quảng Nam. Lợi dụng tình cảnh mẹ góa, con côi, Sáu Đen đã gạ gẫm, không ít lần hắn có những hành động sàm sở, Hân cự tuyệt không chấp nhận. Thời gian cứ trôi đi dần theo năm tháng, trước tình cảnh ấy Hân thật khó xử, nhiều đêm chị ngủ không được, phần nhớ chồng, phần thương con. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu: hay là mình bỏ quê dắt con đi nơi khác. Trước bàn thờ ông Năm Phước (cha của Phước), Hân khấn vái trong hai hàng nước mắt giàn giụa: “Ông sống khôn thác thiêng phù hộ cho mẹ con tôi đi đường bình an, nơi đất lạ quê người có công ăn việc làm, tai qua nạn khỏi”.
Làn khói hương lan tỏa khắp nhà. Kể từ đêm ấy, mẹ con Hân đùm túm nhau lên tàu xuôi về phương Nam.
- Mình đi đâu hở mẹ? Tiếng thằng Phước hỏi.
- Đi vào thăm chú Bảy
- Ở đâu hở mẹ?
- Ở Bình Tuy, Hoài Đức, Tánh Linh gì đó…
Tuổi thơ trong sáng hồn nhiên của Phước đâu biết rằng chuyến đi đêm ấy là một chuyến đi lịch sử trong đời mình.
***
Dòng sông La Ngà trong xanh hiền hòa, uốn lượn chảy qua vùng quê lúa trù phú Huy Khiêm, Sùng Nhơn, Tề Lễ, Nghị Đức. Mẹ con Phước vào xã Sùng Nhơn sống với bà con cùng quê hương, ngày ngày đi làm thuê kiếm sống, cuộc sống tuy chưa đủ no nhưng được cái là không ai làm phiền nhiễu, không ai quấy rầy. Năm 1963, Phước được mẹ đưa đến trường đi học. Hân nói với con:
- Nhà mình nghèo, con phải học cho biết cái chữ, biết cái chữ thì cuộc sống đỡ cơ cực hơn, mai sau còn có ích cho đời.
Hân muốn nói nhiều hơn nữa với con về những hoài bão của mình, về hoàn cảnh thân cô, thế cô, về nợ nước thù nhà cho con nghe, nhưng Phước còn bé quá sao hiểu hết được những mong muốn của người mẹ trẻ.
Hoàn cảnh đơn chiếc đưa đẩy những người cùng khổ, cùng cảnh ngộ sống xa quê xích lại gần nhau. Mẹ Phước chấp nhận đi bước nữa với chú Năm Phong, người sau này Phước gọi bằng cha dượng và sau đó cho ra đời một đứa em trai. Những ngày nghỉ cuối tuần, Phước theo cha dượng lên rừng cưa cây, xẻ gỗ. Rừng ở núi Dinh, núi Ông có nhiều gỗ quý, hang hẻm nào anh cũng biết hết. Những ngày theo cha dượng đi xẻ gỗ, những lần ông gặp gỡ với mấy chú “Việt cộng” ở trên núi, anh không nghe được gì, nhưng nhìn thấy hết.
- Con không được hé lộ với ai, cha đã làm gì, gặp ai, chuyện này người khác biết là tai họa, là đi tù, con rõ chưa? Ông Năm Phong dặn dò.
- Dạ, con biết rồi.
Mẹ Phước đã kể hết cho anh nghe về sự hy sinh của cha anh và dặn dò con phải nghe lời cha dượng chỉ bảo để mai sau nên người và đi theo con đường của cha đã đi.
***
Đầu năm 1965, giặc tái chiếm quận Tánh Linh - Hoài Đức, lùa hết dân bên Bắc sông về phía Nam sông lập nên những ấp chiến lược, khống chế ngăn chặn, đẩy lùi Việt cộng ra xa, cách li quân giải phóng với Nhân dân. Từ đó, chúng dễ bề phân hóa, thanh lọc để tìm ra những cơ sở cách mạng trong các xã ở Bắc sông.
Trời trở về chiều, ánh nắng xiên khoai trải dài trên cánh đồng Kho qua mùa gặt còn trơ lại những gốc rạ. Những làn khói lam chiều do bà con đốt đồng thơm mùi rơm lan tỏa khắp nơi. Phước theo lũ bạn chăn bò đi bắt chuột đồng. Chuột đồng về mùa này mập ú, chắc thịt, ướp với gia vị rồi nướng rơm vàng ươm ăn vừa thơm vừa giòn. Chiều tối trên đường về nhà, tay Phước cầm một giỏ chuột lút nhút, giữa đường bị thằng “Cường tồ” chặn lại.
- Mày cho tao xin mấy con?
- Có giỏi thì đi mà bắt, sao lại phải xin!
- Á! À… thằng này bướng ứ ừ… để rồi xem.
Miệng nói tay thò vào giỏ túm liền mấy con chuột. Phước giằng lại nhưng “Cường tồ” to béo xô làm Phước trượt chân ngã lăn quay. Khi đứng lên được thì “Cường tồ” đã đi xa, anh tức lắm, miệng lẩm bẩm “có ngày mày chết với tao”.
Trời trưa đứng bóng, tan học về, Phước tranh thủ chạy nhanh về nơi ẩn nấp. Anh chuẩn bị sẵn một khúc cây, chờ “Cường tồ ” đi qua, anh chạy theo nện một cây thật mạnh vào chân rồi bỏ chạy. “Cường tồ” đau quá lăn quay ra đất. Phước về nhà thu xếp quần áo, viết lại mấy chữ cho mẹ: … “Mẹ ơi ! con đánh thằng “Cường tồ” gãy chân, nên con phải bỏ trốn, con lên rừng theo mấy chú trả thù cho cha, mẹ đừng lo gì cho con…”.
Qua cổng ấp chiến lược, mấy chú dân vệ nhìn chăm chăm soi mói, Phước lặng lẽ băng qua cánh đồng đi về hướng núi Ông. Lần đầu tiên, anh bỏ nhà ra đi, lần đầu tiên anh ngủ đêm giữa rừng, lúc này người mới thấy ớn lạnh. Rừng càng về khuya trời càng lạnh, tiếng chim ăn đêm, tiếng mang tác vọng núi rừng khiến anh càng sợ, ngủ không được, đầu óc lại chợt nghĩ vu vơ.
Thằng Đức - em cùng cha khác mẹ với Phước, thi trượt tú tài phần một, nó bị gọi đi lính, cùng đi trong đợt này có thằng “Cường tồ” và các bạn cùng lớp. Chiếc xe GMC chở đám thanh niên ở sân Chi khu Tánh Linh về Đồng Đế - Nha Trang để huấn luyện. Sau 3 tháng, nắng gió quân trường làm nước da thằng Đức đen sạm. Ra trường, hắn được phong quân hàm trung sỹ. Cấp trên điều động về Đại đội Bảo An 878 đóng giữ chốt Lồ Ồ, trực thuộc Chi khu Tánh Linh. Đây là cứ điểm trên cao, nằm ven trục lộ 3, con đường nối dài từ đường số 1 qua Tánh Linh lên Chi khu Hoài Đức. Địch trang bị ở cao điểm này 2 khẩu pháo 105 li; 2 cối 60 và 81 li, trọng liên 12,7 li; 10 đại liên. Trên chốt hầm hào công sự, giao thông hào kiên cố, tạo sức chống trả mãnh liệt, ngoài giao thông hào là hàng rào dây kẽm gai gài lựu đạn chùm, mìn Claymor. Điểm cao này khống chế cả khu vực, bảo vệ Chi khu Tánh Linh, do tên trung tá Đỗ Lự làm quận trưởng kiêm chi khu trưởng.
***
Đêm N lịch sử và những ngày kế tiếp các lực lượng võ trang của Quân khu 6, Tiểu đoàn Đặc công 200C cùng bộ đội địa phương đã đồng loạt nổ súng tấn công vào Chi khu Hoài Đức, Đồi Giang, chi khu Tánh Linh, chốt Lồ Ồ. Đến sáng hôm sau, ta san bằng và diệt gọn cứ điểm của địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, bắt sống nhiều tù binh, hàng binh. Trải qua 15 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân giải phóng đã tiêu diệt và làm tan rã bộ máy chính quyền của chế độ cũ ở hai quận Tánh Linh và Hoài Đức.
Lá cờ đỏ xanh, ngôi sao vàng ở giữa phất phới bay trên nền trời xanh. Ủy ban quân quản các cấp được thành lập, chính quyền cách mạng non trẻ đã ra đời trong tiếng bom rền pháo nổ và tiếng gầm rú của máy bay F5 bắn phá ngày đêm. Sau đêm Noel 1974, thằng Đức nghe theo lời khuyên của mẹ, ra trình diện chính quyền cách mạng trước sân trụ sở xã Võ Đắc. Với trang phục chỉnh tề, đầu đội mũ tai bèo chân mang dép râu, Phước hiên ngang đứng trên bục cao, tay cầm loa pin đọc lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
- Hưởng ứng chính sách khoan hồng của Mặt trận, tôi kêu gọi anh em binh sỹ, sỹ quan trong quân đội Sài Gòn còn lẫn trốn trong Nhân dân, hãy ra trình diện chính quyền cách mạng. Ngừng một lát anh nói tiếp:
- Tất cả trật tự, xếp thành hàng một, lần lượt lên khai báo. Người khai báo phải thành khẩn, phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình.
Đến lúc này, thằng Đức cảm thấy sờ sợ... người nó run lên nói cứ ấp a, ấp úng trong cổ họng.
- Dạ, dạ!... em là…
- Đề nghị khai rõ ràng không việc gì phải sợ (tiếng của Phước).
- Dạ, em là Ngô Văn Đức, nhà ở thôn Hai, xã Sùng Nhơn, quận Hoài Đức. Cấp bậc trung sỹ - Địa phương quân. Cha là Ngô Văn Phong, mẹ là Trần Thị Hân...
Nghe đến đây, Phước khựng lại giây lát, một chút cay nồng dâng trào lên cổ họng. Anh bắt thằng Đức khai lại để mình ghi cho rõ. Rõ ràng đây là đứa em trai cùng mẹ khác cha với mình. Những giọt mồ hôi lấm tấm hiện lên trên vầng trán đen sạm. Anh rút khăn tay lau nhẹ, hòng che dấu vẻ bối rối đang hiện ra trên khuôn mặt.
- Đến lượt người khác…
***
Chiếc xe U oát chạy từ Huy Khiêm về Sùng Nhơn đổ xịch ngay trước nhà ông Năm Phong. Cả nhà đang bận rộn lo đám giỗ ông Năm Phước, không ai để ý ngoài sân có khách. Người sỹ quan bước xuống xe đi vào rất tự nhiên, ai nấy đều ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra.
- Chào tất cả mọi người - Anh bước đến gần ông Năm, bắt tay, miệng nói:
- Con chào ba!
Hân nghe tiếng ồn ào, bà từ nhà bếp chạy lên, vừa trông thấy Phước, chị khựng người lại, Phước lao đến ôm chầm lấy mẹ, hai mẹ con ôm nhau nước mắt tuôn trào trên đôi mí mắt trong tiếng nấc nghẹn ngào.
- Mẹ ơi!.. Con đã về!
Bà Hân bàng hoàng trong vòng tay của con, chị thét lên.
- Trời ơi!... Con tôi đã về bà con ơi! Lạy Trời, lạy Phật. Phước ơi mẹ nhớ con quá chừng.
Bà con hàng xóm nghe tin Phước về kéo nhau đến rần rần, cả nhà đông vui, tiếng ồn ào vang vọng từ nhà trên lan tỏa ra đến tận sân vườn. Thằng Đức đang làm thịt gà sau vườn, nghe tiếng ồn ào nó chạy lên. Trước mắt nó hiện ra cảnh cả nhà và bà con hàng xóm đang vây quanh người sỹ quan quân giải phóng. Những chiếc hôn nồng nàn, những cái bắt tay thắm thiết. Nó lẩm bẩm “không biết chuyện gì nữa đây”. Người sỹ quan này, nó đã gặp hôm ra trình diện trước trụ sở Ủy ban Quân quản Võ Đắc, không biết chuyện mô tê gì sẽ đến, sẽ xảy ra như thế nào, người nó cảm thấy lo lo. Trông thấy thằng Đức lấp ló sau cánh cửa, mặt mày tái xanh, Phước nhẹ nhàng đến vỗ vai Đức thủ thỉ.
- Chiến tranh đã qua rồi, giờ ta là anh em một nhà, việc gì em phải sợ.
Thằng Đức thở phào nhẹ nhõm. Bà Hân nghẹn ngào trong nước mắt, lần đến ôm hai người con thì thầm không nói nên lời. Bà đâu có ngờ hai người con cách đây chỉ vài hôm còn ôm súng bắn nhau ở hai đầu chiến tuyến. Những cái cụng ly, những âm thanh ồn ào với những lời chúc tụng vui vẻ, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm nhân ngày giỗ của ông Năm Phước.
***
Từ trên đài liệt sỹ huyện Tánh Linh, nhìn ra cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay (vựa lúa tỉnh Bình Thuận), thị trấn Lạc Tánh nổi lên giữa cánh đồng lúa, một đô thị nông thôn mới sầm uất mọc lên những nhà cao tầng và những đường phố rộng thênh thang. Không năm nào, Phước không đưa vợ con, bạn bè về nghĩa trang liệt sĩ huyện để tưởng nhớ đồng đội, những người bạn đã hy sinh trên chốt Lồ Ô năm nào, và không quên thắp nén nhang bên gốc đa trong nghĩa trang để nhớ đến hương hồn những người lính bên kia chiến tuyến đã chết trận trong đêm ấy. Anh tâm niệm: “Họ, cũng là người có gia đình, có cha, có mẹ nhưng vì hoàn cảnh phải cầm súng chống lại cách mạng. Giờ đây đất nước đã hòa bình họ là anh em, là đồng bào của chúng ta”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin