Với người con Phật, đại lễ Vu lan là một ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là ngày nhắc nhở chúng ta nhớ về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha, mẹ. Vu lan, nghĩ về cha, mẹ, dù được cài lên ngực áo của mình bông hoa màu hồng hay màu trắng thì con cũng thấy lòng mình thương nhớ rưng rưng.
Ảnh minh họa |
Tháng Bảy âm lịch, những sợi nắng vàng không còn quá gay gắt rải xuống miền Trung mà thay vào đó là những cơn mưa chiều đến rồi đi bất chợt. Dường như mùa thu đã chạm ngõ và mùa Vu lan báo hiếu đã về. Thiết nghĩ, không chỉ có mùa Vu lan, rằm tháng Bảy thì con người mới cần đến sự hiếu hạnh và những ân tình mà dường như hiếu đạo ấy luôn thường trực đối với tất cả những ai được sinh ra làm người trên cuộc đời này.
Ngày bình thường, chỉ cần lên Google tra cụm từ “công ơn cha, mẹ”, sẽ có hàng ngàn kết quả. Thơ, văn, nhạc, họa... rất nhiều lĩnh vực viết, thể hiện về nội dung này. Ở Việt Nam chúng ta có ngày Vu lan còn nhiều nước thì có ngày Mother’s Day. Dù tên gọi có khác nhau nhưng ý nghĩa và mục đích thì giống nhau. Đó chính là ngày để tưởng nhớ, tri ân đến công lao sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ của đấng sinh thành. Dù ai đó bảo rằng: Tháng Bảy là tháng cô hồn, tháng của sự xui xẻo và kém may mắn, tài lộc nhưng với người theo đạo Phật thì thời gian này có nhiều ý nghĩa đặc biệt, đó là mùa báo hiếu. Mùa Vu lan gắn với sự tích ngài Mục Kiền Liên dùng hạnh hiếu của mình tổ chức đại lễ trai tăng trong ngày rằm tháng Bảy để cứu mẹ của mình thoát khỏi địa ngục. Cũng chính vì ý nghĩa này mà vào ngày rằm tháng Bảy, hàng triệu người dân, những người con Phật đã đến chùa dâng hương tưởng nhớ đến công lao của cha, mẹ mình.
Nói đến công lao của cha, mẹ, người ta thường ví như trời cao, biển rộng, khó nghĩ đến tận cùng. Trong kinh Báo ân cha, mẹ, đức Phật đã dạy rằng: Có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương... máu đổ, thịt rơi cũng không báo đáp được công ơn của cha, mẹ.
Không phải ngẫu nhiên mà người đời khẳng định: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ hoặc Mẹ là suối nguồn yêu thương. Công lao của mẹ, tình thương của mẹ dành cho con của mình không còn dừng lại ở định mức khái niệm nữa mà là một định nghĩa vô cùng chắc chắn và vững chãi bởi vì: Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi!
Ba, mẹ chính là người đã dành cho con mình cả một ngân hàng tình cảm mà không hề tính lãi suất. Nói vậy bởi sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ, vì chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn, mẹ nào có nề hà. Hy sinh tất cả vì con mà không có người cha, người mẹ nào ra điều kiện là sau này con mình phải báo đáp công ơn. Nói về mẹ, thường gắn liền với một phạm trù tình thương. Tình thương của mẹ dành cho con đó là sự nhẹ nhàng, ngọt ngào và ân tình lắm. Mà trong cuộc đời mình, nếu thiếu đi sự yêu thương, ngọt ngào ấy thì mấy ai có thể sống được và nên người? Nếu có thì e rằng đó cũng chỉ là sự vá víu và cằn cỗi...
Sinh con, nuôi nấng con nên người, mẹ đã đánh đổi nhiều thứ, là sức khỏe, là thanh xuân và cả máu và nước mắt. Để con được ấm no, hạnh phúc, mẹ đã nói dối một cách ngọt ngào đến kinh điển. Để nhường miếng cơm, mẹ bảo mẹ không đói; để có tấm áo cho con mặc, mẹ bảo mẹ không thích mặc đồ mới; để lo cho con một cuộc sống đủ đầy, ấm no, mẹ phải tần tảo sớm hôm, làm việc gấp ba và mẹ lại nói dối: mẹ không mệt. Vậy đó, vì con, mẹ có thể làm tất cả.
Tháng Bảy về, giai điệu tri ân, báo hiếu lại rộn ràng trong mỗi chúng ta. Giai điệu ấy càng nồng nàn, giàu xúc cảm hơn đối với những đứa con xa quê. Tháng Bảy, nghe những lời kinh trong ngày tăng tự tứ cầu cho quốc thái, dân an, cầu cho ba mẹ được siêu thoát nơi miền cực lạc, cho đấng sinh thành sống an yên, vui thú tuổi già là điều mà những đứa con tha hương mong mỏi. Tháng Bảy, với những đứa con xa quê vẫn có chút gì đó ngậm ngùi, đau đáu, có chút gì bâng khuâng vì:
Tháng Bảy trời mưa, mưa ướt nhèm đôi mắt
Vu lan này con vắng nhà mẹ ơi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin