Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật

QUỲNH UYỂN 15:52, 22/08/2023

(LĐ online) - Sáng 22/8, tại Ninh Bình, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới". 

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự có PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nhà báo Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS.TS, Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh - Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; và hơn 200 học viên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy phụ trách văn hóa, văn nghệ; cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ; Hội VHNT các tỉnh; cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; đội ngũ phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí, các nhà xuất bản, giảng viên các trường đại học khu vực phía Bắc và một số tỉnh,thành phía Nam (An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lâm Đồng. 

Trong đó, Lâm Đồng có 8 đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL, Hội Nhà báo tỉnh, Báo Lâm Đồng, Đài PTTH Lâm Đồng.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc PSG.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: "Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển VHNT thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới về tư duy nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với VHNT - “Một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa” như Nghị quyết 23 đã khẳng định. Thực tiễn đời sống VHNT nước nhà trong 15 năm qua diễn ra sôi động và có nhiều chuyển biến tích cực. Những khó khăn đối với VHNT từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho VHNT Việt Nam phát triển mạnh mẽ toàn diện. Hoạt động của các ban, bộ, ngành, địa phương, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, những kết quả quan trọng vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, yếu kém. Đó là việc chuyển biến nhưng chưa thật cơ bản trong nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của VHNT trong đời sống của đất nước; chưa tạo ra được sự phát triển đồng bộ giữa các khâu sáng tác, lý luận phê bình, phổ biến, lưu giữ và truyền bá tác phẩm. Sự gia tăng của xu hướng giải trí đơn thuần, thậm chí lệch lạc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT. Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng có tầm ảnh hưởng nhưng lại có những phát ngôn, lối sống thiếu chuẩn mực gây ảnh hưởng tiêu cực với công chúng, nhất là giới trẻ. Công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, VHNT của các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Mô hình tổ chức bộ máy của các Hội VHNT tuy có những đổi mới nhưng chưa mạnh mẽ và chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Các Hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ có uy tín, có chuyên môn và năng khiếu chuyên ngành. Chưa thu hút được một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ có năng lực, tài năng vào Hội. Cơ cấu của đội ngũ văn nghệ sĩ còn có mặt bất hợp lý, phân bố không đồng đều ở các chuyên ngành cũng như vùng miền. Vai trò tư vấn phản biện xã hội của các Hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được phát huy một cách đúng đắn. Công tác lãnh đạo chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức đến tính đặc thù, tính tinh tế của VHNT. Chưa thu hút được người có năng lực vào các cơ quan tham mưu, cơ quan hoạt động VHNT. Việc sáp nhập một cách cơ học các đoàn nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật mới ở khá nhiều địa phương gây nhiều khó khăn cho sự hoạt động các loại hình nghệ thuật…

Các học viên học tập với tinh thần nghiêm túc
Các học viên học tập với tinh thần nghiêm túc

Xuất phát từ thực tiễn, Hội nghị đặt ra mục tiêu giúp cho học viên củng cố, nắm vững quan điểm đường lối phát triển văn hóa - VHNT của Đảng và Nhà nước; kết quả và bài học đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Qua đó, giúp học viên nắm bắt đầy đủ sâu sắc hơn thực tiễn đời sống văn hóa VHNT trong tình hình lý luận phê bình VHNT hiện nay; nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, tư vấn, quản lý, công tác VHNT, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm luận điệu sai trái trong lĩnh vực VHNT, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. 

Trong 5 ngày diễn ra, từ ngày 22 - 25/8, hội nghị sẽ lần lượt nghiên cứu 6 chuyên đề: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Khái quát về tình hình văn học hiện nay; Đổi mới hoạt động của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương trước yêu cầu mới; Bàn về nhân vật trung tâm của văn học hiện nay; Công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay, thực trạng và yêu cầu phát triển; Công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, các học viên được đi tham quan thực tế tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính để tìm hiểu về di sản văn hóa, truyền thống lịch sử và tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch Ninh Bình.