Bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản Triều Nguyễn trong thời đại số

QUỲNH UYỂN 06:49, 28/09/2023

Công nghệ số đang giữ vai trò vừa là phương tiện, là công cụ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, góp phần lưu trữ, gìn giữ tính nguyên gốc, vừa giới thiệu một cách trực quan sinh động những giá trị đến với công chúng.

Đại biểu tham quan không gian số hóa mộc bản Triều Nguyễn
Đại biểu tham quan không gian số hóa mộc bản Triều Nguyễn

Đến với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV vào những ngày này, không gian “Con đường di sản” đã kể câu chuyện mộc bản từ khởi thảo cho đến khi hoàn thành bộ ván khắc, phải trải qua một quy trình chế tác hết sức nghiêm ngặt theo mệnh vua ban. Hiện lên màn hình là cảnh phê duyệt mộc bản trước khi đưa vào khắc, tiếng gõ lách cách trên gỗ thị, sự chuyển động của những động tác tỉ mẩn chạm khắc từng nét chữ ngược. Từ 200 năm trước, tại Triều đình nhà Nguyễn, để tác tạo nên mộc bản, không chỉ những người thợ vừa khéo tay vừa chữ đẹp khắc ngược chữ thành những bản in thô sơ, mà nội dung của nó còn là sự sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, sử học, những tri thức thời bấy giờ được khắc in thành sách. Quá khứ như hiện về nhờ công nghệ số. 

PGS-TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm giải thích: Mộc bản không phải là sách. Mộc bản không chỉ là sách. Mà là cái phôi để tạo ra sách. Nó đóng vai trò một máy in sơ khai dùng để truyền bá tri thức. Khi mộc bản ra đời ở thế kỷ thứ 8 ở Đông Á thì các sách vở được in ấn hàng loạt, không còn phải chép tay nữa, tri thức từ đó được truyền bá mạnh mẽ, tạo nên những dòng chảy văn hóa. Giá trị của mộc bản là truyền tải văn hóa, truyền tải tri thức và là sự định hình quyền lực về mặt tri thức. Có thể khẳng định, mộc bản có giá trị về lịch sử, giá văn hóa, giá trị khoa học. Riêng với mộc bản Triều Nguyễn thì thêm một giá trị nữa, vì ngoài giá trị là di sản thì nó còn mang giá trị của tài liệu lưu trữ, mang tính pháp lý.

Du khách tham quan không gian số hóa “Con đường di sản” tìm hiểu mộc bản 
Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV
Du khách tham quan không gian số hóa “Con đường di sản” tìm hiểu mộc bản Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

Sau quá trình di chuyển do biến cố lịch sử, mộc bản Triều Nguyễn với 33.971 tấm đã đến với Đà Lạt, ở lại Đà Lạt làm phong phú thêm di sản nơi đây, làm cho Đà Lạt trở thành một miền đất giàu nhân văn, ngày càng thêm níu chân du khách. Theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, mộc bản Triều Nguyễn là di sản văn hóa có một không hai của Việt Nam và trên thế giới. Với sứ mệnh giữ gìn di sản mộc bản Triền Nguyễn, trong suốt thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã trở thành một điểm đến có sức hấp dẫn cho du khách khi đến Lâm Đồng - Đà Lạt, nỗ lực đưa mộc bản Triều Nguyễn thành sản phẩm du lịch độc đáo. Là những thông điệp của cha ông truyền lại. Nhìn lại lịch sử tự hào về lịch sử làm hành trang vững chắc hướng đến tương lai. 

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng: “Nói đến mộc bản, châu bản thường gắn chặt với cố đô Huế. Nó là những tư liệu quý gắn bó với hồn cốt, với ý chí, tinh thần của dân tộc. Tôi vẫn thường nói đùa, chúng tôi ngoài Huế đang làm công tác lưu giữ phần vật thể, còn phần hồn là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang lưu giữ. Nhờ có cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 này, chúng ta có thể giới thiệu mộc bản, châu bản bằng nhiều hình thức, nó là một sự gắn bó hữu cơ. Những tư liệu cố đô Huế cần trong việc trùng tu di tích cũng dựa vào tư liệu ghi trong mộc bản, tư liệu ảnh, tư liệu nghiên cứu, là những chứng cứ để thực hiện trùng tu một cách nguyên gốc, không sai lệch, không thể phỏng đoán. Ngoài các giá trị về lịch sử văn hóa, mộc bản Triều Nguyễn có những giá trị thiết thực trong thời đại hiện nay”. 

Bảo tồn và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Từ 4 năm qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã thực hiện số hóa 3D kho mộc bản. Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cho biết: “Việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ luôn là nỗi trăn trở lớn của chúng tôi. Nhờ công nghệ số, chúng tôi đã giới thiệu tất cả những tinh hoa, những giá trị của đất nước được đến với công chúng bằng nhiều hình thức, truyền cảm xúc, truyền cảm hứng, trực quan sinh động, chứ không bó gọn, xơ cứng ở trong những tấm mộc bản, hay ở trong những dòng chữ, trang sách. Tất cả mộc bản đều được khắc bằng chữ Hán, khắc ngược lên rất khó. Vận dụng tất cả những thành tựu công nghệ số, Trung tâm đã trăn trở, tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu để đưa mộc bản đến với công chúng một cách dễ hiểu nhất, sống động nhất”.

Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, mộc bản đã mang một diện mạo mới, có hồn, có sức hút mạnh mẽ. Tham quan không gian số hóa “Con đường di sản”, lần đầu tiên, tại một Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, công chúng được trải nghiệm ứng dụng Hologram để hiểu về câu chuyện mộc bản bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping, thực tế ảo, thực tế tăng cường, để xem quy trình biên soạn và khắc in mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR để xem thông tin trưng bày… Đó còn là sự kết hợp hài hòa giữa khoa học công nghệ với nghệ thuật sáng tạo. Việc xây dựng hệ thống cở sở dữ liệu quy mô, các hoạt động đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền, triển lãm tài liệu lưu trữ trên môi trường mạng, việc ứng dụng các công nghệ mới nhất đã làm cho lưu trữ Việt Nam tự hào trở thành một trong những nền lưu trữ tiên tiến trên thế giới.

Từ việc phục hồi, chỉnh lý, biên soạn, sắp xếp cẩn trọng đưa đến công chúng tài liệu lưu trữ một cách dễ tiếp cận, dễ hiểu từ những ngày đầu; đến hôm nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã vươn lên tầm mới, sử dụng công nghệ số để tái hiện lại lịch sử một cách sống động, qua đó người xem hiểu cặn kẽ quá trình hình thành mộc bản, quy trình biên soạn, khắc ghi mộc bản, những nội dung trên mộc bản thể hiện qua công nghệ số, công chúng tiếp cận nguyên bản. Vừa kết hợp giữa truyền thống với hiện đại để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, để cùng nhau trân trọng gìn giữ giá trị quá khứ.

Hòa mình vào không gian trưng bày “Con đường Di sản” cùng xem kể chuyện mộc bản Triều Nguyễn trên nền tảng số, sức hút của mộc bản giờ đây còn được hỗ trợ của công nghệ nâng tầm tạo ra một diện mạo mới, cách tiếp cận mới thúc đẩy Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV trở thành một điểm hẹn của công tác lưu trữ giao thoa giữa công nghệ và văn hóa lịch sử. Đưa Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đặt chân đến Đà Lạt.