Phía sau các mẫu thiết kế thời trang thổ cẩm là những câu chuyện đời sống của cư dân bon Dà Làc (tên gốc của Đà Lạt, ghi theo âm vị tiếng K’Ho) được nhà thiết kế Minh Hạnh kể qua màu sắc, họa tiết, phom hình...
Thổ cẩm kể chuyện tình yêu |
Mở đầu là tiếng trống hội, âm nhạc trỗi lên, và những người con của núi rừng Lang Biang (cư dân bản địa Đà Lạt xưa) xuất hiện, từng người, từng người, chậm, chắc, trong ngần. Tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng người càng lúc càng thúc hối, sương đêm tan dần cùng những vũ khúc rộn rịp, ánh mặt trời bắt đầu ló rạng trên cao nguyên. Một bình minh mới đang tỏa khắp cao nguyên Lang Biang, dậy lan nơi gương mặt những đứa con của mẹ núi, sáng rõ trên những sắc phục thổ cẩm ma mị. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã “vẽ” một không gian đậm chất sử thi như thế, tại Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên, tạo bối cảnh để triển khai ý tưởng câu chuyện thời trang của riêng mình. Đó là câu chuyện kể về đời sống cư dân K’Ho rất đỗi dung dị, với nhiều hoạt cảnh mang tính biểu trưng: phụ nữ thì nền nã ngồi dệt thổ cẩm và đan plơ (túi đựng cơm), đàn ông thì phăm phăm cưỡi ngựa săn thú và bắt cá, nam thanh nữ tú thì ngỏ lời yêu đương, trẻ nhỏ thì chơi đùa, cụ già thì đẽo tượng, nặn gốm..., nhưng không kém phần tinh tế. Tất cả đều gần gụi và chân thực như chính cái cách người dân nơi đây tạo ra cuộc sống, văn hóa, những điển tích và huyền thoại. Đó còn là câu chuyện kể về nền văn minh thảo mộc, với hình thái kinh tế lúa đồi, cộng thêm một ít lúa nước, qua những hoạt cảnh trỉa lúa, suốt lúa, giã gạo, sàng, sảy... Cố nhiên không thể thiếu câu chuyện kể về thời trang thổ cẩm - những sáng tạo mới trên nền truyền thống, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. “Nếu ai đó vẫn còn e ngại khi gọi thổ cẩm là thời trang, tôi tin rằng qua những gì mình từng làm được với thổ cẩm, mọi người đã có cái nhìn khác về thổ cẩm và nhìn thời trang thổ cẩm bằng con mắt khác”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.
Thổ cẩm mang một sắc diện mới |
Quả vậy, ở miền cao nguyên này, mỗi tấm vải thổ cẩm là một hiện thân văn hóa, một biểu đạt mang tính biểu trưng, thể hiện bản sắc riêng của từng dân tộc. Nó cũng là câu chuyện của ký ức, tập tính của cộng đồng, ẩn chứa bao điều người xưa gửi gắm. Thổ cẩm cũng thể hiện mong ước của chính nó trong tương lai, bằng cách mở ra những con đường để tiếp cận đời sống đương đại, ví như việc hiện diện trên sàn diễn thời trang. Trong quá trình tìm về chất liệu thổ cẩm truyền thống, nhà thiết kế Minh Hạnh đã tạo ra một mạch chảy mới cho thổ cẩm từ việc khám phá ra rất nhiều vết tích văn hóa ẩn sau mỗi đường dệt, nằm trên từng họa tiết hoa văn. Nhờ trải nghiệm đầy cảm hứng đó, chất liệu thổ cẩm truyền thống đã được chị nâng tầm, phát triển thành một chất liệu mang cảm quan thời đại thông qua ngôn ngữ thời trang. “Thổ cẩm phải có những cách kể mới, kể bằng ngôn ngữ của hôm nay - ngôn ngữ đương đại”, nó gần như là một thôi thúc nội tâm thường trực trong con người nhà thiết kế Minh Hạnh. Những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm đa dạng về màu, sống động về chi tiết, cùng khả năng xử lý chất liệu tinh tế của chị đã nói lên điều ấy.
Chương trình do UBND TP Đà Lạt phối hợp với Công ty Vietnam Silk House tổ chức |
Một điểm độc đáo nữa là giữa nhà thiết kế Minh Hạnh với cộng đồng nghệ thuật ấy là việc chị chọn bối cảnh sân khấu cực đắc địa, để đặt “nhân vật chính” đúng nơi nó vốn thuộc về, từ không gian trình diễn, địa điểm trình diễn đến việc bố trí cảnh trí, phụ kiện, ánh sáng... đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Ý tứ trong lựa chọn ngôn ngữ, cách thức kể chuyện cũng rất mới, nhà thiết kế Minh Hạnh đã tạo nên không gian sống của dân bon Dà Làc đậm chất trữ tình. Ở đó, thổ cẩm vừa lạ, vừa quen. Ở đó, váy, áo thổ cẩm vừa dịu dàng, tha thướt, vừa phóng khoáng, ma mị. Ở đó, thổ cẩm vẫn ngày đêm rỉ rả kể những câu chuyện mới, chân thực và sinh động. Ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vietnam Silk House, tâm niệm: “Cứ bám vào di sản dân tộc, ấy là cách chúng ta bước ra thế giới, đến với thế giới”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin