Miệt mài giữ lửa nghề gốm truyền thống

QUỲNH UYỂN  06:03, 05/09/2023

Dù cả làng K’răng Gọ (xã P’ró - Đơn Dương) hầu hết đã bỏ nghề gốm truyền thống, nhưng hai chị em nghệ nhân Ma Bi (68 tuổi) và Ma Ly (60 tuổi) vẫn miệt mài giữ lửa nghề không bị mai một.

Hai nghệ nhân Ma Bi và Ma Ly trình diễn nghề gốm truyền thống Chu ru
Hai nghệ nhân Ma Bi và Ma Ly trình diễn nghề gốm truyền thống Chu ru

Nghề gốm của người Chu ru ở làng K’răng Gọ có từ thuở lập làng, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, người lớn truyền nghề cho người nhỏ, trong gia đình truyền nghề cho nhau. Trong tiếng Chu ru, K’răng Gọ nghĩa là làng làm nồi - là làng gốm duy nhất của người Chu ru ở Lâm Đồng. 

Bà Ma Bi kể, khi xưa cứ vào mùa khô, khi nắng miền rừng Đơn Dương chói chang, làng K’răng Gọ lại nhộn nhịp, đàn ông gùi đất, đốt lửa, đàn bà sàng đất, nhào, nặn gốm. Từ khi mới biết đi, chị em Ma Bi đã quen với mùi đất, lên 10 tuổi hai bà được cô ruột truyền nghề, được học hết mọi bí kíp của nghề gốm truyền thống để gốm đẹp, không bị rò rỉ, nứt nẻ qua quá trình nung. Gốm của người Chu ru từng đi khắp nơi đổi lấy gạo, muối, thổ cẩm của người Chăm, người Mạ, người K’Ho. 

Rồi cuộc sống phát triển, các vật dụng bằng nhựa, nhôm, inox, thủy tinh tiện lợi, gốm dần ít người mua, vì thế số người giữ nghề, theo nghề gốm cũng vơi dần. Là nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại của nghề gốm truyền thống Chu ru, đồng bào trong làng ai cũng quý chị em Ma Bi và Ma Ly bởi họ có đôi bày tay khéo léo, dành hết tình yêu với nghề, giàu tâm huyết giữ nghề truyền thống của cha ông. 

Nhìn hai người phụ nữ say sưa nhào nặn mới thấy gốm của người Chu ru trải qua nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, cầu kỳ mà sáng tạo và được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Tạo được một sản phẩm đẹp phải phụ thuộc vào kinh nghiệm từ khâu chọn đất, sàng đất, nhào đất, nặn nồi, đến khi phơi, cho vào nung, canh lửa vừa đủ. 

Để có nguyên liệu làm gốm, hai nghệ nhân Ma Bi và Ma Ly phải dậy từ sáng sớm lên núi Trôm Ụ cách nhà vài cây số đào lấy loại đất sét vàng đỏ mà chỉ ở dãy núi này mới có. Mang về phơi khô, giã nhỏ, dùng sàng tre lọc đi lọc lại nhiều lần cho ra một loại bột mịn, rồi nhào với nước, tạo nên một thứ đất sét màu sữa, đạt đến độ dẻo vừa phải. 

Không cần bàn xoay như cách tạo gốm của các dân tộc khác, các vùng, miền khác, cách tạo hình gốm của người Chu ru độc đáo, có một không hai. Đồ nghề chỉ là một miếng xốp phẳng bọc vải đặt trên chiếc ghế nhựa cao chừng nửa mét. Do không sử dụng bàn xoay nên Ma Bi vừa ép 2 tay lên khối đất, vừa di chuyển liên tục nhiều vòng xung quanh cái bàn đơn giản đó. 10 ngón tay liên tục xoay chuyển vào từng thớ đất để tạo độ tròn, độ cân cho sản phẩm. Trong sự kết hợp uyển chuyển điêu luyện, chân bước vòng quanh, đôi bàn tay vừa nặn vừa vuốt, miết tạo nên hình dáng cho sản phẩm. Phần thành nồi nặn trước, sau đó phần miệng được nặn sau, tùy cảm hứng, độ khéo mà nên hình, nên dạng, không có khuôn mẫu nào, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Khi đã thành hình, Ma Bi dùng miếng giẻ thấm nước vuốt láng mặt ngoài sản phẩm cho tròn đều, nhẵn bóng. Xong công đoạn tạo hình, sản phẩm sẽ được mang ra phơi cho khô, rồi lại lấy lá chàm đánh bóng cả mặt trong, mặt ngoài trước khi nung.

Không cần lò, gốm được xếp chồng thành cụm giữa sân, chất củi, cùng các phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, bã và cây ngô) rồi đốt lửa (như kiểu nướng khoai), tùy vào độ nung non hay nung già mà thời gian đốt lửa lâu hay mau, nhưng chỉ vài giờ là hoàn thành. Những vệt lửa bám vào, vệt ám khói tạo nên hoa văn độc đáo của sự thô mộc, giản dị, bền chắc. Gốm Chu ru mang vẻ đẹp mộc mạc với hai màu đỏ và đen. Gốm nung xong sẽ có màu đỏ đất tự nhiên, nếu muốn có màu đen chỉ cần nhúng qua vỏ trấu, chờ khoảng vài phút màu gốm sẽ tự động chuyển thành màu đen bóng.

Đưa ngón tay chai sần gõ vào những chiếc ấm, chiếc nồi, những âm thanh vui tai vọng lên từ vòm không gian trong sản phẩm nghe rất vui tai, Ma Bi cười hiền. Gốm Chu ru còn mang màu sắc tâm linh, gõ vào mỗi vật dụng khác nhau lại vang lên những cung bậc âm thanh khác nhau. Nếu người sành nhạc lý có thể dùng các vật dụng to, nhỏ, dày mỏng, dài ngắn, hình dạng khác nhau xếp thành thang âm mà tấu nên thành bản nhạc với đầy đủ cung bậc trầm bổng. 

Chứng kiến bàn tay khéo léo, bền bỉ miết lên từng sản phẩm, nâng niu từng vật dụng mình tạo ra như những đứa con tinh thần mới thấy sự vất vả của nghề và cả tình yêu của Ma Bi, Ma Ly dành cho nghề. Công phu là vậy, nhưng đầu ra sản phẩm tiêu thụ rất ít nên không ai còn muốn theo nghề. Niềm vui cũng là niềm an ủi hai chị em Ma Bi, mỗi lúc hai bà làm gốm, đám trẻ trong thôn vây quanh, bà vẫn vừa làm vừa giảng giải cho chúng những kỹ thuật cơ bản như nặn cho tròn, miết cho bóng, xoay quanh cho đều với mong muốn thế hệ con cháu giữ lấy nghề truyền thống.

Từ năm 2014, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long về quản Giáo xứ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương), qua quá trình tìm hiểu văn hóa bản địa, cha xứ đã quan tâm khôi phục nghề gốm của đồng bào Chu ru. Bên cạnh Bảo tàng văn hóa Chu ru trưng bày các hiện vật di sản văn hóa vật thể, vị Linh mục đã dành một không gian rộng để trưng bày, sắp đặt các sản phẩm gốm Chu Ru do hai nghệ nhân Ma Bi và Ma Ly tác tạo. Được giáo xứ hỗ trợ và gợi ý phát triển mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm đã tạo động lực cho hai nghệ nhân yên tâm làm nghề. Ngoài các sản phẩm truyền thống chủ yếu là nồi, ấm, bát, tô phục vụ đời sống sinh hoạt, hai bà đã tạo ra nhiều sản phẩm hơn với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, tạo hình sản phẩm trang trí đẹp mắt: bình cắm hoa, lọ bút, khay, tượng… thích ứng với thị trường hàng hóa. Để phù hợp nhu cầu của khách hàng, nghệ nhân Ma Bi đã trang trí thêm nhiều hoa văn lên sản phẩm gốm của mình, như hình vẽ hoa, cỏ, voi, trâu. Gốm Chu ru đã vượt ra khỏi buôn làng được nhiều du khách biết đến, mua làm quà khi đến tham quan nhà thờ Ka Đơn. 

Tự hào với nghề truyền thống độc đáo của dân tộc mình, hai nghệ nhân Ma Bi và Ma Ly còn đem nghề gốm đi trình diễn nhiều nơi để bạn bè khắp mọi miền đất nước cùng biết đến. Thực hiện Quyết định số 1776 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, một lớp truyền nghề làm gốm đã được địa phương tổ chức đã tạo điều kiện để hai nghệ nhân Ma Bi và Ma Ly truyền thụ bài bản các công đoạn làm gốm và truyền niềm tự hào cho 20 người trẻ tuổi trong làng. Hai người phụ nữ đã dành hết tâm huyết truyền nghề truyền thống của cha ông với niềm tin tạo ra một lớp trẻ kế tục, tiếp nối nghề để nghề gốm của người Chu ru không bị mai một, thất truyền.