(Đọc "Ngoài mây trời đầy trống vắng" - tập thơ Đoàn Văn Mật(*) - NXB Hội Nhà văn, 2023)
Ngoài mây trời đầy trống vắng" là một ấn tượng không thể nào ấn tượng hơn. Giả sử "ngoài mây" mà không có "trời đầy" thì không nói hết được sự trống vắng. Vậy "đầy" là một ấn tượng, như chiếc nắp đậy cái nồi không gian trống vắng lại, cho trống vắng đầy hơn lên...
Cứ như thế, tôi lật từng trang "ngoài mây". Chầm chậm đọc. Và bắt gặp hồn thơ ở đây:
chầm chậm ngân nga
giọng nói của mẹ
ngày xưa sao bình yên thế
(Chầm chậm)
Ôi câu thơ làm nghẹn lòng ta, bởi cái đơn sơ, nhỏ bé của nó. Một người mẹ Việt Nam âm thầm nhỏ nhẹ, đã khiến cả không gian, thời gian lùi lại trước giọng bà. Cái "ngày xưa" qua giọng nói miền Bắc thấm đẫm hương vị hoài cổ...
Quả thật, "cây mỗi mùa, mỗi vắng" đi rồi...
Người có câu thơ làm cho thời gian lùi lại, cũng có câu thơ làm cho thời gian trôi đi, không dễ. Đó là tiết tấu Đoàn Văn Mật. Chầm chậm mà hay... Và nếu thơ hay được làm bằng cảm xúc, thì Đoàn Văn Mật đã thành công trong câu thơ sau đây:
Gió thổi mạnh
ban mai rót vào tôi
(Ban mai)
Một chữ "rót" rất đắt, đã rót vào đây, làm cho câu thơ long lanh, lóe sáng. Một ban mai "dễ vỡ" như thế không thể không xao xuyến một hồn thơ...
Trong "Bông sen chớm nở", tôi đọc qua chỉ thấy mơ hồ. Nhưng chậm lại là sự hóa thân kỳ diệu. Từ một bông sen đến cô gái áo đỏ, và cuối cùng là đức Phật Bà thị hiện:
tôi chấp tay ngồi niệm
trước tôi, đức Phật bà
....................................
búp sen vừa chớm nở
trong giấc mơ đêm qua
Sự chớm nở đã làm thơm tho cõi thơ trần gian là thế. Nhưng trần gian có khi chỉ là chiếc bóng:
ngơ ngác gặp một người đi biệt
bóng ngang qua hoa đại trắng chập chờn
(Một đêm mùa thu)
Chiếc bóng ngang qua hoa đại trắng là nỗi nhớ ám gợi từ nhà số 4. Nhưng chợt đứng giữa trời xanh Yên Bái, thì người lính trong anh mới thật là mình:
Những hàng cây buông súng
Đứng nhìn trời hoang vu
(Yên Bái)
Người lính cô đơn ư? Không phải cô đơn, mà cao hơn cô đơn nên chất thi sĩ bật ra thứ tình yêu lãng mạn nhất. Yêu một cõi đất trời hoang vu không có sự xâm phạm của con người!
Đúng thế, giữa thời đại bề bộn này, nhà thơ là người đi tìm sự lắng đọng cho tâm hồn mình. Nội hàm ấy có thể viết thế này:
Gom tất cả lãng quên
vẽ một người im lặng
(Vẽ một người)
Đó là bóng dáng Đoàn Văn Mật - một cõi thơ lặng thầm vẽ nên cái đẹp của sự thầm lặng. Thơ anh vì thế đã trở thành mạch ngầm trong dòng chảy văn học hiện đại. Không rình rang mà vô cùng sâu sắc, nhỏ bé thôi mà lóe sáng diệu kỳ. Tôi bỗng yêu bài thơ "Con mèo trên ban công" của Mật, hiền từ như giọt sương. Và đôi mắt ám tượng:
với đôi mắt lấp lánh
xanh hơn tất thảy nỗi buồn
Thật tài hoa. Tôi cho rằng đây là hai câu thơ hay nhất trong phép cân đo nỗi buồn, nó khiến ta thảng thốt nhận ra bóng dáng nội tâm của Mật. Có lẽ thơ Mật thừa hưởng nét văn hóa phương Đông, nên sự chắt lọc kiệm lời, tinh tế và kín kẽ là những liên mạch kết nối tâm hồn nhà thơ. Người đọc thơ Mật phải nắm được "chiếc chìa mật mã" này để đi vào vùng trí tưởng của anh. Loại "ngôn ngoại" mà nhà thơ sử dụng dường như luôn ẩn hiện phía sau ngôn từ:
những bông hoa sau lưng
hương bay thầm trước mặt
(Sau lưng)
Câu thơ dâng lên cách nhẹ nhàng và vô cùng biến hóa. Với thi pháp làn hương độc đáo, ý thơ long lanh vừa huyền ảo vừa hiện thực đem đến cho người thưởng ngoạn một trải nghiệm thiền đặc sắc của cái "có có... không không...".
Không chỉ có vậy, tập thơ còn để lại cho chúng ta dư vị về mùa thu:
thu vẫn còn một lối cúc để đi
hoa vàng quá làm buổi chiều sa ngã
(Lối cúc)
Không có sa ngã nào đáng sa ngã bằng "buổi chiều sa ngã" cả, bởi sắc vàng của loài hoa cúc mùa thu. Một đắm đuối, hai đắm đuối không thể nào gỡ ra được, nên nữ sĩ Xuân Quỳnh đã viết "mùa thu vào hoa cúc/ chỉ còn anh và em...".
Xuân Quỳnh nói quá đúng, nếu có tri kỷ thì quả thật chỉ có anh và em. Vì thế, mỗi ngày Mật viết:
ngày ra phố cầm vài tia nắng
đêm về sưởi ấm tay em
(Mỗi ngày)
Câu thơ tuyệt hay về độ dung dị, và sâu sắc về độ lan tỏa. Nó nhẹ như không hề nói gì, mà cả trần gian lạnh giá.
Vì thế, trong những lần truy vấn cuộc đời, Đoàn Văn Mật đã nhận ra một chân lý: "con người/ ăn/ con người, sự sống/ ăn/ sự sống, cái chết/ ăn/ chính mình..." là những đoản thơ đồng với quan niệm "thành trụ hoại diệt" của Phật giáo. Con người ăn con người là sự chuyển hóa. Cái chết ăn chính mình là hoại diệt.
Nhìn rõ quy luật đó, không ai khác, chính nhà thơ bằng vốn sống của mình đã hình thành những câu thơ như những châm ngôn về lẽ sống ở đời:
ra đến biển thì mất
dừng ở sông thì còn
(Bên bờ cát)
Đoàn Văn Mật nhiều lần nói như thế bên bờ cát, với hàm ý thì ai cũng biết, nó có giá trị đánh thức con người. Riêng tôi, câu thơ hay chầm chậm rớt vào tôi khi nào không biết. Cho đến khi giật mình trước câu thơ phát lộ:
Khi ta nằm xuống
thân thể là bài thơ cuối cùng
(Vọng)
Câu chữ bình thường, nhưng ý thơ vọng lại... nghĩa thơ vỡ vạc...
Nó chiếm lĩnh ma trận của người làm thơ. Bởi người thơ chân thực, đúng nghĩa thân xác họ chính là bài thơ trọn vẹn. Và lúc họ nằm xuống cũng là lúc bài thơ cuối cùng được viết nên. Cái được viết nên ấy không phải là dấu chấm hết, mà tùy theo âm hưởng nó găm vào, sâu hay cạn mà thôi.
Đoàn Văn Mật với hành trình kiếm tìm vùng khí quyển cho thơ, đã gõ vào đời một tập thơ có độ vang vọng. Đó là tín hiệu đáng mừng của một tài thơ lặng lẽ, nhưng không kém phần mãnh liệt....
(*) Nhà thơ Đoàn Văn Mật - Trưởng Ban thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin