Quà của Thần Núi

Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG 06:48, 28/09/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

- Úm ba la. Úm ba la. Xem ông Thần Núi gửi quà gì cho bé Nhi nào?

Chú Thanh - em trai bố - đưa hai tay qua đầu, xoay ba vòng. Hai tay chú úp vào nhau như một búp sen. Trong búp sen ấy là món quà của Thần Núi. 

Năm nào cũng như năm nào, chú Thanh thường đến nhà Nhi chơi vào dịp trung thu. Mùa trung thu đón trăng, cũng là khi thi thoảng, dăm cơn bão bất thình lình như vị khách không mời ghé ngang qua thành phố. Như hôm nay, chú Thanh đến nhà vào giữa trưa, giữa cơn mưa tầm tã kéo dài từ sáng sớm tới giờ chưa có dấu hiệu ngưng tạnh. Và kiểu gì trong túi chú cũng có thêm một ít nan tre, giấy bóng kiếng đủ màu để chú cháu cùng hì hụi làm đèn ông sao, mặc kệ cơn mưa to ồn ã ngoài kia. Đợi khi mưa ngớt, trăng lên, Nhi thường tự hào xách chiếc đèn lung linh mà mình cũng đã góp công góp sức vào đấy, không phải như những chiếc đèn mua ở chợ của lũ bạn. 

Mẹ dĩ nhiên không biết niềm tự hào ấy (người lớn thường tự hào về những điều to tát hơn vậy nhiều lần cơ), lại xót chú đội mưa, đội bão mà đến nên thường càm ràm mỗi khi thấy chú ướt nhẹp từ đầu đến chân: Đèn ông sao giờ đầy ngoài chợ, quà cáp thì khi nào tiện đưa sau, cớ gì phải cứ nhằm ngay ngày mưa mà đến? Chú Thanh cười khì, bảo kệ đi mà, mỗi năm chỉ có dăm ba dịp để cùng chơi và tặng quà ý nghĩa cho trẻ con mà thôi.

Chú Thanh là thợ chế tác đá mỹ nghệ ở một miền núi xa. Từ bàn tay chú, một cục đá vô tri có thể hóa thành những đồ vật rất đẹp. Nào là một chú chim sẻ nhỏ xíu có đôi cánh mướt mượt sáng bóng, con mèo có dáng điệu đà. Nào là cô gái ôm đàn mặc áo dài dịu dàng, cậu bé Pinochio có mũi dài nhọn.

Vài năm trước, khi còn nhỏ, Nhi tin sái cổ rằng, những món quà chú Thanh mang về cho mình là quà tặng của Thần Núi. Nhưng sau vài năm đi học, biết rằng các ông thần chỉ đến từ tưởng tượng, làm gì có thật trên đời này, Nhi không còn tin vào chuyện Thần Núi nữa. Cô bé biết tất cả những món quà đó là của chú Thanh. 

- Đố bé Nhi đoán nhé, món quà này là chuỗi tròn tròn, lấp lánh…

- Thôi, cháu chẳng đoán. Chắc là chú lại đẽo ra con gì đó chứ gì? 

Bỗng dưng Nhi hơi xẵng giọng. Mẹ và bố ngạc nhiên nhìn vì chưa bao giờ Nhi có thái độ như thế. Trong khi đó, chú Thanh hơi ngại ngần. Chú cố đánh trống lảng:

- Không phải con gì đâu. Thôi, chú thử gợi ý thêm cho dễ đoán nhé… 

- Chú làm con gì thì chú biết, chứ làm sao cháu biết? - Cháu đi ngủ đây.

Nói rồi, Nhi đứng dậy đi thẳng vào phòng. Bố gọi giật giọng: “Ơ này, Nhi…” nhưng Nhi vờ như không nghe. Có cái răng mọc lệch chỗ vừa nhoi lên khiến Nhi đau ê ẩm trong hàm, chẳng muốn trò chuyện, quan tâm gì khác ngoài chuyện cái răng bao giờ thì hết đau.

Cuối cùng, mệt quá Nhi cũng thiếp ngủ. Trong chập chờn giấc ngủ, có lúc he hé mi mắt, nhìn ra bên ngoài ô cửa, Nhi thấy dáng gầy gò của chú Thanh ngồi một mình làm đèn ông sao. Có chút áy náy gợn lên nhè nhẹ trong lòng, nhẽ ra bình thường Nhi sẽ chạy vòng quanh lấy dao, lấy kéo gì đó phụ chú vuốt nan, cắt giấy kiếng màu. Nhưng Nhi mặc kệ. Mí mắt lại kéo sụp xuống rồi.

Buổi sáng ngủ dậy, chú Thanh đã đi rồi. Chú treo chiếc đèn ông sao mới tinh nơi cửa sổ cạnh giường Nhi nằm. Một chiếc đèn ông sao có vẽ thêm đôi mắt lúng liếng và miệng cười thật tươi. Bình thường, chắc hẳn Nhi sẽ toét miệng cười lại khi nhìn chú Thanh vẽ xong miệng cười cho ngôi sao, nhưng nay răng vẫn còn đau, chẳng ai muốn cười nổi. Sau một ngày mưa dài, những tia nắng ban mai mềm dịu len nhẹ qua ô cửa sổ. Trên bàn là chuỗi vòng đá thiên nhiên hạt lớn hạt nhỏ, hạt tròn hạt méo kề nhau, nắng chiếu ánh lên trong veo lấp lánh tuyệt đẹp. Chữ chú Thanh viết vội: “Tặng bé Nhi, quà của Thần Núi. Chúc con chơi trung thu thật rộn ràng với các bạn nhé, và luôn thật vui nhé cô bé ngoan!”.

- Con nói đúng rồi, chuỗi vòng ấy được chú Thanh làm. Chú làm tỉ mẩn từ một cục đá đẹp chú tìm được trong núi đấy! 

Mẹ đã đến bên Nhi từ lúc nào. Giọng mẹ có vẻ buồn buồn.

- Con nghĩ, bao lâu để thiên nhiên có thể có được một hòn đá đẹp vậy trên đời? Và rồi, bao lâu có thể biến những hòn đá thành chuỗi hạt? Chưa kể tới việc mất công vượt cả mấy trăm cây số để đến chơi với gia đình mình, chỉ để làm cho con chiếc đèn ông sao, tặng cho con một món quà vào dịp trung thu. Vậy mà con lại có thái độ không phải với chú…

- Thực ra vì con đau răng, con không muốn nói chuyện. 

- Con không muốn nói chuyện thì vẫn có thể chia sẻ một chút về vấn đề của mình để cùng chia sẻ. Đó mới là cách hành xử đúng, chứ không phải trút sự khó chịu của mình lên người khác. Đúng không nào?

* * *

Lần đầu mẹ kể cho Nhi nghe về nỗi đau lớn trong đời chú Thanh. Ngày xưa, mẹ sinh Nhi đầu năm thì thím Hà - vợ chú sinh em Bo giữa năm. Hai đứa nhỏ sàn sàn tuổi nên trông y như trứng gà, trứng vịt lớn lên bên nhau. Mùa lũ năm Bo lên 4, em bị nước lũ cuốn trôi khi trốn bố mẹ theo mấy anh chị hàng xóm ra sông bắt cá. Chú Thanh gần gũi Nhi nhiều hơn các anh chị em khác trong gia đình có lẽ vì Nhi bằng tuổi Bo, ngày xưa hai đứa lại hay chơi với nhau. Mỗi lần mua quần áo cho Bo, chú không quên chọn thêm cho Nhi, những bước chân chập chững của cả hai đứa đều cứng cáp hơn nhờ những buổi chiều chú Thanh tập đi cho… 

- Chú Thanh không vì nỗi đau lớn của mình mà quay lưng lại với mọi người. Chú tìm sự sẻ chia nhiều hơn từ gia đình mình. Vậy mà Nhi, chỉ vì cái răng đau mà… - Mẹ ngừng nói. Chỉ cần vậy thôi, đủ để Nhi hiểu rồi.

Nhi lặng đi. Không phải vì đang nghĩ đến cái răng đau mà nghĩ tới hành động của mình tối qua. Mẹ đã quay đi, cô nhỏ vẫn ngồi một mình thật lâu trong phòng, tay ôm ghì chú vịt bông quen thuộc và úp mặt lên đó. Nước mắt trào qua khóe mi, thấm vào chú vịt nhỏ. Nhi đã lớn rồi, đã biết giấu nước mắt của mình.

Và đã lớn thì phải biết nói năng, hành xử sao đó cho đúng khi mình mắc lỗi. Nhi vẫn nhớ như in lời mẹ dặn nhưng nghĩ hoài không ra cách mở đầu câu chuyện với chú Thanh như thế nào. Nói thật lòng bao giờ cũng dễ hơn tìm cách tránh né loanh quanh. Nhi gọi điện chú Thanh, cảm ơn vì món quà tuyệt vời từ Thần Núi và kể về cái răng đau đã khiến mình bực bội vô lí. Chú Thanh cười ha hả bên kia máy, nói Thần Núi hiểu mà, và nhất định lần sau ông thần sẽ gửi quà đến nữa.

Lần sau, Nhi sẽ không bao giờ để kệ chú Thanh một mình ngồi làm đèn nữa. Chiếc đèn đáng yêu thế này, nhất định Nhi phải có góp công gì đó để khoe với bạn bè khi đi rước đèn mới vui thật là vui chứ. Nhìn về phía đèn ông sao vẫn đang toe toét cười, bất giác Nhi nhoẻn miệng cười đáp lại. Cái răng đau đã bị lãng quên nên chẳng còn đau tí tẹo nào nữa rồi.



Liên kết hữu ích