Không gian văn hóa ẩm thực Bon Tơr Nun từ ý tưởng đến đầu tư xây dựng đều hướng vào các yếu tố văn hóa bản địa trên địa bàn xã Tà Nung (TP Đà Lạt). Qua đó không chỉ trở thành điểm đến cho khách du lịch mà còn là nơi để bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trong xã giao lưu, tự hào về những giá trị văn hóa tộc mình.
Một góc trưng bày ở Không gian văn hóa Bon Tơr Nun |
Xã Tà Nung hiện có 1.330 hộ dân với 5.464 nhân khẩu, trong đó 50% dân số là người đồng bào DTTS nên có những yếu tố văn hóa khá đa dạng mang lại nhiều lợi thế để phát triển du lịch văn hóa.
Nếu như trước kia, trên địa bàn xã khá đìu hiu và đơn điệu cả trong phát triển kinh tế, văn hóa, đời sống của người dân thì hiện trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều điểm du lịch vườn, khu vui chơi khám phá kết hợp cà phê, ẩm thực và hút khách du lịch mỗi dịp cuối tuần. Trong số đó, ấn tượng nhất phải nhắc đến Không gian văn hóa ẩm thực Bon Tơr Nun (Thôn 2, xã Tà Nung, TP Đà Lạt).
Không gian văn hóa ẩm thực Tây Nguyên Bon Tơr Nun rộng hơn 2.000 m2. Có lẽ đây là điểm văn hóa ẩm thực duy nhất của xã được gầy dựng từ ý tưởng giới thiệu nét đẹp văn hóa của người đồng bào DTTS Tây Nguyên nói riêng và Lâm Đồng nói chung ở xã. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Thoa - chủ Không gian văn hóa ẩm thực Tây Nguyên Bon Tơr Nun cho biết: Không gian văn hóa này được chị cùng với một người cộng sự vô cùng hiểu biết và yêu văn hóa Tây Nguyên tâm huyết dựng lên với mong muốn có điểm văn hóa ẩm thực đậm nét Tây Nguyên ở địa phương vốn có đến 50% người DTTS đang sinh sống.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu văn hóa ẩm thực Bon Tơr Nun, chị Thoa tự hào giới thiệu từng khu vực thiết kế, xây dựng, phục dựng lại khung thiên nhiên vùng đất Lâm Đồng như cảnh thác nước, dòng sông, con suối nhỏ, ngôi nhà sàn,... tất cả được phục dựng theo kiểu thu nhỏ khá chi tiết, tỉ mỉ. Phía trên căn nhà sàn là khu trưng bày các công cụ, dụng cụ từ dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, dụng cụ lao động, đến các bộ chiêng, bộ ché... của bà con dân tộc K’Ho.
Để xây dựng được không gian nêu trên, chị cho biết đã cùng cộng sự tham khảo và mời nhiều nhà nghiên cứu am hiểu về văn hóa Tây Nguyên hỗ trợ để giàn dựng lại. “Chúng tôi nghĩ rằng, làm du lịch, đặc biệt là du lịch gắn với văn hóa của người bản địa thì yếu tố quan trọng nhất chính là phải làm sao phục dựng cho đúng để góp phần lưu giữ, truyền bá và bảo tồn những nét đẹp của đồng bào DTTS ở đây. Làm tốt phần đó trước thì mới có thể từ đó phát triển kinh tế và được bà con tin tưởng cộng tác. Chính vì vậy, mà quá trình làm đã phải nhờ rất nhiều chuyên gia để đảm bảo yếu tố văn hóa. Ngay cả các vật dụng được trưng bày, cách trang trí, bố trí như thế nào chúng tôi cũng đều phải nghiên cứu và nhờ tư vấn” - Chị Thoa chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, lãnh đạo UBND xã cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa truyền thống của bà con dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên mặc dù được quan tâm nhưng vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi Tà Nung mặc dù có tỷ lệ người DTTS khá đông, nhưng hầu hết lại là người di cư từ nơi khác đến, nên việc tìm kiếm những người già làng hiểu biết sâu về văn hóa rất khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2022, xã cũng đã tổ chức đào tạo được 1 khóa cồng chiêng cho 3 lứa tuổi là người lớn, thanh niên và trẻ em. Trên địa bàn hiện cũng có một số điểm tổ chức các hoạt động múa hát cồng chiêng như cà phê Mê Linh. Tuy nhiên, sự ra đời của Không gian văn hóa ẩm thực Bon Tơr Nun phát triển hướng vào văn hóa bản địa trên địa bàn xã Tà Nung và mang lại tín hiệu vui, bởi đây là điểm đến cho khách du lịch, nơi để bà con DTTS của xã giao lưu, tự hào, bảo tồn văn hóa tộc mình. Phía xã rất khuyến khích các hoạt động mang đậm tính chất văn hóa, đặc biệt là văn hóa của bà con DTTS trong vùng như vậy và cũng đã có nhiều động viên, hỗ trợ với hy vọng, khu văn hóa ẩm thực này sẽ góp phần vào việc gìn giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa của người bản địa.
Hiện nay, không gian văn hóa ẩm thực đang tổ chức các hoạt động giao lưu cồng chiêng, múa hát cồng chiêng, kết hợp giới thiệu các món ăn ẩm thực truyền thống đồng bào DTTS Tây Nguyên. Ngoài ra, tại đây còn tổ chức trưng bày, giới thiệu các vật dụng, dụng cụ truyền thống của người DTTS của bà con trong vùng. Hoạt động này đã đồng thời góp phần tạo việc làm, giúp bà con có nơi để giao lưu, trao truyền và giữ nghề, thắp lên sự tự hào về văn hóa truyền thống của mình từ đó lan tỏa thêm động lực và niềm tin để cùng gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và nét độc đáo riêng, nhưng việc đầu tư phát triển các mô hình du lịch văn hóa bản địa vẫn chưa tương xứng. Xã Tà Nung hiện đang tiếp tục triển khai những mục tiêu và nhiều nhiệm vụ nhằm phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của xã. Khó khăn, nhưng cứ từng bước, từng việc; địa phương và cả những người đang tổ chức các hoạt động này chia sẻ rằng, qua từng các hoạt động, mong sẽ “mưa dầm thấm lâu” để từ đó những nét đẹp văn hóa của bà con DTTS ở đây có thể được duy trì và từ từ lan tỏa mạnh mẽ ý thức lưu giữ, phát triển nét đẹp, sự độc đáo ấy trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin