Đã tràn ngân nỗi mong manh
Tiếng chim đẩy khoảng ngày xanh sang mùa
Vàng như tự nắng, tự mưa
Tự lòng đất, tự trời xưa nhuộm về
Xanh lên đã kiệt sức hè
Nắng nồng theo lối hồn ve lìa ngàn
Vườn chiều rộn lá thu sang
Heo may ngậm mảnh trăng vàng rong chơi.
ĐỖ TRỌNG KHƠI
• Lời bình:
Nếu như nhà thơ Hữu Thỉnh có bài thơ viết về khoảnh khắc giao mùa từ hạ vào thu nổi tiếng là “Sang thu” với bao tâm trạng cung bậc đan xen: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nữa mình sang thu” vừa mơ hồ vừa ảo ảnh có chút tiếc nuối buâng khuâng thì nhà thờ Đỗ Trọng Khơi lại có một thi ảnh khá hay “Thu sang” cũng ngân vọng, cũng da diết, cũng lay đọng với nhịp thơ lục bát chậm rãi bao chiêm nghiệm như dạt về một miền kí ức với bao níu kéo. Một “Thu sang” vừa chớm giao mùa với bao linh cảm.
Đó là bắt đầu “Đã tràn ngân nỗi mong manh/ Tiếng chim đẩy khoảng ngày xanh sang mùa”. Chỉ nghe tiếng chim thôi đã mở ra một không gian mới với sự dịch chuyển thời gian mới đó là “ngày xanh sang mùa”. Trời thu xanh, cây lá trong vườn đã bớt đi cái nắng nồng nàn chói chang ngày hạ để nhuộm cả “ngày xanh” một xanh trong lòng người, một xanh trong thiên nhiên và xanh cả trong ước vọng như là tình yêu cuộc sống trở lại thời thanh xuân. Bắt đầu là âm thanh là “ngân nổi mong manh”, cảm giác thơ như là một khúc biến tấu để chuyển từ xanh sang vàng, một giấc vàng đong đầy “Vàng như tự nắng, tự mưa/ Tự lòng đất, tự trời xưa nhuộm về”. Một mùa thu vàng, mùa lá vàng, một thổn thức của thời tiết tâm trạng. Một sắc vàng thật đẹp, thật lộng lẫy ánh sáng của một hào quang đất trời, của mưa nắng. Tất cả sự chuyển đổi sắc màu chiếu dọi đã nới rộng cảm xúc vũ trụ cho ta cảm nhận “thu sang” với bao rạo rực tinh khôi, với bao sinh thành đắp bồi dâng hiến.
Ở đây, khúc giao mùa thêm rõ rệt khi “Xanh lên đã kiệt sức hè/ Nắng nồng theo lối hồn ve lìa ngàn”. Hè đi qua cũng là lúc tiếng ve đã tắt, thân ve đã lột xác, hồn ve đã lìa ngàn. Ở đây nhà thơ dùng một hình ảnh tương phản “kiệt sức hè” mà hàm chứa được bao sự chuyển dịch mùa, chuyển dịch tâm trạng, chuyển dịch trạng thái thời tiết. Chỉ một từ “kiệt” mà vắt hết bao nghiệt ngã oi nồng, chang chói của mùa hè đã tràn về một màu xanh thu. Cái hay của tứ thơ là nhà thơ đã dùng âm thanh làm giai điệu chính để sự vận động cảm xúc từ thực tới ảo, từ rõ rệt đến mơ hồ. Thơ hay là thơ nhiều cảm giác một tần số rung động cao hơn cảm xúc thật tinh tế, thật nhạy cảm khi nhà thơ nghe được cả “Vườn chiều rộn lá thu sang”. “Rộn” là âm thanh, một sum vầy đan cài như sẽ chia, như đồng hành để tới một câu thơ hay nhất kết bài thật ám ảnh mà vẫn bay bổng, lãng mạn phiêu diêu “Heo may ngậm mảnh trăng vàng rong chơi”. Cái màu vàng của ánh trăng thu đã nhuộm, đã lan tỏa, đã thẩm thấu vào cả gió heo may, ngọn gió mở ra một cõi mộng mơ với biết bao da diết. Đó cũng là mở ra cánh cửa để vào “Thu sang”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin