Trường mới, nơi kì lạ…

Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG 06:08, 07/09/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

“Nhoằng một cái, đã vào cấp hai…”. Sáng nay, mẹ Thảo viết như thế trên facebook của mình trong buổi sáng khai trường bắt đầu năm cấp hai. Mẹ đăng kèm tấm hình ngày Thảo và Tiên nắm tay nhau vào lớp 1. Hai bạn cùng chung dãy phố, từng học chung lớp với nhau ba năm mẫu giáo, chung 5 năm tiểu học, giờ lại học chung 4 năm cấp 2. Có cái nắm tay của cô bạn chung phố, cả hai đều cảm thấy bớt sợ hãi, bỡ ngỡ đi nhiều lần.

Nhiều bạn không có ai thân quen để nắm tay vào chung lớp, không tránh khỏi bỡ ngỡ. Kỷ niệm ngày đầu vào tiểu học còn nhớ như in trong Thảo. Ồ, sao cái trường gì kì vậy, toàn bàn với ghế xếp thẳng hàng với nhau, không thấy đồ chơi đâu cả? Thật chẳng giống trường mầm non thân thương. Bạn Việt còn sợ quá khóc nấc lên, tè cả ra quần khi một ngày dài không thấy ai quen. Có bạn tự dưng nhớ mẹ, gào to gọi mẹ, làm cả mấy đứa mít ướt cũng rền rĩ khóc theo.

Cấp 2 dĩ nhiên không còn những cảnh mắc cười ấy. Nhưng cá với bạn là ngày đầu bước vào cấp 2 cũng chẳng mấy ai không bỡ ngỡ đâu. Rõ là ở trường cũ đang là các anh lớn, chị lớn, bỗng dưng thành bé nhất trong trường cấp 2 khi bước vào lớp 6. Chưa kể, cả mấy chục gương mặt, dù có lúc vui, lúc giận nhưng đã thân quen với nhau lắm, nay tản mát đi qua các trường, các lớp khác cả. Đứa nào may mắn lắm mới có vài ba bạn chung lớp tiểu học vào chung trường, lớp mới.

- Hé lô bà già đau khổ…

Thảo ngoảnh lại khi nghe tiếng chào quen thuộc của Trâm “độc lạ”. Cô bạn siêu bắng nhắng, luôn gây bất ngờ vì sự dí dỏm của mình nên bị đám bạn gọi tên kèm theo hai chữ “độc lạ” kể từ khi có Chương trình Độc lạ Bình Dương. Bên cạnh Trâm “độc lạ” là Phú “biết tuốt”.

- Này, mình không hề đau khổ nhé, mình vừa có một mùa hè rất vui. - Thảo đáp.

Rồi cô nhỏ liến thoắng kể cho các bạn nghe về nơi chốn đã đi, những người đã gặp trong một mùa hè đã qua. Một khu làng tưởng như chỉ có trong phim, đường làng trồng đầy hoa, những bức tranh nghệ thuật vẽ kín trên các tường nhà…

- Làng Tam Thanh ở Quảng Nam phải không? - Phú “biết tuốt” chen ngang.

- Chính xác. - Thảo đáp.

- Mình còn đi đến một nơi có cái hang động lớn nhất nước, à lớn nhất châu Á luôn ấy chứ. Vào đó nhé, khi trời nắng như đổ lửa bên ngoài thì bên trong vẫn mát lạnh như gắn một cái điều hòa khổng lồ ở trong đó.

- Động Thiên Đường nè, nơi bác Hồ Khanh tìm ra cách đây gần 25 năm về trước.
Thảo vừa ngừng câu chuyện của mình thì Tiên háo hức khoe:

- Còn mình, hè này đã được theo ba mẹ về Huế, quê nội mà mình chưa từng về từ khi sinh ra. Đó là vùng quê thật đẹp.

- Huế không chỉ đẹp mà còn là vùng đất thiêng. Bởi thế mà có đến 9 chúa 13 vua từng đóng đô ở cố đô Huế. 

- Ô sao cái gì ông cũng biết thế? - Thảo ngạc nhiên hỏi Phú. 
Phú không đáp lời, mặt nó hơi nghểnh lên, đôi mắt giấu sau cặp kính cận sáng lấp lánh không giấu được vẻ tự hào. 

- Bởi vậy mới có tên là Phú “biết tuốt” - Trâm gật gù xác nhận.

- Tôi chỉ biết nhờ chịu đọc sách vở thôi chứ nào có ai sinh ra mà biết tuốt được. Hè này, ba mẹ tôi bận đi công tác hoài nên chỉ có một chuyến picnic cuối tuần đi Vũng Tàu chơi. Thời gian còn lại du lịch qua trang sách cũng thú vị lắm. Còn Trâm có đi đâu không?

Trâm đánh ánh mắt nhìn xa xôi, cố nghĩ ra một lí do gì đó phù hợp để giải thích cho việc không có một trải nghiệm mùa hè thú vị cho mình. Chẳng lẽ nói thẳng ra là nhà mình nghèo quá, khái niệm du lịch, trải nghiệm thật là xa xôi. Đến cả những trải nghiệm qua sách vở thôi cũng không có nhiều vì ngày hè thường phải phụ bà đi bán vé số, tối về đã mệt phờ ra. 

Nói đến trải nghiệm sách vở, Trâm sực nhớ ra nơi mà nó vẫn lui lại đọc sách chính là khu vườn nhỏ xinh mà chú bảo vệ chăm sóc trong ngôi trường mới này.

- Tớ đã đến vài lần khu vườn nhỏ xinh chú Hưng, bảo vệ trường mình chăm sóc. Ở đó có cây phượng hay lắm nhé, nó có một bên ra hoa đỏ rực, một bên chỉ ra lá xanh um. Chưa bao giờ tớ thấy một cây phượng kì lạ như thế.

Cả lũ ngạc nhiên. Cũng chưa đứa nào trong cả bọn nhìn thấy cây phượng như thế. Theo hướng tay Trâm “độc lạ” chỉ, cả đám nhìn cây phượng đang cuối mùa hoa. Đã tựu trường rồi nhưng phía bên này vòm phượng vẫn còn sắc đỏ chen giữa nửa vòm lá. Và thật lạ, đúng là phía bên kia cây chỉ toàn là lá xanh um. 

- À, chú Hưng còn cực kì khéo tay nữa. Trong khu vườn ấy, có nhiều cái ghế ngồi tô màu sơn cầu vồng là chú ấy tự xin lốp xe ở gara sửa chữa ô tô gần đây về trang trí để tụi mình có thể ngồi nghỉ chân, đọc sách. Chú tự tay đóng những kệ sách mini treo lên cành cây để các bạn học sinh mang sách đến chia sẻ cùng nhau đọc miễn phí. Lốp xe cũng được trang trí, đổ đất vô trồng bông nữa. Tớ chưa thấy ai khéo tay như chú ấy, đừng nói chuyện trồng bông, ươm mấy hạt sen thôi còn ra những cây sen tí hon nở hoa thật cưng. Nhưng chuyện này mới là nhức nách, chú ấy còn nói chuyện được cả với loài vật…

Câu chuyện về chú bảo vệ và khu vườn ngay lập tức cuốn hút cả lũ. Và quả là “nhức nách” nếu thật như Trâm “độc lạ” nói, khi chú bảo vệ có thể nói chuyện với loài vật.

Hôm kia có một con tắc kè hoa từ đâu đó đi lạc ra con đường vắng phía sau sân trường. Một con chó thấy lạ, nhảy xồ ra nô đùa, nó vô ý làm trầy một mảng phía đuôi tắc kè khi chụp theo. Chú Hưng nhìn thấy, đuổi con chó đi, đưa con tắc kè vào rửa sạch cái đuôi, xức xíu thuốc cho nó khỏi nhiễm trùng. Chính Trâm “độc lạ” nghe chú ấy nói với con tắc kè hoa: “Ở lại đây nhen con, mày ra ngoài kia, con chó xực mày nữa”. Con tắc kè giương mắt, kêu lên một tiếng “tắc kè” to tướng như tuân lệnh, rồi nó yên tâm chạy biến vào mấy khóm hoa trong khu vườn nhỏ như thể đó là ngôi nhà đã quen thân từ lâu lắm.

Cả đám nhỏ háo hức theo chân Trâm “độc lạ” bước vào khu vườn thú vị. “Tắc kè, tắc kè, tắc kè…”. Chúng rối rít bắt chước Trâm “độc lạ” gọi theo nhưng tuyệt nhiên chẳng có một âm thanh nào vọng lại, cũng chẳng thấy bóng dáng con tắc kè hoa xinh đẹp như lời Trâm “độc lạ” kể đâu. Mặt Trâm có tí đuỗn ra khi rõ là nó đã mấy lần chứng kiến cảnh chú Hưng gọi tắc kè ra chơi như những đứa bạn thân. 

- Tắc kè, tắc kè…

Một giọng trầm vang lên phía sau. Ngoảnh lại, gương mặt sạm nắng đang cười thật tươi. Con Trâm không nói thì cả đám cũng đoán ra chính là chú Hưng nên toét miệng cười chào.

Bất ngờ chưa kìa, một chú tắc kè hoa lẫm chẫm như đứa con nít thò ra khỏi bụi cây mà nó ẩn náu. Chú Hưng bước lại, xòe tay về phía nó, con tắc kè mở to mắt quan sát, ngúc ngoắc cái đầu ngó nghiêng, rồi nó yên tâm bước lên bàn tay thô ráp như một con thú cưng.

- Nay hết bị thương rồi nhen con, trông mày thật bảnh rồi nè! - Chú Hưng trò chuyện với nó y như với một đứa nhỏ.

- Tắc kè. - Con tắc kè lịch sự đáp lại. 

* * *

Chẳng ai quan tâm chuyện cả một mùa hè con Trâm không có ai dắt đi chơi khi nó đã khám phá ra bao điều độc lạ thật gần ở xung quanh mà không phải ai cũng biết được. Nhất là khi những điều ấy, lạ chưa, khiến cả đám bạn bỗng thấy ngôi trường mới này trở nên thân thuộc chi lạ.

Cũng lạ chưa, chỉ mới vài ngày đến trường, cả lũ trẻ đã thấy chú Hưng như một người bạn thân của mình ở đó. Và khu vườn chú ấy chăm sóc, có bao điều thú vị, hấp dẫn mà chúng chỉ muốn nghe đi nghe lại mãi không thôi.

Và còn lạ hơn ti tỉ ngàn lần nữa, nếu bạn biết, chú Hưng chính là người đánh trống khai trường ở trường chúng mình năm nay. Đơn giản, chỉ vì thầy hiệu trưởng nói, thầy chưa thấy ai đặt hết tâm sức vào từng tiếng trống như chú ấy. Chính vì thế mà mỗi nhịp trống ăm ắp đầy yêu thương, náo nức, niềm vui.

Chú ấy dạy cho chúng tớ bài học thật lạ mà chưa từng đọc ở trang sách nào, rằng khi bạn đặt trái tim mình vào mỗi hành động, việc làm của mình thì nơi nào có bạn, nơi ấy thật đẹp đẽ, và ai ở bên bạn, cũng sẽ thấy niềm vui tỏa lan.