Cô giáo vùng kinh tế mới

Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN 06:31, 23/11/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

1. Gia đình không ủng hộ nhưng tôi quyết lên núi vì mê mẩn mĩ từ “thắp sáng vùng cao”. Nộp hồ sơ, tôi nhanh chóng trở thành cô giáo của vùng kinh tế mới, ngôi trường chỉ bảy lớp học.

Nhận nội trú, anh đồng nghiệp tôi mới gặp lúc lại phòng thầy hiệu trưởng bước tới phòng làm quen. Không vô mà đứng trước cửa, tôi cũng ra dựa cột hầu chuyện. Anh giới thiệu mình tên Triệu, cùng tổ ngoại ngữ với chị Liên - cùng phòng với tôi. Anh lùn, vác cái bụng lặc lè, da bị bạch tạng một nửa mặt. Lại thêm bộ ria mép kiểu Ả Rập nữa nên trông anh có vẻ hơi… khác người.

Con nhỏ mới nhận phòng lúc 8h mà 9h anh lại hỏi: Em có thấy cây me to ngay cái tường bể sau bếp không? Nếu thấy mà không biết chuyện này thì đúng là một thiếu sót lớn. Tôi chưng bộ mặt ngơ ngác hơn là tò mò. Cũng bởi cái tính chết nhát, lại mới về chỗ “thâm sơn cùng cốc” nên muốn thích nghi một cách thận trọng nhất, tôi muốn chủ động để mọi thứ cứ diễn tiến từ từ. Nhưng có vẻ như anh muốn kể hơn là muốn khiêu khích sự tò mò của tôi.

“Là cô giáo dạy Văn, em phải biết chuyện này, nó sẽ là tư liệu, là bệ phóng để nuôi dưỡng và khuếch tán cảm xúc! Chuyện hay vầy, không nghe không đáng mặt…anh hào” - thấy khích tướng ghê chưa.
 
Chị Liên cùng phòng thấy anh nhiệt tình một cách long trọng thì lườm một phát - kiểu tui biết tỏng anh rồi. Thấy bị nắm thóp, rất nhanh, anh bẻ cua liền: Em dạy Văn phải khác, đừng có “nghèo nàn” tư liệu như bà í. (Anh liếc qua chị Liên, ra dấu bà im coi, để tui…). Thấy chị không thèm bận tâm nữa, anh lập tức bắt đầu: Đó là một đêm trăng, trăng dát vàng hết khu đồi này, anh thấy nhớ cô người yêu đang dạy ở phố nên ngồi uống rượu, tự đệm ghi-ta, tự chế nhạc hát, anh hát “cao nguyên sầu độc ẩm… nhớ mắt phố, nhớ mắt em, long lanh, long lanh, những giọt nước mắt… long lanh…”. (Nhạc anh sáng tác đấy - nói rồi cười he hé…). Đố em biết đã xảy ra chuyện gì khi tiếng hát “quỷ khốc thần sầu” của anh cất lên? Không biết chứ gì?? Đúng rồi! Đời nào em đoán được chuyện anh đang nghê nga hát thì nghe “cụp”, là âm thanh của cái ghế bị hất xuống đất. Linh tính bất an, anh vứt đàn chạy ra sau, sững sờ run rẩy khi thấy người đàn ông lơ lửng như trái me khổng lồ. Khổ, đứa con gái ốm yếu lại làm mẹ đơn thân, nuôi thêm ông bố bệnh đau nữa thì bất nhẫn quá. Nếu sống không ý nghĩa thì người ta sẽ chọn cái chết cao cả. Chuyện như vầy, cô giáo dạy Văn không biết thấy có phí đời không? Tôi chưa kịp “phản pháo”, đang tính tìm một câu gì đấy để đối đáp nhưng anh thầy “đáng kính” đã tiếp tục câu chuyện, lâu lâu anh vẫn gặp ông cụ ấy đứng ở sau bếp, cười với anh. Tới đây thì chị Liên phản ứng như muốn anh mau hạ màn, chị bảo hãy kể những chuyện người ta thích nghe chứ đừng kể chuyện mình thích nói. Anh chỉ cười hề hề rồi tạm biệt “tiểu cô nương” về phòng đánh đàn tiếp.

Tôi có nhiệm vụ nấu cơm buổi chiều cho cả phòng. Hồi ấy, xã X chưa có điện. Chiều mùa đông, ra sau hóc bếp cứ gọi tối om om. Cơ khổ, tôi không sợ trời, không sợ đất nhưng rất sợ… ma. Tôi hình dung cảnh một ngày mình bưng xoong canh và nhìn thấy “trái me khổng lồ đang lủng lẳng” đang cười thì chắc là … bỏng toàn thân luôn. Mà nói đâu cho xa, chưa kịp thấy “ông cụ cao cả” thì mấy miếng da tay đã lủng lẳng vì cái tội đã hậu đậu lại còn sợ ma, buổi chiều mò mẫm, nôn nôn nóng nóng nên xuống bếp bốc lửa rồi.

Chưa hết đâu, ông thầy giáo ấy còn kể nhiều chuyện khác, còn kinh khủng gấp đôi, hoang đường gấp bội cơ. Như chuyện gần nội trú có con suối nhỏ, một hôm có người phụ nữ ôm đồ ra suối giặt, con cá sấu mập béo ở đâu nấp sẵn dưới suối nhào lên bờ kéo xuống. Buổi chiều, ông chồng làm rẫy về ra suối tìm vợ, chỉ thấy đôi dép trên bờ và nghe văng vẳng, “người đàn bà ấy là của tao…”.

Rồi trên sân trường có cây cầy to. (Có người bảo cây này là kơ nia, vụ này tôi không rành, chỉ biết cả xã X kêu nó là cây cầy). Chỗ cây cầy ấy, ban đêm có những đốm sáng lập lòe, có người phụ nữ mặc bộ đồ trắng muốt, tóc dài bết đất, luôn miệng kêu thảm thiết con ơi, cơn ơi… Ấy là người đàn bà đau khổ. Là người đàn bà không biết đẻ. Sẩy thai liên tục. Vàng vọt nhưng khao khát làm mẹ. Tuyệt vọng rồi bị bệnh, gần như người lúc nào cũng hầm hập trong tình trạng thần hồn át thần tính, mộng mị, ú ớ. Rồi nàng chết. Sau này, mọi lúc, mọi nơi, người ta đều có thể nghe tiếng người con gái vừa khóc vừa gọi, con ơi, con ơi… Cái giọng ảo não của bà mẹ khát con nghe bi thiết lắm. Tội nghiệp! Nàng ấy đã trở thành cái bóng ma, vất va vất vưởng đi tìm con. Không tin hở? Không cần tin vội, nghi ngờ thì rất tốt. Tối nay anh dẫn lên cây cầy rồi em sẽ tin ngay. Thấy tôi tái mặt, anh kiên quyết, nơi “biên địa” này là xứ… liêu trai đấy.

Bạn tin không những chuyện anh đồng nghiệp tôi kể? Còn tôi thì răm rắp tin. Giờ nghĩ lại thấy mình giống một cô bé đi dạy gớm. Những chuyện trời ơi đất hỡi như vậy mà cô nàng hai mươi mốt tuổi tin sái cổ. Sau này tôi mới biết ông đồng nghiệp “nhứt râu nhì bầu bụng” của mình có biệt tài vừa kể chuyện vừa bịa. Đúng là kì tài dị tướng! Tôi hỏi sao thầy giáo lại thích kể chuyện ma? Anh bảo cũng là một hình thức giải trí thôi. Nơi núi non heo hắt buồn quá, anh muốn kể chuyện “liêu trai” để thú vị hóa hành trình của mình. Vì biết nó vô hại. Ai rồi chẳng biết mình đùa cho vui.

2. Ở nội trú, mọi sinh hoạt đều thực hiện rất “dã chiến”. Tắm rửa ra suối. Nước nôi sinh hoạt cũng ra suối thồ về. Đi vệ sinh ư? Cứ chịu khó bươn ra đồi (hướng nào cũng được) cách chừng trăm mét, chui khuất vào bụi là thoải mái mà… “tự do thiên nhiên”! Ấy là nói ban ngày; chớ ban đêm mấy cô giáo chúng tôi lỡ bất tử có “nhu cầu” thì chỉ có nước xách đèn pin sang khu nội trú nam, muối mặt mà năn nỉ các anh đi… “hộ tống”! Khổ, cô giáo miền xuôi tôi vốn “xấu bụng xấu dạ”, hay “đi nhanh dzìa chậm” nên tình huống dở khóc dở cười ấy cứ diễn ra dài dài.

Buổi tối, còn phải đi dạy phổ cập. Đường đi gồ ghề, đêm đen đặc, sợ ma chút chết, song vì nhiệm vụ cũng phải làm. Học sinh đến trường thì mười đứa hết tám lôi thôi lếch thếch. Tóc tai bù xù, áo quần nhem nhuốc, đứng từ xa đã nghe mùi khét của nắng. Học trò mà to cao như ông Ầm. (Hồi nhỏ, đêm nào mẹ tôi kể chuyện cũng có nhân vật khổng lồ, tên gọi ông Ầm). Vô lớp học mà nhoi khủng khiếp, tự do đi lên đi xuống, luôn miệng “Em yêu cô!”. Khổ gớm! Trường nghèo, dân nghèo, học trò không có điều kiện học tập, thêm ảnh hưởng mặt bằng dân trí thấp của cộng đồng dân cư nên các em bỏ học giữa chừng nhiều. Học trò bỏ học ban ngày thì giáo viên ban đêm phải tới từng thôn để dạy phổ cập. Dạy ngày dạy đêm, mùa hè cũng phải bám trường, bám lớp. Lương hở? Chúng tôi nhận lương của xã đồng bằng, chỉ hơn 0.2 phụ cấp khu vực. Nản. Tôi bắt đầu thấy hối hận về ước mơ tình nguyện làm cô giáo vùng cao của mình. Tôi hụt hẫng, ngỡ ngàng đến thất vọng khi đối mặt cùng thực tế - quá khác so với những gì cô sinh viên sư phạm từng tâm huyết ấp ủ, hình dung lúc mới ra trường. Tôi lên lớp ngày ngày như nghĩa vụ bắt buộc, dạy bằng trách nhiệm của một người làm công ăn lương hơn là tâm thế của một người thầy yêu nghề mến trẻ. Nhiều khi khổ, buồn, muốn… trốn về xuôi quách! Trốn cho xa, thật xa, khỏi ngôi trường nghèo nàn và những đứa học trò nhếch nhác. Lại thêm đất khách tù túng nghèo nàn, nó không hợp với tôi - cô nàng ưa náo nhiệt.

Rồi một buổi sáng, bình thường như bao buổi sáng khác ở khu nội trú, tôi ngủ muộn, dậy mở cửa đã thấy cậu học trò ngồi thu lu tự lúc nào trước hiên nhà. Cậu bảo đến sớm nhưng không dám gọi sợ phá giấc ngủ cô. Tay cậu ôm bó rau muống to. Cậu rụt rè bảo: Rau vườn nhà, tươi lắm, em đem cho cô nấu canh!

Có hôm tôi bệnh, lại học trò khác mang tới nội trú trái cam nhà, nhỏ xíu và khô đét, trái đu đủ eo bằng cổ chân. Mùa mía, những cây mía xanh được các em đem ra suối chà sạch và đem tới tặng cô. Chưa hết, những ngày lễ, quà các em tặng là những bó bông cỏ được sắp và bó thật đẹp, có em kết thành vòng, đeo vào cổ cô giáo nhân ngày 20/11.

Đó quả thật là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc. Nó giúp tôi vơi nỗi buồn khó khăn, thiếu thốn. Nó khiến tôi ngày càng gần gũi, yêu thương các em hơn. Nhớ nhất là lần tôi bị sốt xuất huyết nặng, phải nằm bệnh viện tỉnh. Học trò bắt mẹ chở xuống tận bệnh viện thăm. Quà thăm cô là một hộp to những con sếu. Em bảo đó là cả lớp thắt để cầu mong cô mau khỏe mạnh. Các bạn rất nhớ cô. Em làm tôi cảm động cực kì. Từ lúc đó, tôi đã xem vòng hoa cỏ là vòng nguyệt quế và hộp sếu là chiếc bùa hộ mệnh của đời mình. Không băn khoăn nữa, nhiều lúc tôi nghĩ, “chủ nghĩa Đôn-ki-hô-tê” đã làm nên ý nghĩa cho thanh xuân mình.

3. Bất ngờ, tôi bị tai nạn giao thông, chín phần sống, mười phần chết. Một vệt dầu loang trên đường làm chiếc xe bị trượt ngã, văng tôi, xe và chiếc mũ bảo hiểm về ba hướng. Lại là học trò. Học trò đã gọi người nhà đem xe tải chở mía đến hiện trường “hốt” tôi đi cấp cứu.

Tỉnh dậy trên giường bệnh, tôi đưa lưỡi rà tìm những sợi chỉ trong miệng. Vô tình chạm vào một hàng lợi ở hàm trên. Có chuyện gì thế này? Lấy điện thoại làm chiếc gương soi, tôi kinh hoàng thấy khuôn miệng mình như một cái hang tối om. Ôi, những chiếc răng trắng muốt của tôi? Sao tôi không chết luôn lúc đó cho rồi. Giờ sống làm sao, với khuôn mặt bị biến dạng. Trán bị móp vào, xung quanh thẹo nổi thành những sợi gân lớn. Một vết sẹo to dưới cằm trái và lỗ thủng phía trên môi để lại một ụ thịt ú nần. Tay chân cứng đơ đơ, không nhấc lên được. Mọi sinh hoạt đều nhờ mẹ. Tôi của ngày xưa đâu rồi. Tôi sôi nổi ưa náo nhiệt, tôi hừng hực kiêu kì của ngày xưa đâu rồi? Không còn ngày xưa. Không phải tôi. Tôi thành phế nhân rồi. Thân xác đau đớn, tinh thần rã rời.

Buồn khủng khiếp, buồn vô hạn, bao nhiêu dự định đã không thực hiện được. Bỏ dở kì thi Tin học, Ngoại ngữ, sau đại học. Tôi nằm rười rượi như con mèo ốm. Nằm một cục thế này tới chừng nào đây? Rồi bỗng nhớ chuyện mình làm cô giáo. Tôi muốn cầm phấn, tôi thèm được lên lớp. Bệnh viện gần trường học, cứ nghe tiếng trống trường là ngực tôi nhói lên, y như ai đó cầm dùi trống gõ mạnh vào ngực mình vậy. Thảm đến độ mỗi lần nghe là nước ở hai mắt ứ lên. Mẹ gắt:

- Bệnh đau không lo chữa mà khóc hoài khóc hũy. Con mắt đang bị bệnh, khóc miết nó mù luôn thì ăn mày!

Bi quan, tôi tắt tiếng, chỉ còn vẻ mặt ủ dột đừ câm và đôi mắt luôn ướt nhèm. Nằm trên giường bệnh, nếu có một dây thường xuân bên ngoài cửa sổ phòng bệnh, chắc tôi cũng làm như Giôn-xi, sẽ đếm những chiếc lá rụng và sẽ rụng theo chiếc lá cuối cùng...

Nằm viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng hai tháng. Vẫn không có biểu hiện thuyên giảm nhiều. Tôi vẫn cứ ngơ ngơ, đơ đơ. Nhưng không hiểu sao, trong đầu tôi chỉ có mỗi hình ảnh bảng đen, phấn trắng và những gương mặt nhem nhuốc đáng yêu. Ruột gan cồn cào quay quắt. 

- Con muốn về nhà đi dạy?

- Dạy dỗ là chuyện cả đời… Ráng hết bệnh rồi về dạy. Lần này, tôi phải là người mạnh mẽ để “gắt” khi thấy mẹ rớt nước mắt.

Vậy là ráng. Tôi thiện chí và nhiệt tình với những liệu trình điều trị. Rồi cũng được xuất viện.

***

Xe trung chuyển dừng lại trước cửa nhà, bỗng từ đâu các em học sinh ùa tới, có em chực nhào lên xe, có em mêu mếu gọi cô ơi, tụi em nhớ cô quá…Tôi đưa tay ra, cầm tay các em, bật khóc sung sướng như vừa được uống một liều thuốc thần.