Trong tiến trình để trở thành thành viên mới của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN) trong lĩnh vực âm nhạc, TP Đà Lạt đã tăng cường học tập các kinh nghiệm quốc tế; qua đó, mở rộng giao lưu, tạo cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực đối với các thành phố trong UCCN.
TP Đà Lạt tăng cường cơ hội học tập kinh nghiệm với các tổ chức, thành phố trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO |
Tháng 10 vừa qua, đoàn công tác Hội đồng Anh Việt Nam và Scotland đã có chuyến công tác tại TP Đà Lạt để tọa đàm, đối thoại với lãnh đạo, nhà quản lý công tác trong ngành Văn hóa tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia, nhà sáng tạo, thực hành văn hóa, đại diện các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tại địa phương trên tinh thần hướng đến sự phát triển thành phố sáng tạo tại Scotland và Việt Nam.
Glasgow là thành phố đầu tiên của Vương quốc Anh trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO về âm nhạc. Chia sẻ về hoạt động của tổ chức mình, bà Jill Rodger- Giám đốc Liên hoan nhạc Jazz quốc tế Glasgow đã tập trung nhấn mạnh vào hành trình từ danh hiệu Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến việc phát triển ngành âm nhạc và những câu chuyện kinh nghiệm trong quá trình tổ chức Liên hoan. Theo đó, Liên hoan nhạc Jazz quốc tế Glasgow là một lễ hội được diễn ra thường niên tại trung tâm thành phố Glasgow; là một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận được thành lập từ những năm 1987, giai đoạn đó Glasgow được coi là thủ phủ về văn hoá của châu Âu. Những chương trình nhạc Jazz của Glasgow được diễn ra hầu hết ở các địa điểm có sức chứa lên tới 500 khán giả với khoảng 65% khán giả là người dân địa phương.
Trên vai trò là nhà gây quỹ, nhà hỗ trợ về tài chính cho những người làm trong lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật như các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật, bà Laura Mackenzie Stuart- Trưởng Ban Sân khấu Creative Scotland và đại diện chung các ban nghệ thuật, Trưởng Ban hợp tác chiến lược giữa Creative Scotland và Hội đồng Anh Scotland chia sẻ, Creative Scotland là nơi đứng ra kết nối, vận động cho các cá nhân, tổ chức làm những công việc chuyên môn trong ngành văn hoá - nghệ thuật. Cụ thể, đơn vị sẽ lên phương án tìm hiểu, khảo sát về những nhu cầu, dự án của nghệ sĩ để hỗ trợ, thúc đẩy những chương trình âm nhạc, sáng tác mới cũng như giúp họ phát triển trên con đường âm nhạc qua việc tạo không gian hoạt động, tư vấn kinh nghiệm, kết nối hợp tác các hãng đĩa...
“Chúng tôi không đặt ra bất kì yêu cầu nào về chủ đề, đề tài hay cách trình diễn đối với các dự án nghệ thuật của các nghệ sĩ. Mà chính họ sẽ có ý tưởng trước và sẽ đề xuất những dự án đó cho Creative Scotland. Qua đó, đơn vị sẽ xem xét những đề xuất này bằng những kinh nghiệm phát triển trong ngành để tạo điều kiện hỗ trợ”, ông Alan Morrison - Trưởng Ban Âm nhạc Creative Scotland thông tin thêm.
Với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, bà Fiona Dalgetty- Giám đốc Điều hành Fèis Rois - tổ chức văn hoá - nghệ thuật hàng đầu tại Scotland về gìn giữ các giá trị âm nhạc truyền thống chia sẻ, 35% nguồn thu của mô hình là từ tổ chức Nhà nước Scotland; 5% từ chính quyền địa phương và 60% là từ nguồn tự thu, tự kiếm được từ học phí của các học viên đang tham gia học, khi đơn vị tổ chức những buổi hoà nhạc, buổi biểu diễn bán vé. “Từ các buổi hoà nhạc, biểu diễn, chúng tôi thu hút các bạn trẻ đến xem và đến với chúng tôi với mong muốn học nhạc cụ cũng như nâng cao thêm kỹ năng của mình để trở thành một nhạc công chuyên nghiệp để hoạt động trong ngành. Từ đó, chúng tôi sẽ tạo nhiều cơ hội trải nghiệm và gắn kết âm nhạc truyền thống theo cách hỗ trợ họ phát triển các kỹ năng xã hội và truyền cảm hứng để các học viên có thể phát huy hết tiềm năng của mình”, bà Fiona Dalgetty nói.
Theo bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, trong tháng 8 vừa qua, đoàn công tác TP Đà Lạt cũng đã có chuyến tham quan, làm việc tại thành phố Edinbrugh, thủ đô của Scotland, một thành phố có bề dày lịch sử về văn hoá, lễ hội, các hoạt động về biểu diễn âm nhạc cũng như cơ chế thực hiện quản lí Nhà nước. “Qua chuyến công tác, đoàn đã có thêm những kinh nghiệm về các loại hình văn hoá, cách thức thực hiện một sự kiện lớn mang tầm quốc tế; về sự đầu tư của chính quyền, vai trò giám sát minh bạch của hội đồng thành phố... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi những kinh nghiệm quý giá về các hoạt động lễ hội, văn hoá - nghệ thuật mà Hội đồng Anh, các chuyên gia văn hoá nghệ thuật, đơn vị tổ chức sự kiện Scotland, Ban Tổ chức Momentum đã, đang triển khai rất hiệu quả. Thông qua đó, TP Đà Lạt có thể tự nhìn lại và đánh giá quá trình tham gia UCCN cũng như tạo nhiều điều kiện thúc đẩy không gian sáng tạo để cho nghệ sĩ, những người có đam mê, có khả năng trong lĩnh vực văn hoá, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc thể hiện khả năng, năng lực của mình một cách tối đa nhất”, bà Trần Thị Vũ Loan chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin