Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam

QUỲNH UYỂN 15:30, 23/11/2023

(LĐ online) - Sáng 23/11, tại Đà Lạt, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII.

Nhiều vấn đề cấp thiết để phát triển công nghiệp điện ảnh được các nghệ sĩ, nhà sản xuất đặt ra

Tham dự hội thảo, có ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng hơn 200 đại biểu là nghệ sĩ điện ảnh, các nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII; PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã chủ trì hội thảo.

PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh: Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế đặc biệt. Xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch, tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó cần có sự chung tay nỗ lực của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, sự kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực tài chính, du lịch, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và công chúng khán giả.

Nhiều vấn đề được bàn luận đưa nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển

Công nghệ điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Đó là những bộ phim có sức lôi cuốn, phổ biến quảng bá đến người xem bằng nhiều hình thức hiện đại, phù hợp với thời đại 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh. Cùng đó, các sản phẩm điện ảnh vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Sức sáng tạo độc đáo, nhân văn, hướng thiện của các nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm điện ảnh đóng vai trò quan trọng để thu hút công chúng khán giả và khẳng định vị trí của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Nhiều vấn đề tham luận được đặt ra từ thực tiễn quản lý, hoạt động, sáng tạo điện ảnh

Tại hội thảo các đại biểu cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, bàn thảo, nhận định, đóng góp ý kiến quanh các vấn đề như: chính sách của nhà nước trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim; hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc huy động nguồn vốn cho điện ảnh; công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với khán giả; hoạt động gắn kết giữa điện ảnh với du lịch và hợp tác quốc tế.

Cụ thể các tham luận: Những chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh (Bà Ngô Thị Ngọc Oanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nêu ra những chính sách ưu đãi trong Luật Điện ảnh, trong các Luật Thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp), trong đất đai, đầu tư, chính sách khuyến khích xã hội hóa. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh: Thực trạng tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các kiến nghị tăng cường sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam ra thế giới (Bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nêu ra những vấn đề chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế về điện ảnh, ký kết thỏa thuận; tham dự các liên hoan phim quốc tế, các giải thưởng điện ảnh uy tín, tổ chức tuần phim Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức các liên hoan phim, giải thưởng quốc tế tại Việt Nam; tăng cường các hoạt động hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim; phát hành phim tại nước ngoài và trên nền tảng trực tuyến; xây dựng quỹ điện ảnh.

Nhiều tham luận gắn với thực tiễn, giải quyết nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn như: Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để thu hút các nhà làm phim (ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng); Nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp (NSƯT, đạo diễn Phi Tiến Sơn); Giờ làm việc trên trường quay của nhân sự làm phim (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh); Đề tài của phim tài liệu: Khi khán giả xem phim bằng điện thoại (đạo diễn Đoàn Hồng Lê); Nhà sản xuất phim đối mặt với thị trường điện ảnh khi tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc); Công nghệ số trong công nghiệp điện ảnh và câu chuyện sản xuất phim hoạt hình (đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng); Công nghệ sản xuất ảo (đạo diễn Nguyễn K’Linh); Phim trường trong sản xuất phim, kết hợp điện ảnh và du lịch (đạo diễn, nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi); Vai trò của truyền thông trong xây dựng công nghiệp Văn hóa - Điện ảnh tại Việt Nam (bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Tổng Biên tập Báo Điện tử Tổ quốc)…

Bên cạnh đó, các vấn đề về công nghệ, về trường quay, về đào tạo nguồn nhân lực, các kiến nghị, đề xuất trao đổi gợi mở về các vấn đề đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới, xây dựng Quỹ điện ảnh; vấn đề an ninh mạng, vấn đề bình luận trên mạng xã hội, thực trạng “ném đá” tác phẩm điện ảnh gây bất lợi cho sự phát triển nền điện ảnh; vấn đề nhận diện, phê bình điện ảnh, trách nhiệm của người nghệ sĩ; vấn đề sử dụng công nghệ AI như một trợ lý ảo hỗ trợ mạnh mẽ cho việc sáng tạo của nghệ sĩ… cũng được hội thảo đặt ra và bàn luận sâu rộng.