Tháng Mười một, những sợi nắng vàng ươm cứ thung thăng rọi xuống miền sơn cước.Tháng Mười một, phố núi Đà Lạt có cái chộn rộn, háo hức của những cô cậu học trò nhớ về Ngày Nhà giáo Việt Nam với bao yêu thương và hoài niệm. Hòa với cảm xúc ấy, với tôi, tháng Mười một này là khoảng thời gian để nghĩ về những người thầy, người cô như một lời tri ân sâu sắc, một sự xúc động, bồi hồi với những kỷ niệm khó gọi thành tên...
Nhà giáo Ưu tú Ly Hương |
Tôi sinh ra trong một gia đình khốn khó. Vậy nhưng bố mẹ tôi lại giàu lắm niềm tin và ý chí. Nhà đông chị em, việc kiếm cơm ngày ba bữa, lửa đỏ ngày ba lần là đã quá khó chứ nói chi đến chuyện học hành. Khổ nhọc là vậy nhưng ba mẹ vẫn tin rằng, có cái chữ, ngày mai đời sẽ tươi sáng hơn. Nghe những lời khuyên bảo ấy, tôi nửa tin nửa ngờ, thôi thì học cho hết bậc trung học phổ thông rồi tính tiếp. Vậy rồi cho đến một ngày tôi gặp cô - một cô giáo dạy văn, người đã cho tôi niềm tin trong đời. Vào học cấp 3 tại ngôi trường gần nhà, lớp 10 đi qua đời tôi êm đềm, rất ít ấn tượng, nếu như không muốn nói là "nhạt". Vậy nhưng bước vào lớp 11 thì khác. Đầu năm, nghe những thế hệ đi trước bảo: Lớp em được cô Ly Hương dạy văn đó. Thích học văn thì tận dụng dịp may này mà học hỏi sâu hơn. Tôi chưa mục sở thị, chưa được học nên cũng chẳng quan tâm.
Ngày đầu tiên đến lớp, tôi ấn tượng với cô Ly Hương là giọng nói đến từ xứ Quảng, dáng người nhỏ nhắn nhưng sở hữu khuôn mặt duyên dáng, có sức cuốn hút kỳ lạ. Đặc biệt, với chất giọng Quảng Nam đặc sệt, tôi nhớ mãi những bài thơ cô đọc và giảng bằng tiếng Quảng nghe vừa lạ vừa hấp dẫn. Từ sự ngạc nhiên rồi tới chú ý và mê cô đọc thơ cho nghe. Hôm nào không có tiết Ngữ văn dường như tôi thấy thiêu thiếu cái gì ấy. Hôm nào không nghe chất giọng Quảng của cô là thấy nhơ nhớ. Cái chất giọng ấy đã khiến tình yêu thơ, mê văn trong tôi ngày càng được bồi đắp rồi lớn dần theo thời gian. Cái máu thích học văn, thích đọc thơ được cô Ly Hương "truyền thêm cảm hứng" từ năm lớp 11. Nào là Tràng giang của Huy Cận, là Tống biệt hành của Thâm Tâm rồi đến “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu... đã được cô Hương diễn đạt, lột tả bằng một cảm xúc rất thật. Mỗi bài thơ, mỗi tác giả đều có cái hay và phong cách thơ riêng nhưng khi nghe cô bình khổ thơ đầu trong bài Tống biệt hành của Thâm Tâm đặc biệt là câu: "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong" khiến tôi ấn tượng mãi. Chỉ một câu thơ mà cô dành thời gian 30 phút để mổ xẻ từ nội dung, cách gieo vần, cách dùng 2 từ “trong” ở một câu thơ của tác giả. Tôi chỉ biết nghe và lắng nghe.
Yêu thơ, thích học văn thôi thì chưa có gì ấn tượng lắm đối với cô Hương, điều mà tôi tâm đắc nhất vẫn là cách cô "truyền lửa" cho đám học trò ham chơi biếng học như tôi. Như một mối lương duyên, năm học cuối cấp, lớp tôi tiếp tục được cô Hương dạy môn Văn. Vui không nói thành lời, lại một lần nữa được gặp "thần tượng" của mình. Với tôi ngày đó, học văn chỉ vì thích chứ không có ý định thi đại học. Những ngày cuối khóa, khi bạn bè háo hức, chộn rộn, kháo nhau thi trường này, ban nọ thì tôi tỉnh rụi không bận tâm vì tôi không thích thi đại học. Mong muốn của tôi là đi làm kiếm tiền để giúp gia đình thoát khỏi cái đói, cái nghèo, giúp mẹ không còn tiếng thở dài đầy ngao ngán khi mùa giáp hạt... Với suy nghĩ ấy, tôi như một học sinh cá biệt, đi lệch quỹ đạo, tôi như chống lại cả một "hệ tư tưởng truyền thống" của gia đình ngày đó. Trong lúc gia đình, bạn bè một số thầy cô giáo xem tôi như "sinh vật lạ" vì 12 năm đèn sách, bao kiến thức trả cho thầy cô để nuôi ước mơ đi làm. Tôi cứ tưởng cả thế giới như chống lại mình nhưng cô... thì không. Gặp tôi giữa một ngày hanh hao nắng tại sân trường. Khi nói đến chuyện chọn trường để thi đại học, tôi buông một câu rất đơn giản: Em chẳng thi trường nào cả. Ngạc nhiên, bất ngờ rồi hỏi tôi thêm vài câu, cô an ủi. Đi học là con đường nhanh để hiện thực hóa ước mơ của mình em ạ. Khi đã có đam mê thì cứ dũng cảm sống hết mình với đam mê của mình. Ở những công việc bình thường nếu em đam mê và yêu nó thì em cũng làm được những điều phi thường. Lời nói này như "cứu cánh" và làm hành trang cho tôi bước vào đời.
Rồi tôi cũng đi làm, sống với đam mê của mình nhưng để chạm tới ước mơ thì còn xa vời quá. Sau nhiều năm bôn ba ở trường đời, tôi lại đi học. Câu nói của cô Hương “Đi học là con đường nhanh để hiện thực hóa ước mơ của mình” đã làm tôi tỉnh ngộ.
Tháng Mười một với chiều dài nỗi nhớ. Hơn 20 năm xa rời mái trường xưa với bộn bề công cuộc mưu sinh nơi đất lạ xứ người. Cô trò ít dịp gặp nhau mà chỉ là những dòng tin nhắn qua nền tảng mạng xã hội. Thời gian có thể làm nhàu nhĩ nhiều thứ nhưng khi đi qua những mùa trăng trên miền đất hứa, hình ảnh cô giáo dạy văn mang tên Ly Hương vẫn in đậm trong tôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin