Nguồn lực văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

11:55, 23/11/2023

Văn hóa truyền thống là một khái niệm rộng, bao gồm toàn bộ đời sống văn hóa của người dân được sáng tạo, thực hành từ trong truyền thống đến hiện nay; được xác định là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những nơi tập trung lưu giữ và vận hành những nguồn lực đó chính là khu vực nông thôn. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần huy động nguồn lực văn hóa truyền thống này như thế nào để đóng góp cho quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đua thuyền lễ hội Đền Cờn ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An (tác giả: Hồ Xuân Thành)
Đua thuyền lễ hội Đền Cờn ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An (tác giả: Hồ Xuân Thành)

Ngay trong giai đoạn đầu, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQGXDNTM), văn hóa truyền thống (bao gồm văn học, nghệ thuật, nghi lễ, lễ hội, thiết chế văn hóa, hoạt động sinh kế, quan hệ xã hội, tri thức dân gian, ứng xử, thói quen sinh hoạt hằng ngày) đã được xác định là yếu tố quan trọng mang tính nền tảng cho sự phát triển của văn hóa nông thôn cũng như sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của khu vực này. Do đó, việc huy động nguồn lực văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua rất được quan tâm và đã đạt những kết quả quan trọng.

Văn hóa truyền thống được xác định là nền tảng, là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy”(1). Quyết định Phê duyệt CTMTQGXDNTM giai đoạn 2010 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc(2). Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh rõ hơn trong mục tiêu của CTMTQGXDNTM giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống(3). Hiện thực hóa những mục tiêu này, CTMTQGXDNTM đã sử dụng bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí để đo mức độ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai tiêu chí về văn hóa là cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa. Hai tiêu chí này đã đề cập tới những khía cạnh căn bản của văn hóa, cả văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần, cả văn hóa truyền thống và văn hóa mới, một tiêu chí nhấn mạnh đến thiết chế văn hóa, một tiêu chí quan tâm chủ yếu tới hoạt động văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, vấn đề văn hóa không chỉ nằm trọn trong hai tiêu chí số 6 và 16, mà còn được thể hiện trong nhiều tiêu chí khác, như tiêu chí về môi trường, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, tổ chức sản xuất,...

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Phục hồi và phát triển nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói chung và 2 tiêu chí về văn hóa nói riêng, các xã, thôn đã triển khai các phong trào, các cuộc vận động, các đề án, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”, “Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới”,... các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”,... Từ việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, các đề án này, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi và phát triển. Cụ thể là, nhiều di tích lịch sử, văn hóa từng bước được đầu tư trùng tu, tôn tạo, hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, lễ hội truyền thống, và hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống được bảo tồn và phát triển. Ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, 100% bản có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, giữ gìn các điệu dân ca dân vũ của đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông, các di tích, lễ hội được phục hồi, như di tích và lễ hội đình Chu (xã Quang Huy), lễ hội Mợi (xã Quang Thái);... huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đã trùng tu, tôn tạo 10 di tích, khoanh vùng, bảo vệ được 8 di tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa (2 di tích), các giá trị văn hóa phi vật thể được phục hồi mạnh mẽ; xã Hải Yến, gần 100% dân số là người Nùng, sau quá trình xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế của các hộ dân phát triển hơn, những giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy. Cùng với việc xây dựng 6 nhà văn hóa khang trang ở 6 thôn, xã, 12 câu lạc bộ (CLB) múa sư tử mèo và 1 CLB hát sli đã được thành lập. Các trường học trong xã đều thành lập CLB hát Sli, múa sư tử mèo và duy trì cho học sinh mặc trang phục truyền thống. Những giá trị văn hóa truyền thống, như ẩm thực, trang phục, nhà ở, di tích, tín ngưỡng, lễ hội, các loại hình dân ca, dân vũ, các nghề, làng nghề, tri thức dân gian hay truyền thống hiếu học, đoàn kết, ứng xử nhân văn,... được bảo vệ và phát huy trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới. Mặc dù những giá trị văn hóa truyền thống này không phải tiêu chí bắt buộc để đạt chuẩn nông thôn mới, song các cấp chính quyền và người dân các xã, thôn có ý thức về việc xây dựng nông thôn mới phải gắn với việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Như vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra động lực và môi trường thuận lợi cho việc phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, và chính các giá trị văn hóa truyền thống đó lại tạo nên bản sắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương cụ thể. 

Đan xen, hội nhập thiết chế và hoạt động văn hóa mới với thiết chế và hoạt động văn hóa truyền thống

Thiết chế văn hóa cấp cơ sở trong CTMTQGXDNTM được xác định là nhà văn hóa thôn và xã. Thiết chế này được xây dựng theo quy định của tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Nhà văn hóa được triển khai xây dựng trên cơ sở hầu hết làng, xã đã có sẵn thiết chế văn hóa truyền thống (như đình, chùa, miếu, nhà thờ,...), tuy nhiên nhà văn hóa được xác định rõ là để phục vụ hoạt động hội họp và tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng. Chính vì vậy, nhà văn hóa có chức năng sinh hoạt hành chính, thể thao, văn nghệ giải trí nhiều hơn, còn thiết chế văn hóa truyền thống có chức năng sinh hoạt tâm linh nhiều hơn. Sau một thời gian đi vào hoạt động, nhà văn hóa đã dần dần có sự hội nhập vào bức tranh chung của thiết chế văn hóa cấp cơ sở và có sự kết nối với thiết chế văn hóa truyền thống.

Sự kết nối này thể hiện trước hết ở việc chọn địa điểm xây dựng nhà văn hóa được tính toán sao cho tạo ra sự kết nối hài hòa với thiết chế văn hóa truyền thống (đình, chùa, miếu,...) tạo không gian sinh hoạt thuận tiện cho người dân, mở ra không gian giao lưu gặp gỡ, gắn kết cộng đồng. Có thôn, xã quy hoạch và xây mới nhà văn hóa cùng thiết chế văn hóa truyền thống tạo thành quần thể sinh hoạt văn hóa (như trường hợp quần thể nhà văn hóa, chùa, đền Mẫu ở thôn Trúc Khê, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Một số nhà văn hóa được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nét kiến trúc truyền thống, như xây nhà văn hóa có mái giống mái đình, chùa, có cổng tam quan hay cổng mái ngói truyền thống, hai bên ghi câu đối; nhà văn hóa được xây dựng trên cơ sở khôi phục lại ngôi đình truyền thống (như trường hợp nhà văn hóa thôn Phú Lộc, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhà văn hóa - đình làng thôn Phương Cúc, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình,...); nhà văn hóa có cổng chào với họa tiết, trang trí mang đậm màu sắc tộc người (như cổng chào có họa tiết cồng chiêng của nhà văn hóa thôn Lạng, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình); nhà văn hóa xây theo kiểu nhà sàn truyền thống của các dân tộc tại chỗ (như nhà văn hóa xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nhà văn hóa xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh),... Có thể nói, về mặt hình thức, kiến trúc thiết chế nhà văn hóa đã bước đầu có sự hội nhập và tích hợp với các giá trị văn hóa truyền thống tạo sự gần gũi, thuận tiện cho người dân. Về trưng bày trong nhà văn hóa, ngoài việc tuân thủ khuôn mẫu chung theo hướng dẫn để đáp ứng tiêu chuẩn của một không gian hội họp mang tính hành chính, một số nhà văn hóa thôn, xã đã có sáng tạo theo hướng đưa vào nhà văn hóa các giá trị văn hóa truyền thống, như trưng bày thành tựu thể hiện truyền thống hiếu học của người dân, trưng bày hiện vật văn hóa gắn với đời sống của người dân, như cối giã gạo, áo tơi, cày, bừa, nơm, đó, lưới,... (trường hợp nhà văn hóa thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa tại nhà văn hóa cũng có sự hòa trộn, kết hợp giữa hoạt động văn hóa mới và hoạt động văn hóa truyền thống. Nhà văn hóa là nơi diễn ra hoạt động luyện tập và thi đấu thể thao, cũng là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ dân ca, dân vũ và câu lạc bộ về các loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của từng cộng đồng, tộc người. Các lễ hội truyền thống được tổ chức cũng tích hợp vào hoạt động thi đấu thể thao ở nhà văn hóa, tương tự như vậy, hoạt động thể thao diễn ra tại nhà văn hóa cũng tích hợp các yếu tố văn hóa truyền thống, như khuyến khích người tham gia mặc trang phục dân tộc, xen lẫn hoạt động biểu diễn các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống,...

Bên cạnh kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới cũng có những hạn chế, thách thức:

Các khái niệm văn hóa, văn hóa truyền thống, thiết chế văn hóa, văn hóa và phát triển,... chưa được hiểu đầy đủ và chính xác trong bối cảnh mới

Thực chất, việc xây dựng các tiêu chí về văn hóa trong CTMTQGXDNTM, cụ thể là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa chưa bao hàm những yếu tố văn hóa tri thức địa phương, cách thức tổ chức không gian sống của gia đình, cộng đồng, vũ trụ quan, nhân sinh quan, hệ giá trị văn hóa tộc người,.... Văn hóa truyền thống thường được hiểu là những gì đã tồn tại trong truyền thống, trong những giai đoạn lịch sử đã qua và những biểu hiện văn hóa xưa cũ, song trên thực tế văn hóa truyền thống luôn có mặt, đồng hành cùng cuộc sống của con người đương đại, thậm chí là động lực quan trọng để phát triển. Như vậy, nội hàm khái niệm thiết chế văn hóa cần được xác định đầy đủ hơn. Thiết chế văn hóa không chỉ bao gồm thiết chế văn hóa mới do nhà nước xây dựng, mà còn bao hàm cả thiết chế truyền thống hay phi chính thức, ngay cả thiết chế truyền thống cũng bao gồm thiết chế dạng vật thể, như đình, chùa, miếu,... và các thiết chế dạng phi vật thể, thiết chế văn hóa “mềm” nằm ẩn trong các thực hành và tập quán văn hóa, như dòng họ, tổ chức, hội, nhóm tự nguyện, hệ thống nhân vật có uy tín trong cộng đồng,... Cần hiểu đầy đủ, chính xác mới có thể đánh giá đúng và phát huy được vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới.

Việc áp dụng quá cứng nhắc các tiêu chí đã khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống chưa được phát huy

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2016 - 2020) đưa ra bộ 19 tiêu chí, với các thang đo cụ thể trên các lĩnh vực: tiêu chí về quy hoạch (1 tiêu chí); tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội (8 tiêu chí gồm: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư...); tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất (4 tiêu chí gồm: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất); tiêu chí nhóm văn hóa - xã hội - môi trường (6 tiêu chí gồm: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh). Bộ 19 tiêu chí này với các nội dung quy định chi tiết và cụ thể, các thang đo được thiết kế sẵn và áp vào từng cộng đồng để định ra hai mức đạt và chưa đạt.

Nhà văn hóa thôn, xã có chức năng chính là không gian tổ chức các cuộc họp, buổi tuyên truyền, tập huấn gắn với nhiệm vụ mang tính hành chính, nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với chức năng chính này, nhiều người cho rằng tên gọi “hội trường” phản ánh đúng hơn chức năng quan trọng nhất mà nhà văn hóa phải đảm nhiệm, đặc biệt là thiết chế ở cấp xã. Nhiều người dân, trí thức, nghệ nhân ở địa phương (như ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã mong muốn thêm chức năng bảo tàng cho nhà văn hóa, trưng bày công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân, song thực tế không dễ bởi nhà văn hóa áp dụng rập khuôn các quy định về bố trí khánh tiết. Mặc dù cũng đã có nhà văn hóa làm được điều này, nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt.

Việc quá chú trọng đến thiết chế văn hóa mới để đạt được các tiêu chí theo cách lượng hóa nên nhiều thiết chế văn hóa truyền thống chưa được huy động và phát huy công năng vốn có, nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác chưa có cơ hội được có mặt, được thực hành cùng với các hoạt động của phong trào xây dựng nông thôn mới.

Việc thực hiện hai tiêu chí về văn hóa và các tiêu chí khác trong CTMTQGXDNTM đi cùng với các nội dung, quy định chi tiết và cụ thể, áp dụng rộng khắp trên cả nước mang tính đồng dạng, đồng phục đã tác động một cách tổng thể và sâu sắc đến toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương, mà một trong những ảnh hưởng không mong đợi là sự suy giảm tính đa dạng văn hóa và tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của nhiều nhóm cộng đồng, tộc người. Các nhà văn hóa thôn, xã được đầu tư xây dựng theo một chuẩn như nhau của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch từ hình thức (diện tích, qui mô, kiểu dáng, chất liệu,...) đến trang thiết bị và phần nào đó là cả hoạt động. Người dân và nhiều khi là cả chính quyền cơ sở cũng rất khó khăn để có được tiếng nói của mình trong việc đề nghị làm nhà văn hóa theo đúng nhu cầu của người dân, ví dụ nhà văn hóa có thể là nhà sàn, nhà theo kiến trúc đình, nhà mái ngói,... miễn sao người dân cảm thấy thân thuộc, thuận tiện và phù hợp. Việc đồng nhất nhau theo một quy chuẩn của các công trình này dễ dẫn đến sự nhàm chán và ít nhiều làm mất đi sự gần gũi với bản sắc văn hóa địa phương.

Để huy động hiệu quả hơn nữa nguồn lực văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới cần quan tâm đến các vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, là sự thống nhất từ nhận thức đến các việc làm cụ thể, từ quan niệm, cách hiểu, cách nhìn nhận đến thực hành và cả thông điệp văn hóa. Quan trọng đầu tiên là cần hiểu đúng, đủ, cập nhật về văn hóa, văn hóa truyền thống, thiết chế văn hóa, văn hóa và phát triển, bản sắc văn hóa và ngay cả các khái niệm tưởng như đã quá quen thuộc, như nông thôn, nông thôn mới,... Chỉ khi hiểu đúng, hiểu rõ và cập nhật được các cách hiểu rộng, mở và sâu về nội hàm các khái niệm thì mới có được nền tảng lý luận và thực tiễn tốt để triển khai các thực hành cụ thể liên quan.

Thứ hai, việc định ra bộ tiêu chí nói chung và hai tiêu chí văn hóa nói riêng để làm thang đo mức độ đạt chuẩn của các cộng đồng nông thôn là hợp lý và chắc chắn là không có một bộ tiêu chí nào có thể bao quát được toàn bộ đời sống văn hóa vốn vô cùng đa dạng của các tộc người ở nước ta. Song, hệ thống tiêu chí này cần có sự mềm dẻo và linh hoạt hơn nữa ở các chỉ tiêu cụ thể và cách thức thực hiện; cần chú trọng thực tế, tôn trọng thực tế và nhìn nhận rõ tính hiệu quả của việc áp dụng các tiêu chí trong thực tế, từ đó biết cách tích hợp, huy động và sử dụng yếu tố văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, nền tảng văn hóa truyền thống ở làng/bản/buôn, thôn, xã là vô cùng đa dạng, phong phú, sống động và luôn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và duy trì sự ổn định, cân bằng cho cuộc sống của người dân. Chính nền tảng văn hóa truyền thống ấy tạo nên bản sắc của từng cộng đồng, tạo sự hấp dẫn, khác biệt cho từng vùng nông thôn và cũng tạo nên sự đa dạng văn hóa vùng miền, địa phương và tộc người ở nước ta.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới có thể huy động được nguồn lực văn hóa truyền thống, thậm chí có thể lấy đây là nền tảng vững chắc cho cả quá trình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kết hợp hài hòa, kế thừa hợp lý và vận hành giá trị văn hóa truyền thống phù hợp và phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa đương đại, tạo ra những cộng đồng nông thôn mới phát triển giàu bản sắc, tạo ra những người dân nông thôn - chủ thể văn hóa năng động, tự tin để xây dựng và phát triển quê hương.

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 64
(2) Xem: Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, https://luatvietnam.vn/xay-dung/quyet-dinh-800-qd-ttg-thu-tuong-chinh-phu-52861-d1.html
(3) Xem: Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22-02-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205378&classid=0

(Theo tapchicongsan.org.vn)