THƠ CHỌN - LỜI BÌNH:
Lớp học bên bờ sóng

NGUYỄN NGỌC PHÚ 06:14, 16/11/2023

Lớp học kề bên cột mốc
Chuông chùa vọng lại ngân nga
Tiếng trẻ học bài trong trẻo
Ngỡ như tiếng hót Sơn Ca (1)

Lớp học chung màu đồng phục
Thầy, trò cùng áo hải quân
Trang vở vỗ về tiếng sóng
Trời mây cùng đến quây quần...

Chữ O tròn như trứng vích (2)
Chữ A bỗng nhớ tiếng gà
Như thấy đất liền gần lại
Trong từng điệu hát dân ca...

Ngôi trường trên đảo Trường Sa
 Lớp học kề bên bờ sóng
Nét mực học trò tươi thắm
Tím như nước biển dập dờn...

Mai ngày các em lớn lên
Như cây phong ba qua bão
Bắt đầu bài học đầu tiên
Từ tình yêu người giữ đảo...

NGUYỄN QUỐC HUY 
(1) Sơn Ca: Là tên một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa.
(2) Vích: Là một loài rùa lớn ở quần đảo Trường Sa.

Niềm vui của con trẻ ở Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Niềm vui của con trẻ ở Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Lời bình: 

Trường Sa là một đề tài biển, đảo được nhiều người quan tâm và có những sáng tác hay. Đó là chủ đề tình yêu Tổ quốc, ca ngợi người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ đất nước. Có thể nói, trên quần đảo Trường Sa, ngoài cột mốc chính, còn có hai cột mốc: đó là ngôi chùa - cột mốc tâm linh và cột mốc “Lớp học bên bờ sóng” của Nguyễn Quốc Huy - Một bài thơ hay, viết giản dị mà cảm động, với bao chia sẻ, yêu thương, với bao năng lượng sống. 

Bài thơ được viết theo thể thơ sáu chữ tâm tình với mạch thơ tuyến tính tạo ra một giai điệu êm đềm, bền thắm ngược lại với sóng gió đại dương bão bùng. Lớp học như một hợp âm đàn với bao cung bậc ngân lên và lan tỏa lay thức. Đó là: “Lớp học kề bên cột mốc/ Chuông chùa vọng lại ngân nga/ Tiếng trẻ học bài trong trẻo”. Đây có lẽ là những âm thanh vang vọng bình yên hòa vào nhau với sự phát hiện khá thú vị của tác giả: “Ngỡ như tiếng hót Sơn Ca”. Ở quần đảo Trường Sa có đảo mang tên Sơn Ca (một loài chim). Tiếng chim trong trẻo tinh khôi, tiếng chim như báo hiệu một ngày mới, tiếng chim biểu tượng cho sự sống, sự ríu rít quây quần. Cả khổ thơ đầu đều là âm thanh, một âm thanh êm dịu. Khổ thơ thứ hai là sắc màu từ nghe đến thấy, từ xa đến gần. Tứ thơ như một ống kính quay cận cảnh, bắt được những nét tiêu biểu chọn lọc: “Lớp học chung màu đồng phục/ Thầy, trò cùng áo hải quân”. Và bất ngờ: “Trời mây cùng đến quây quần”. Thầy giáo là người lính hải quân đó cũng là một điều đặc biệt và dải áo hải quân bay như đám mây, như cánh chim hải âu thật đẹp, thật hiền hòa trong âm thanh “Trang vở vỗ về tiếng sóng”. 

“Lớp học bên bờ sóng” có lẽ là lớp tiểu học cho học sinh còn nhỏ tuổi mới qua mẫu giáo, mới lần đầu đánh vần làm quen với chữ A, chữ O, những chữ cái đầu tiên. Thật bất ngờ khi tác giả “bắt” được một hình ảnh so sánh rất ngộ nghĩnh hồn nhiên và đáng yêu thật gần gụi mà gợi bao liên tưởng thú vị: “Chữ O tròn như trứng vích/ Chữ A bỗng nhớ tiếng gà”. Biển, đảo đã trở thành thân quen trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày ở đây. Từ “trứng vích” đến “tiếng gà” là một sự chuyển hóa tâm trạng tạo ra những dư âm những tình cảm mến thương với nỗi nhớ đất liền da diết trong từng điệu hát lời ru dân ca của mẹ. Có thể nói “Lớp học bên bờ sóng” được định vị vững chắc bởi: “Nét mực học trò tươi thắm/ Tím như nước biển dập dờn”. Tất cả đã xây đắp nên một cột mốc vững chãi như là sự hiện diện của thế đứng tương lai, như sự biểu hiện của tình yêu Tổ quốc lớn lao. 

Khổ thơ cuối khép lại nhưng để mở ra bao khát vọng: “Bắt đầu bài học đầu tiên/ Từ tình yêu người giữ đảo”. Tình yêu ấy được vun đắp mãi mãi trường tồn bên bờ sóng trên đảo và các em cũng được luyện rèn ngay từ nhỏ để cứng cáp dẻo dai “Như cây phong ba qua bão”. Tình yêu ấy cũng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà các thế hệ nối tiếp nhau bảo vệ Tổ quốc thân yêu bắt đầu từ “Lớp học bên bờ sóng”.