Năm 1978, lần đầu tiên vượt đèo Ngoạn Mục để đến Đà Lạt mà tôi từng mơ ước. Lúc đó, trong tưởng tượng của mình, Đà Lạt như nàng tiên ảo ảnh. Đèo Ngoạn Mục thật ngoạn mục, hùng vĩ và tuyệt đẹp nhưng đèo D’ran mới để lại nhiều ấn tượng trong tôi.
Chiếc Peugeot 304 Coupe cũ kỹ vượt qua thị trấn D’ran (Đơn Dương), chậm chạp bò lên những con dốc ngoằn ngoèo trong rừng thông thâm u, chìm khuất trong sương mù dày đặc như lao vào cõi thiên đường bí ẩn. Với tôi, khi đó cái gì cũng lạ lẫm. Những cây thông già thân bạc phếu lần đầu tiên tôi được thấy. Những vườn cà phê, vườn chè cổ thụ xa lạ mà quyến rũ lạ thường ở Cầu Đất huyền hoặc, đặc biệt, không khí trong vắt như ngửi thấy được mùi thanh thản của thiên nhiên.
Trong hồi ký của nhà thám hiểm Alexandre Yersin, khi lần thứ 3 thám hiểm Đà Lạt, ông viết: “Về sau, tôi có dịp lên cao nguyên LangBiang theo những con đường khác và đặc biệt biết được con đường nối liền các đỉnh núi từ D’ran lên Đà Lạt qua Trạm Hành (Arbre Broyé), Cầu Đất (Entrerays), Trạm Bò (Le Bosquet) và cao nguyên LangBiang nhỏ (Petit LangBiang) mà viện Pasteur cách đây vài năm đã thiết lập một trạm thử nghiệm cây canh-ki-na”.
Cao nguyên LangBiang nhỏ chính là Cầu Đất, cao hơn Đà Lạt, đến 1.650 m so với mặt nước biển, mà sau này có cây cà phê Arabica huyền thoại, những đồi chè cổ thụ trăm năm tuổi mà tôi si mê.
Rồi cho đến một ngày, tôi đi lạc vào những cánh rừng hoa quỳ vàng: “Cảm ơn em đã viết cho anh những bức thơ tình/ Tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối.../ Cảm ơn em đã đi cùng anh trong vườn xanh/ Vườn trĩu trái, trái hồng như trái ngực” (Thơ tình tháng Chạp - Nguyễn Bắc Sơn), để số phận đẩy đưa tôi thành công dân của D’ran.
Tôi mê những cánh rừng vàng rực hoa quỳ, những cây hồng đến mùa rụng lá, đêm khuya lắng nghe những giọt sương Đơn Dương rơi rụng như chắt ra từ những cành cây hồng khẳng khiu nhưng đầy sức sống. Những mùa hồng trĩu quả, đẹp nhất là vào mùa quả chín, khoảng cuối tháng 8 đến cuối tháng 11, khi từ màu vàng nhạt chuyển sang màu cam đỏ rực một góc vườn.
Một đêm cuối năm, có việc từ Đà Lạt chạy xe về Đơn Dương, qua đèo D’ran. Trời rất lạnh, sương mù dày đặc nhưng rất ấm áp bởi ven đường là những nồi bánh tét của người dân đang nấu đón Tết. Những cành mai anh đào núi bán dọc ven đường ôm những nụ hoa chuẩn bị bung nở. Cung đường D’ran bỗng ấm áp và huyền ảo. Chợ Đơn Dương nhộn nhịp từ 3 giờ sáng, trong tiếng vó ngựa ký ức và sâu thẳm, đầy sức sống quyến rũ lạ thường.
Họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Công Sơn cũng từng mê Đơn Dương như điếu đổ. Trong di cảo thơ của Đinh Cường để lại, nhất là những năm tháng ở nước ngoài, Đơn Dương được ông nhắc đi nhắc lại trong nỗi khắc khoải nhớ mong: “Nhớ khói lam chiều lan xa trên sườn núi/ những đoạn đường đèo hoang vu trên Đơn Dương/ tiếng lục lạc của chiếc xe thồ cũ kỹ/ móng ngựa mòn rơi trên đường...”.
Hơn 40 năm ở TP Hồ Chí Minh, ký ức D’ran vẫn chật kín trong tôi. Những Ka Đô, Lạc Xuân, Tu Tra, Lạc Nghiệp, Trạm Hành..., đặc biệt Cầu Đất luôn làm tôi khắc khoải nhớ thương.
Trong nhật ký thám hiểm Đà Lạt của Yersin, ông cũng nhắc đến miền đất Đơn Dương: “Bây giờ thì giấc mơ thám hiểm cao nguyên Lâm Viên của tôi đã trở thành hiện thực. Khí hậu ở cao nguyên này thật giống khí hậu vùng ôn đới. Nó làm tôi có cảm tưởng mình đang ở một khu rừng châu Âu. Màn sương giăng kín trời lành lạnh, tiếng côn trùng rả rích. Cuộn tấm chăn làm gối, tôi kê đầu lên và nằm bên ánh lửa bập bùng. Khép đôi bờ mi, tôi nhớ lại cảnh tượng và cảm xúc ban chiều, cái khoảnh khắc vừa bước ra khỏi rừng thông ngút ngàn, cao nguyên rộng lớn mở ra trước mắt. Núi rừng, suối thác và trùng điệp những ngọn đồi, tất cả tạo nên một quang cảnh tuyệt vời...”.
Và ông ước ao: “Khi nào tôi chết đi, hãy liệm tôi nằm sấp để tôi được ôm vĩnh viễn mảnh đất này...”.
Yêu Đà Lạt, Lâm Viên như Yersin là một tình yêu bất tử.
Mỗi lần về Đà Lạt, tôi đều đi xe máy vượt đèo D’ran về Đơn Dương. Có khi tôi nghỉ giữa đường, nhà một người quen, khi thì thuê một khách sạn bên đường để chờ buổi sáng uống một ly cà phê Arabica thơm ngát, một bình trà xanh màu xanh Cầu Đất và ngắm sương sáng giăng giăng.
Tôi có ước mơ tuyến đường sắt răng cưa được khôi phục để chúng ta có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của LangBiang nhỏ và bạn có thể ngắm Đơn Dương, Cầu Đất ở một góc độ khác huyền ảo hơn nhiều.
Tết này tôi sẽ về Đơn Dương, sẽ vượt đèo D’ran trong sương để sống với ký ức, cũng là một cách tự làm lành, tự nạp năng lượng cho mình. Loại năng lượng đó chỉ có thể tìm thấy được trên cung đường đèo D’ran yêu dấu...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin