Người ta bảo rằng: Nhiếp ảnh dạo không chỉ là nghề nghiệp, đó là cách cuộc sống được chứng nhận qua ống kính, là ngôn ngữ của những người muốn kể chuyện mà không cần lời. Vậy nhưng sự bùng nổ của công nghệ và phổ biến của smartphone với camera chất lượng cao, ngày nay, nghề nhiếp ảnh dạo đã đối mặt với thách thức lớn. Từng là biểu tượng của quá trình sáng tạo và nghệ thuật, nghề này liệu có thể vượt qua sự cạnh tranh để tồn tại?
Đằng sau mỗi bức ảnh là cảm xúc chân thành với từng đường nét của khuôn hình |
“Chụp hình không chị ơi? Hình bảo đảm đẹp và chất. Chụp hình không anh ơi? Chụp vài tấm để làm kỷ niệm nhé!”. Đó là những lời mời chân thành, liên tục của một người nhiếp ảnh dạo tại khu vực vườn hoa tại ấp Ánh Sáng, Đà Lạt. Vậy nhưng, đáp lại những lời mời ấy chỉ là những cái lắc đầu và cảm ơn, để lại sự thất vọng và nỗi buồn man mác cho người nhiếp ảnh dạo… Đứng mời khách ở đây hơn 2 tiếng đồng hồ, những đoàn khách du lịch từ Nha Trang rồi đến Vũng Tàu, từ Ninh Thuận rồi đến TP Hồ Chí Minh, người thợ nhiếp ảnh dạo ấy cứ mời, cứ chờ đợi, hy vọng nhưng cuối cùng nhận về vẫn là những cái lắc đầu. Mệt và có phần chán nản, ngồi xuống chiếc ghế sát vườn hoa để nhìn những đoàn khách chụp hình bằng điện thoại thông minh, trong đôi mắt của người thợ nhiếp ảnh ấy có một nỗi buồn không gọi thành tên… “Ế lắm, khách lên du lịch, tham quan đông mà họ không chụp vì ai cũng có điện thoại cá nhân hết rồi. Nhiều khi cả ngày không chụp được tấm nào. Những người luống tuổi thì may ra họ chụp nếu đi một mình. Những người này mình mời có khi họ ủng hộ, còn người trẻ hầu như không ai chụp cả. Nghề này không còn như xưa nữa”. Một nhiếp ảnh dạo tại TP Đà Lạt trải lòng.
Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng. Hàng năm, nơi đây đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nghề nhiếp ảnh dạo từng là niềm tự hào của những người nghệ sĩ nhiếp ảnh trước đây. Họ đi khắp nội thành cho đến vùng ngoại ô, những điểm du lịch nổi tiếng để nhiếp ảnh phục vụ khách lẽ và khách đoàn. Là một người gắn bó với nghề nhiếp ảnh dạo hơn 10 năm, anh Sỹ Nguyễn, ngụ tại Đà Lạt từng xem nghề nhiếp ảnh dạo là “cứu cánh” của đời mình vì ngày đó, nhiếp ảnh dạo là nghề “hái ra tiền”. “Ngày trước chụp ảnh dạo sướng lắm. Mình thường chụp ở hồ Than Thở. Một ngày trừ chi phí, công cán rửa phim, tráng ảnh, thu nhập 7 - 8 trăm ngàn là chuyện bình thường. Thời đó, đi chơi, đi du lịch mấy ai có máy ảnh mang theo. Công nghệ ngày xưa không như bây giờ…”, anh Sỹ Nguyễn bỏ lững câu chuyện với tôi với tiếng thở dài đầy tâm trạng.
Yêu và đam mê với nghề chụp ảnh là vậy nhưng anh Sỹ Nguyễn không cầm cự, gắn bó dài lâu với nghề nhiếp ảnh dạo được. Lực bất tòng tâm, máy ảnh không thể tiện ích bằng điện thoại thông minh nên dù yêu nghề nhưng anh Sỹ Nguyễn đành phải ở nhà làm việc khác. Vậy là đành gác lại đam mê, gác lại cuộc sống mưu sinh từ nghề nhiếp ảnh dạo. Những ống kính, những body máy ảnh với các thương hiệu như Canon, Sony được chủ nhân cất vào tủ. Bỏ nghề hơn 3 năm nay, mỗi khi nhớ nghề, nhớ những chuyến đi, anh Sỹ Nguyễn lại mang máy ảnh ra lau chùi rồi lại cất đi. Với anh Sỹ Nguyễn, nhiếp ảnh dạo giờ là cái nghề chỉ còn lại trong ký ức.
Một trong những thách thức lớn nhất mà nghề nhiếp ảnh dạo đang phải đối diện chính là sự cạnh tranh từ công nghệ. Smartphone ngày càng được trang bị các camera chất lượng cao, giúp mọi người dễ dàng chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến sự trợ giúp của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cũng đang ngày càng trở nên thông dụng, giúp người dùng tạo ra những bức ảnh đẹp mắt mà không cần đến kỹ thuật quá điêu luyện. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng chụp ảnh và chia sẻ chúng trên các mạng xã hội chỉ trong vài giây. Điều này làm mất đi sự độc đáo và giá trị của những bức ảnh được tạo ra từ người thợ nhiếp ảnh dạo.
Đà Lạt những ngày đầu năm mới, không khí mùa xuân đang rộn rã. Trời đẹp, Tết đang đến rất gần. Xa xa những nhiếp ảnh gia đang rảo bước quanh hồ Xuân Hương. Cầm máy ảnh, thi thoảng có người dừng lại ngắm nghía, ghi lại những khoảnh khắc, những nét đẹp từ thiên nhiên để khỏi nhớ nghề. Từ nhiếp ảnh phục vụ du khách, nhiếp ảnh để kiếm sống, cũng có người chuyển qua nhiếp ảnh vì… đam mê. Mặc dù đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, nghề nhiếp ảnh dạo vẫn giữ được một số lợi thế và giá trị đặc biệt. Trong thời đại mà mọi thứ đều trở nên số hóa và tự động, sự tinh tế và sáng tạo của con người vẫn được đánh giá cao. Nhiếp ảnh dạo vẫn là nghệ thuật, là khả năng nắm bắt khoảnh khắc đặc biệt, làm nổi bật vẻ đẹp và ý nghĩa của một bức ảnh. Anh Thành Trung, một nhiếp ảnh dạo ở TP Đà Lạt đã tìm cho mình một lý do rất thú vị để nói về nghề này: “Dù có nhiều thay đổi và thách thức, nghề nhiếp ảnh dạo vẫn có ý nghĩa riêng của nó. Dù không có thu nhập cao như ngày xưa nhưng vẫn còn người thích chụp ảnh gửi file. Tôi không chỉ chụp ảnh, tôi tạo ra câu chuyện, lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống của người khác. Đó là điều mà công nghệ không thể thay thế được”.
Nhiếp ảnh dạo - nghề đã “lỗi thời, lỗi mốt” trong thời đại công nghệ nhưng tự thân nó vẫn còn nguyên những nét đẹp, giá trị vốn có. Với trái tim đầy ắp tình yêu và gắn bó với nghệ thuật của mình, những nhiếp ảnh dạo như một nghệ sĩ lao động chân chính, thực thụ giữa bức tranh cuộc sống. Mỗi khoảnh khắc được chụp là một dấu ấn tâm huyết, là một chặng đường của sự kết nối và gắn bó với thế giới xung quanh. Đằng sau mỗi bức ảnh là một ký ức, là sự tương tác chân thực với môi trường xung quanh, là cảm xúc chân thành với từng đường nét của khuôn hình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin