Ảnh: V.Trang |
Hai bản sắc rõ nhất của Đà Lạt mà đã tới là phải nhớ và về thì rất lâu quên, là dốc, những con ngõ dốc, và hoa.
Bắt đầu là những ngoắt ngoéo phố và dốc.
Nhiều nơi có dốc chứ chả riêng gì Đà Lạt. Phàm là các thành phố ở miền núi thì phải có dốc. Sa Pa, Tam Đảo, Gia Nghĩa, Hà Giang, Sơn La... và Pleiku nơi tôi đang sống, đều dốc. Là tôi kể bất chợt thế. Nhưng dốc trở thành ký ức, trở thành dấu ấn, thành nơi để thỏa mãn thú tò mò, thú quan sát, trở thành địa điểm du lịch, tham quan và check in, tức thành đặc sản... thì chỉ có Đà Lạt.
Tôi từng có những buổi lẵng nhẵng đi theo anh chàng nhiếp ảnh lãng tử của Đà Lạt, một “sản vật” Đà Lạt, chết danh Phước “khùng”, ngoắt ngoéo theo những con dốc ngõ ấy. Ngay ngôi nhà của cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm bạn tôi, lần đầu tôi đến, nhớ là cũng phải leo một con dốc khá cao mới lên.
Trước khi là dốc ngõ đẹp, nó là thử thách.
Từng ở Pleiku đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi đã nếm đòn... không có nước sinh hoạt khi ở trên đầu những con dốc. Thời ấy nước chưa có như bây giờ, một tuần chảy một lần, lên tới đỉnh dốc là nước rất yếu. Phải sắm rất nhiều phuy, chum, vại, xoong, chậu... để trữ nước, chứ đừng mơ nước lên nóc nhà như bây giờ.
Để thấy, người Đà Lạt đã rất kiên định khi cương quyết giữ những ngoắt ngoéo dốc bản sắc Đà Lạt chứ không chỗ thấp thì đổ cho cao, chỗ cao thì san cho bằng như một số đô thị miền núi, trong đó có Pleiku. Không vì tiện lợi cho sinh hoạt trước mắt mà phá vỡ đặc ân của trời cho, mà cũng là thử thách của trời đối với con người trước khi đến với thiên đường của cái đẹp.
Và gì, nó không chỉ là dốc, là ngõ, là nhấp nhô, là nhà... mà là những... bất ngờ.
Những cái đẹp bất ngờ ở những con dốc ấy đợi ta.
Nó là những cái ban công rất đẹp, treo, trồng đầy hoa và cây xanh.
Là những ngôi nhà kiến trúc rất hợp với cảnh quan. Nó không đều tăm tắp ống, chằn chặn vuông thành sắc cạnh bê tông, lạnh lẽo và vô cảm những cửa sắt kéo hoặc cuốn... nó, mỗi góc, mỗi cạnh, mỗi nhô ra thụt vào... là một thế giới thắc thỏm, là một hơi thở, là một mỉm cười, là một hụt hơi, là một hồi hộp, là một mời gọi, là một sinh thể đầy sức sống chào ta đón ta, để ta vỡ òa trong hân hoan phát hiện và bất ngờ...
Nó làm Đà Lạt sinh động lên từ chính sắt thép xi măng mà nơi nào cũng có, nhưng đến Đà Lạt, nó thành... Đà Lạt. Một Đà Lạt màu sắc mà không phô phang sặc sỡ, một Đà Lạt thâm trầm mà không ngái ngủ, một Đà Lạt tinh khôi mà không mới kiểu vôi ve, một Đà Lạt chậm nhưng vẫn đô hội, Đà Lạt đến để thụ hưởng, để thư giãn, để chiêm ngắm, để yêu nhau và cả yêu... mình.
Đêm Đà Lạt, những ly cà phê, những giọng ca từ một quán Trịnh, và không chỉ Trịnh, giờ đây Đà Lạt còn là một thành phố của âm nhạc. Cố tình co ro trong tà áo len mỏng, ta tận hưởng Đà Lạt, cũng chính là tận hưởng mình.
Một thời Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố không có đèn giao thông, nhưng té ra, cũng khó mà cưỡng sự phát triển, nên đành.
Cũng như thế, một thời nhà kính Đà Lạt cũng là đặc sản, cũng là nơi khách du lịch tham quan, nhưng giờ, nghe nói nó cũng là tác nhân gây biến đổi khí hậu Đà Lạt.
Nhưng Đà Lạt còn hoa.
Nói gì thì nói, Đà Lạt vẫn là, luôn là, mãi là, thủ phủ hoa.
Thì như trên tôi viết, thực ra, nếu chỉ những con dốc vô hồn, những góc nhà trơ lạnh, những khúc quanh khô khốc... thì chả có gì đáng nói. Người Đà Lạt, từ trong máu, họ đã yêu hoa và biết cách dùng hoa trang trí. Vậy nên bất cứ chỗ nào có thể, họ đều mời hoa ngự lên. Nên các góc nhà, ban công nhà, cửa sổ, cửa chính nhà, bậc thềm nhà... họ đều khéo léo trưng hoa lên đấy. Và trưng rất nghệ thuật chứ không phải được chăng hay chớ. Có chỗ đầy dụng ý, cầu kỳ tới từng dáng cong của lá hoa, có nơi thì lại như lơ đãng, như tiện thể, quăng ra đấy, vứt lên đấy... những chậu, những nhánh, những cành... nhưng nó lại vô cùng hòa hợp với khung cảnh xung quanh, nó khiến ta mê mẩn, ta bất ngờ và ta rưng rưng.
Là thành phố đầu tiên tổ chức Festival Hoa, tới giờ đấy vẫn là thương hiệu của xứ này. Bây giờ người ta tổ chức nhiều thứ festival, từ chiêng cồng, thổ cẩm tới tôm cua, lúa gạo, nhưng tôi thấy, cái Festival hoa nó vẫn thanh cao, tao nhã, văn hóa và trữ tình nhất. Nó tôn con người, nó làm sang cho cái thành phố nó thể hiện và biết cách dùng nó thể hiện. Nó biến Đà Lạt thành một thành phố độc đáo, hết sức độc đáo, không nơi nào có dẫu họ cũng có dốc, có hoa, có mưa, có lạnh nữa.
Thì ra, nó lại còn là con người. Những con người Đà Lạt, dẫu gốc ở đấy hay mới tới định cư, mới trở thành người Đà Lạt.
Thì đã bảo, người Đà Lạt rất yêu hoa và biết cách yêu hoa. Họ yêu hoa từ trong máu, từ trong hơi thở, như một lẽ đương nhiên, không cầu kỳ, không thể hiện.
Thì cứ nhìn những ngôi nhà, những khối bê tông cũng xù xì như các khối bê tông khác, nhưng ở xứ mưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt này, thì còn cần bê tông kỹ hơn nữa. Rồi những bậc tam cấp rất dài rất rộng để từ phố này có thể nối sang phố kia, rồi những khúc quanh đầy đá... nếu không có hoa, có cây xanh, không biết bày nó, thì nó sẽ như thế nào, mà mưa thì xám thế, mà trời thì lạnh thế, mà sương mù thế...
Như thể, con người Đà Lạt sinh ra là để chăm sóc hoa, sử dụng hoa, nâng niu hoa và đặt hoa đúng vị trí của nó. Và cũng ngược lại, hoa sinh ra là để dành cho người Đà Lạt.
Một thứ nữa, Đà Lạt cũng làm được, giữ được mà các nơi khác rất khó, là rừng trong phố.
Nhiều tỉnh cao nguyên, nhiều thành phố có núi, có rừng muốn điều này mà không được.
Tất nhiên Đà Lạt cũng đã mất nhiều. Nhưng những gì còn, nó vẫn xứng đáng được gọi là rừng, rừng trong phố và rừng làm nên đặc trưng phố. Phố Đà Lạt có rừng, có dốc và có hồ.
Năm 2007, có một người tới đất này, đi một mình, để rồi “Đà Lạt hoa sương muối/ em lang thang giấc ngủ không dầy/ vân vi cúi mặt nhìn mây/ tìm may mắn giữa hằng hà sa số.../ không tìm ra nhau/ không may mắn/ bao nhiêu tưởng tượng như mây/bồi hồi ngọn thông cao vút/ chẳng lẽ mình mãi mãi lạc nhau?... nở lại đi bông hoa dại ven đường/ cỏ Đà Lạt xanh mềm thiếu nữ...”.
Vâng, cỏ Đà Lạt cứ mãi xanh và hoa Đà Lạt mãi nở, phố Đà Lạt luôn mềm và những con người vẫn hết sức đáng yêu..
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin