Trên những phiến đá phong rêu ở Cung đường Nghệ thuật - Lý Tự Trọng, một Đà Lạt cũ đang hiển hiện, tựa những âm bản trong một cuốn phim xưa.
|
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn |
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn hiện là một nhiếp ảnh gia, nhà giám tuyển độc lập. Anh còn là một giảng viên, giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Thế Sơn tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật và Nghệ thuật Thực nghiệm ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (KAFA). Các tác phẩm của anh thường đậm chất nghiên cứu xã hội học, những chất vấn và suy tư ký ức, những giá trị nhân văn bị đổ vỡ... Anh đã thực hiện trên 20 cuộc triển lãm cá nhân và tham gia rất nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới: Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc... Tác phẩm của anh đã được sưu tập tại một số bảo tàng như: Worcester Art Museum, Đại học RMIT, Bảo tàng Nghệ thuật SAFA, Bảo tàng Mỹ thuật Tư nhân Trần Hậu Tuấn. Nguyễn Thế Sơn cũng mở hướng kết nối nghệ thuật đương đại với các không gian công cộng thông qua các dự án: Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật trong hầm Nhà Quốc hội và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân... |
Khởi đầu là một vùng đất hoang sơ, chỉ lác đác mấy bon người Làc và người Cil, Đà Lạt dần trở thành nơi tụ cư của dân trăm miền. Trên hành trình thiên lý đến Đà Lạt, rất nhiều con người đã qua, rất nhiều cung đường đã mở, rất nhiều phương tiện đã đi lại, rất nhiều khung cảnh đã hiển lộ, cùng kể những câu chuyện về một miền đất lành thuở sơ khai, gắn chặt với những cuộc thiên di của cộng đồng cư dân miền Bắc, miền Trung, miền Nam, và... cả những người ngoại quốc. Ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tĩnh, ấp Ánh Sáng..., rồi Thái Phiên, Đa Thiện, Vạn Thành... lần lượt ra đời như là hệ quả tất yếu của quá trình thiên di để trụ vững. Chính những cuộc thiên di ấy, mở một lịch sử gần cho Đà Lạt, lịch sử về những con người, những cung đường, những phương tiện di chuyển trên xứ sở Lang Biang. “Tác phẩm của tôi lấy cảm hứng từ những cung đường ở Đà Lạt, những vùng âm bản của đời sống thuở cha ông đi mở đất lập làng. Rất nhiều phương tiện di chuyển đã qua lại trên những cung đường ấy: xe đạp, xe máy, xe xích lô, xe ngựa, xe ô tô, tàu hỏa và bộ hành... Nó gợi lại ký ức về lịch sử hình thành những cung đường, cả sự biến đổi của những nơi chốn có cung đường ngang qua”, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ.
|
Tàu hỏa |
|
Voi, phương tiện vận chuyển người và hàng hóa |
Gợi khơi ký ức, anh đã làm tỏa rạng một Đà Lạt xưa cũ, lấp lánh vẻ đẹp trong lành, xen lẫn chút lấm bụi, sự kham nhẫn. Đà Lạt trong con mắt nghệ thuật của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn rất thật. Thật như cảnh đấy, người đây, phương tiện nọ, ta vẫn gặp ở đâu đó trên đường. Thật như khi ta lần giở cuốn album ảnh cũ, rồi bắt gặp người cũ, cảnh cũ, phương tiện cũ. Thật như khi ta ngồi ở quán cà phê nhỏ của bà cụ già, uống một ly cà phê nóng, nghe bà tỉ tê kể những câu chuyện ngày xưa. Thật như ta vẫn thấy những người K’Ho xuống phố, nhẫn lành đi trên vệ đường. “Trước hết, tôi tuyển chọn những bức ảnh (ảnh đen trắng, ảnh màu) chụp về con người, phương tiện từng xuất hiện trên những cung đường xưa ở Đà Lạt, phù hợp với ý tưởng nghệ thuật của mình. Sau đó, tôi đem in các bức ảnh đã tuyển chọn lên giấy dó và bồi lên những phiến đá, tạo nên những cung đường ký ức”, anh nói về cách tạo ra “Ký ức những con đường”, dự án nghệ thuật đang diễn ra tại Cung đường Nghệ thuật - Lý Tự Trọng.
|
Dốc Nhà Bò Đà Lạt, một điểm check in thú vị của các bạn trẻ.Ảnh: Chính Thành |
Trải qua 130 năm, những con đường ở Đà Lạt cũng dần thay đổi. Tuy nhiên, những hồi quang về nó thì vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Tài năng của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn là đã tìm ra một manchette (những phiến đá phong rêu) phù hợp để thể hiện những bức ảnh đậm màu ký ức. Dưới ánh sáng của một nghệ sĩ thị giác, anh mang tới cho người yêu nghệ thuật cảm xúc về một Đà Lạt xưa cũ, những ký ức âm bản còn sót lại của thời cha ông đi mở đất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin