Nhà văn Nguyễn Văn Tàu - Tư Cang: Viết để kể chuyện

VÕ THU HƯƠNG 10:38, 29/04/2024

(LĐ online) - Từng là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 anh hùng, Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nhà văn Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) đã kể lại những câu chuyện về cuộc đời chiến đấu của mình và đồng đội. Những cuốn sách của ông, bên cạnh tư liệu có giá trị lịch sử còn là tiếng lòng của một người anh hùng không quản ngại, sẵn sàng hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Nhà văn Tư Cang
Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhà văn Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) 

Nhiều nhà văn, nhà thơ viết từ trong kháng chiến, còn với nhà văn Nguyễn Văn Tàu -  Tư Cang, phải khá lâu sau những ngày cầm súng ông mới cầm bút. Khi còn là Cụm trưởng Cụm  tình báo H63, nổi tiếng hai  tay hai súng diệt thù, ông có từng nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn?

Tôi viết từ khi về hưu, chính xác là năm 1988 mới bắt đầu viết vì đó là dịp 20 năm Mậu Thân. Khi ấy, mọi người cãi nhau khá nhiều về Mậu Thân. Nhiều người cho rằng chiến dịch đó là sai lầm vì chết nhiều quá, là người từng tham gia chiến dịch, tôi tức mình viết về Mậu Thân 68, về chính câu chuyện của những người trong cuộc. Chiến dịch Mậu Thân là thời gian chúng tôi đã cùng chiến đấu không tiếc máu xương, đồng đội của tôi hy sinh gần hết, ngay trong lòng Sài Gòn. Mục đích viết của tôi lúc ấy, đơn giản chỉ để giải thích những lợi ích của Mậu Thân, để phản bác những ý kiến cho rằng đó là sai lầm, bởi suy nghĩ ấy không đúng và vô ơn với xương máu của những người đã hy sinh.

Sau khi sách ra, nhiều cán bộ của cơ quan Thành đội Thành phố Hồ Chí Minh gặp tôi nói rằng, đọc sách của chú mới biết vì sao chúng ta đánh đợt hai khi đợt một đã hao binh tổn tướng nhiều đến thế. Lực lượng võ trang của Thành đội vẫn thường hay báo cáo về chiến tích khi các nước tới, họ coi cuốn sách như một tài liệu để hiểu rõ hơn về Mậu Thân vào thời điểm đấy.

Lúc bấy giờ, nhiều người hỏi tôi, sau Mậu Thân, hy sinh đến 80% lực lượng biệt động; vào đợt 2, trưởng cánh Bắc của ta bị pháo bắn chết, phó cánh hèn nhát đi đầu hàng mà mình quyết tâm đánh đợt 2 là ý thế nào? Cuốn sách giúp mọi người hiểu được vì sao chúng ta đánh đợt 2, hiểu được chính đợt 2 làm cho Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, bởi khi chuẩn bị đánh đợt 2 thì phương châm nghị quyết của cấp trên đưa xuống là “đánh nhồi, đánh bồi, liên tục tấn công” - thành ra dù phải hy sinh thêm một lần nữa, các đơn vị vẫn sẵn sàng đánh đợt 2. Tất cả điều ấy được viết trong cuốn Sài Gòn Mậu Thân năm 1968 – cuốn sách đầu tay của tôi. Ông Hà Mộng Nhai, Giám đốc NXB Văn hóa văn nghệ lúc đó nói sau khi đọc: Cuốn sách hay quá! Đề nghị kết nạp vào Hội Nhà văn. Bản thân tôi không nghĩ mình viết hay, tôi chỉ viết sự thật, mà chính vì câu chuyện Mậu Thân đã là một câu chuyện nhiều người quan tâm, xúc động, ý nghĩa.

Tiểu thuyết Hoàng hôn trên chiến trường của nhà văn Tư Cang
Tiểu thuyết "Hoàng hôn trên chiến trường" của nhà văn Tư Cang

Trong những cuốn sách của mình, nhà văn thích nhất là cuốn nào?

Chắc là cuốn Sài Gòn Mậu Thân năm 1968 bởi ngoài chuyện viết để kể lại câu chuyện của mình mà cuốn sách còn giải tỏa được giúp người khác hiểu được ý nghĩa của Mậu Thân khi mọi người vẫn còn hoang mang bây giờ Bộ Chính trị đã khẳng định Mậu Thân là một chiến công oai hùng của dân tộc nhưng ngày đó những tranh cãi về Mậu Thân còn rất nhiều.

Vào thời điểm mọi người vẫn còn bàn chuyện có nên đánh đợt 2 nữa hay không và nên đánh như thế nào. Trưởng tình báo lúc ấy là thiếu tướng Sáu Trí mới điện xuống - lúc ấy tôi đang ở Bến Cát đang chỉnh huấn cho đơn vị thì nghe chỉ thị: Hãy vô thành lấy cho được bản cung của Trung tá Trần Văn Đắc (tức Tám Hà), Phó Chủ nhiệm chính trị của cánh quân phía Bắc ra đầu hàng, đem về đây gấp. Lúc ấy Sáu Trí là người thông báo về việc một cán bộ cao cấp của ta ra đầu hàng giặc, tôi đi mà không biết cán bộ cao cấp của mình là ai. Ra đường mới thấy báo chí đưa tin: Thượng tá Tám Hà đã trở về với chánh nghĩa quốc gia. Trong tấm hình trên báo, Tám Hà đứng chính giữa, Westmoreland một bên, Phạm Quang Thuần là Đại tá Tỉnh trưởng Sông Bé đứng một bên.

Nắm được tin, tôi liền cởi áo ra, đi xe ôm xuống Sài Gòn gặp Phạm Xuân Ẩn. Lúc ấy gặp Phạm Xuân Ẩn chỉ cần tới điểm hẹn cà phê Givral, cứ sáng sáng ông Ẩn sẽ ngồi ở đó. Là điệp viên nổi tiếng, đồng thời là nhà báo giỏi nên ông Ẩn hay lui tới nơi này nơi kia và có nhiều chân rết. Ông Ẩn chở tôi lại trước Lăng Ông. Một nhân viên giữ hồ sơ của bên kia (là người quen ông Ẩn) cho mượn tài liệu trong 15 phút. Sau khi lấy được hồ sơ, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nói với Phạm Xuân Ẩn, nhờ anh hãy nghe ngóng thông tin từ những nhà báo, tình báo của phương Tây xem phản ứng của Mỹ trước tình hình Việt Nam hiện nay. Ông Ẩn đi nghe ngóng từ tình báo phương Tây, nắm được thông tin sau khi Trung tá Tám Hà khai hết, kể cả việc giấu vũ khí, chuẩn bị sẵn sàng đánh đợt 2, khiến tổng thống bên nó sợ là Việt cộng đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Phía Mỹ cho biết, nếu để Việt cộng đánh đợt 2 thì chỉ còn thương lượng và rút quân khỏi miền Nam thôi.

Thông tin đó càng củng cố niềm tin về trận đánh tiếp theo bởi “Mỹ cút” thì “Ngụy mới nhào”, tôi liền điện báo về trên, đề nghị các anh nếu đã chuẩn bị sẵn sàng thì chấp nhận hy sinh đánh một đợt nữa. Ông Sáu Trí là Trưởng phòng tình báo sau đó gửi điện xuống khen và đề nghị biểu dương. Lúc này không ai bàn luận gì, tất cả đều đưa tay đồng ý đánh, và 4/5/1968 là bắt đầu chiến dịch Mậu Thân lần thứ hai.

Lúc bấy giờ chúng tôi xác định vô thành đánh thì chắc chắn phải hy sinh. Lần thứ 2 này mình không đánh bằng biệt động nữa mà đánh bằng trung đoàn, tiểu đoàn bởi vì lực lượng biệt động lúc đấy còn không đáng kể, cá biệt có trung đoàn do Hai Hoàng là Trung đoàn trưởng, đánh từ trên Chợ Thiếc, vòng xuống quận 8, Quận 6, thì từ 400 – 500 người chỉ còn 11 người mà thôi. Ông Trung đoàn trưởng lúc đấy đã đưa súng cho cô Võ Thị Tâm dặn: Em hãy giả ra làm thường dân chạy loạn, cầm cây súng này đưa về cho Bộ Chỉ huy phân khu 2 nói Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần hy sinh thời đấy là như vậy đấy – đánh đến tận những người cuối cùng.

Nhà văn Tư Cang giao lưu, chia sẻ cùng sinh viên
Nhà văn Tư Cang giao lưu, chia sẻ cùng sinh viên

Ngày đại thắng mùa xuân 1975 đối với ông ắt hẳn có nhiều kỷ niệm?

Lúc bấy giờ tôi còn đi học ở miền Bắc mới xong 1 năm, còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp. Khi tôi trở vào nhận nhiệm vụ thì 8 ngày sau Dương Văn Minh đầu hàng. Tôi có hỏi những người tham mưu về việc trở lại chiến trường miền Nam, mọi người nói rằng có chuẩn bị phương án đánh đường phố nội thành nếu ông Minh không chịu đầu hàng. Và tôi nhận nhiệm vụ Chánh ủy Lữ đoàn đặc công, là đơn vị đi đầu đánh trước phía bên trong để cho đại quân tiến vô. Khi đang cùng bàn nhau kế hoạch sẵn sàng tác chiến cùng trợ lý pháo binh của Quân đoàn 3 từ cánh Củ Chi xuống thì đồng bào và chiến sĩ chạy tới reo vang: “Trời đất ơi Dương Văn Minh đầu hàng rồi!”. Lúc ấy, chúng tôi xếp bản đồ tác chiến lại, nói với nhau: Đầu hàng rồi thì bắn pháo làm chi nữa! Anh pháo binh nói, thôi tôi trở về đơn vị, đơn vị ông ấy đóng ở Củ Chi còn đơn vị của tôi đóng ở Hóc Môn.

Khi thấy tôi bần thần vì xúc động. Một đồng chí trêu: “Bộ anh tiếc chuyện phải ngưng học đi vào lắm hả?”. Tôi cười nói: “Không, Dương Văn Minh đầu hàng tôi sướng chứ. Buổi tối nay tôi sẽ về kiếm vợ tôi, 28 năm rồi chưa được gặp lại!”.

Lúc xa nhau, chúng tôi cưới chưa lâu, vợ mang bầu, còn sống ở Bà Rịa. Giặc Pháp càn rất dữ. Tôi nói với vợ, thôi em lên Sài Gòn sanh đẻ nuôi con, tránh giặc, anh phải đi vô rừng. Đêm 30/4 là đêm đầu tiên sau 28 năm tôi “đi vô rừng” và xa biền biệt được quay về với vợ và lần đầu tiên được gặp con khi nó đã là người mẹ trẻ có con gái tuổi lên 3. Nhớ mãi, khi đi gần đến nhà, tôi gọi to “Nhồng ơi, Nhồng ơi”, cũng mang máng biết vợ con ở vùng đó nhưng không biết cụ thể nhà nào. Ngày trước viết thư cho chồng, vợ có kể chuyện ở nhà đặt tên con là Nhồng, tên một loài chim biết nói, vợ không kể chuyện đi học con tên Giang nên cả vùng đó nghe gọi mà không ai biết Nhồng là ai. Tôi có hỏi hàng xóm có biết nhà hai mẹ con sáng sáng vẫn đi làm bên ngân hàng không? Người hàng xóm ngớ ra, à vậy là nhà cô Giang rồi. Ở đằng kia kìa!

Tôi lại căn nhà đó và lại gọi “Nhồng ơi, Nhồng ơi!”. Vợ chạy ra mở cửa, mừng rỡ xúc động một lúc mới nói: “Nghe kêu tên Nhồng em biết chỉ có anh mà thôi”. Lúc đó chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài đứng ôm hôn nhau, bù cho những tháng ngày thanh xuân xa cách. Những kỷ niệm khắc sâu một đời này tôi có viết trong cuốn sách Nước mắt ngày gặp mặt.

Cảm ơn nhà văn đã chia sẻ!

Nhà văn Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, biệt động Sài Gòn. Ông sinh năm 1928 tại Bà Rịa Vũng Tàu, đi kháng chiến chống Pháp từ 1945. Bằng thực tế chiến đấu dữ dội đã trải qua, ông đã viết nhiều tác phẩm giá trị: Sài Gòn Mậu Thân 1968, Tình báo kể chuyện, Nước mắt ngày ngày gặp mặt, Trái tim người lính, Bến Dược vùng đất lửa, tiểu thuyết Hoàng hôn trên chiến trường…

1962, Tư Cang chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy Cụm H.63, cụm tình báo hỗ trợ cho Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn, điệp viên nằm sâu trong lòng địch). Sau chiến tranh, "bộ máy" H.63 đã 2 lần trở thành anh hùng (với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba...).

Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, ông được nhận nhiệm vụ chỉ điểm những vị trí đóng quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở trong thành phố Sài Gòn cho Quân đoàn 3, phòng trường hợp chính quyền Dương Văn Minh không đầu hàng Quân Giải phóng thì sẽ pháo kích, đánh chiếm từng đường phố trong thành phố. Ông là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, đơn vị tấn công cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Năm 2005, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện đã bước sang tuổi 95, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động, chia sẻ, góp phần truyền lửa yêu nước tới mọi người, đặc biệt là với thế hệ trẻ.