Tranh vẽ minh họa |
Tháng Tư. Ve bắt đầu kêu rộn trên những tàn cây quanh sân trường, trên những con đường phố núi hai bên còn rợp xanh bóng lá. Bình minh, trưa vắng - hoặc cả buổi chiều tà - những tràng âm thanh ve ve tràng nọ nối tiếp tràng kia, dài như một hồi còi liên tục, đầy ám ảnh cái điệp khúc muôn đời của bản nhạc vào hè. Thằng con năm nay lớp 12, năm cuối cùng bậc trung học phổ thông, cứ mỗi buổi học về lại buông cặp, lắng tiếng ve văng vẳng xa xa bằng bộ mặt đầy tâm trạng, giọng thẫn thờ: sắp hết năm học rồi, nhanh quá... Nhanh gì nữa; cả năm cứ dông dài, lơn tơn nói mãi không nghe; giờ đến lúc ve kêu mới sực tỉnh, cuống cuồng nước rút cùng chữ nghĩa. May, dù có muộn chút cũng còn hơn không - bởi ông quý tử nhà tôi nổi tiếng "siêu lười"...
Hơi giống ông con, những ngày này, cô giáo mẹ là tôi nhiều khi cũng bước lên bục giảng trong tâm trạng nao nao khi những buổi xế trưa khắp sân trường rền vang độc âm thanh một “dàn đồng ca” ve ve bất tận. Kêu mãi kêu hoài như không biết mệt. Đạp xe trên phố sáng trưa chiều đều thi thoảng bắt gặp tiếng ve kêu đây đó; nhưng không đâu cái âm thanh gọi hè lại tập trung đậm đặc, rền rĩ, ám ảnh cho bằng những mái trường. Cứ như lũ ve có “duyên nợ” gì đó với trường lớp, với tuổi học trò nên mới rủ rê xúm xít, tập trung cao độ mà ngân nga. Tranh thủ buổi giải lao hoặc lúc chưa vào lớp, mấy chú học trò nghịch ngợm lại lén bác bảo vệ leo cây lùng bắt ve. Những con ve xam xám cánh mỏng dài, hai mắt tròn to thô lố; trông qua chẳng thấy gì đặc biệt nhưng chỉ cần dùng ngón tay ấn nhẹ lên mình là lập tức từ cơ quan âm thanh trước ngực phát ra tiếng “e, e” đột ngột, lảnh lót như tiếng còi, khiến người lần đầu nghe cầm chắc... giật mình; không tưởng tượng nổi sao con vật nhỏ bé kia lại có khả năng phát ra âm thanh “đáng sợ” dường ấy? Đó đích xác là tâm trạng thực của bà chị gần nhà tôi khi chị hớt hải chạy sang cầu cứu: em qua coi giúp chị - xem cái con gì bé tí teo lọt vào nhà mà tiếng kêu ghê quá??? Một con ve lọt vào nhà nghe tiếng đã ghê thì nguyên dàn đồng ca ve đương nhiên... đinh tai nhức óc! Chả trách lũ học trò cứ tháng Tư đến lớp lại ồn ào hơn thường lệ. Đừng ai trách chúng tội nghiệp; bởi đâu riêng học trò, cô giáo tôi lên lớp giảng bài cũng phải cố nói to để không bị tiếng ve át mất. Tháng Tư; hạ chính thức về trong những bản nhạc hè đó đây vang rộn. Lửa hạ nung nóng guồng quay khiến bánh xe đời dần tăng tốc. Hối hả nhất vẫn là những cô cậu học trò trước ngưỡng mùa thi. Trách nhiệm sống còn với tương lai. Trách nhiệm cùng cơm cha, áo mẹ, công thầy... Mà không, đâu chỉ trách nhiệm? Còn cả nỗi bồi hồi nuối tiếc, cuống quít muốn níu giữ những kỉ niệm, những tâm tình thanh xuân dưới mái học đường giờ sắp vuột khỏi tầm tay...
Và tôi, cô giáo của các em - cũng từng ngần ấy năm học trò, cũng từng nghịch tinh, dại dột, mộng mơ - đương nhiên không thể nào nguôi quên ám ảnh khi lắng tiếng ve ran mỗi độ hè về...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin