Làng sen quê Bác. Ảnh: Tư liệu |
Tháng 5 về thăm quê Bác, ta đi trong ngan ngát hương sen, lòng bỗng dạt dào khi ngân lên trong mình khúc hát “Bác về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến với giai điệu da diết, tha thiết biết bao ân tình: “Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen” và “Hồ Chí Minh người là mùa hoa sen tỏa ngát hương đồng”. Nhà thơ Trần Hữu Thung - tác giả bài thơ “Thăm lúa” nổi tiếng, một người con xứ Nghệ đã viết bài thơ “Sen quê Bác” khá cảm động, dung dị lan tỏa chan chứa yêu thương đồng cảm với bao người: “Sen giữa lòng ao, sát mặt đường/ Có sen, ao bỗng hoá thành gương/ Ríu ran đàn cháu quanh soi bóng/ Hương trẻ, hương sen, quyện mến thương”. Sen quê Bác ngoài giống sen lâu đời của làng Kim Liên (sen vàng) còn được phát triển nhân giống từ một số địa phương có giống sen nổi tiếng. Đặc biệt là sen Huế, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác khi theo chân bố mẹ vào Huế từ lúc 6 tuổi và giống sen Đồng Tháp Mười, nơi có phần mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ. Quê Bác có tên đất, tên làng nhiều địa danh gắn bó với sen như: Kim Liên, Cồn Sen, Bàu Sen, Đầm Sen... Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật thú vị là tháng 5 quê Bác sen nở rộ ngát hương thơm cũng là tháng có ngày sinh nhật Bác. Sen như là một món quà dâng tặng Bác và làng Sen trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, gần gũi với mọi người bỗng trở thành quê chung. Nhà thơ Xuân Hoài đã có một phát hiện tứ thơ khá tinh tế và xúc động trong bài thơ “Quê chung”: “Bỗng nghe tiếng nói trăm miền/ Khi con bước đến làng Sen, làng Chùa”. Không chỉ mọi người con đất Việt khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây mà còn có cả: “Bước chân bè bạn năm châu/ Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này”. Sen đã làm nên tên làng, làm nên cốt cách con người với vẻ đẹp bình dị, thanh cao như cuộc đời của Bác.
Hoa sen có những đặc tính riêng biệt mà không loài hoa nào có được đó là một sự chắt lọc tinh khiết “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ có hoa sen mới có “tâm sen”, chữ “tâm” của đạo Phật là hạt giống của tình người, của lòng từ bi hỷ xả. Sen được coi như là quốc hoa của nước Việt, là “căn cước văn hóa” và “căn cước tâm linh”. Búp sen giống hình trái tim nâng niu chung thủy lại mềm mại, uyển chuyển, thanh thoát như búp tay thon măng của cô gái trong điệu múa cổ. Khi nở ra thì tỏa ánh hào quang như hào quang xung quanh tượng Đức Phật tọa thiền trên đài sen. Phải chăng hình ảnh đất nước “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong thơ Nguyễn Đình Thi cũng bắt đầu từ gợi ý hình tượng hoa sen. Và trên cánh bay của hãng hàng không Việt Nam có in hình hoa sen nổi bật biểu tượng cho sự mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng bất khuất, kiên cường - một vẻ đẹp thuần Việt đến với bạn bè quốc tế. Tháng 5 về thăm quê Bác, ta gặp ở đây những nét đặc trưng mang dáng dấp của làng quê thôn Việt. Đó là những ngõ tre, cổng tre xào xạc trong nắng trưa. Tre mọc ken dày che chở cho nhau biểu tượng cho cốt cách phẩm hạnh của con người Việt: “Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người” (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy). Trong ngôi nhà của Bác có rất nhiều vật dụng đều làm nguyên liệu từ tre. Từ chiếc chõng tre ru giấc Bác ngủ, đến cái chạn đựng bát cũng bằng tre. Và nếp nhà tranh dựng nên với cột kèo thuần phác bằng tre.
Về thăm quê Bác trong chan hòa hương nắng, hương sen, ta mới hiểu vì sao Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, yêu trẻ thơ với một tâm hồn lão thực thi nhân. Làng sen quê Bác chính là vành nôi nuôi dưỡng Người từ khúc dân ca cội nguồn đến hương thơm dịu ngọt của sen và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước, rạng rỡ làng Sen mà nhà thơ Bảo Định Giang đã từng ngợi ca như một áng ca dao tuyệt hay: “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Về quê Bác tháng 5 này, những cánh hoa sen vẫn lặng thầm tỏa hương với bao tình nghĩa thủy chung “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” (Nguyễn Du). Dù đã xa quê hương hàng chục năm đặt chân đến với bao châu lục trên khắp thế giới, khi về thăm quê, Bác vẫn giữ nguyên giọng nói trầm ấm hỏi thăm từng người nhắc lại nhiều kỷ niệm từ lò rèn Cố Điền đến giếng Cốc. Và kể cả câu hát phường vải Bác vẫn không quên sửa chữ “nước” thành “nác” (từ của địa phương). Cuộc đời “thanh bạch chẳng vàng son” của Bác như vẻ đẹp thuần khiết của hoa sen đã tỏa rạng hương sen như tấm gương trong sáng suốt cả cuộc đời vì nước vì dân của Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin